29/02/2020 09:17 GMT+7

Mảnh đất đánh mất ruột rà

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Mảnh đất cha mẹ để lại trước đây nằm trong hẻm, giờ ra mặt tiền đã đánh mất tình máu mủ khi 9 anh em đi kiện người còn lại. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm chưa thể kết thúc vụ kiện, khi nguyên đơn cho rằng tòa đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng.

Mảnh đất đánh mất ruột rà - Ảnh 1.

Bà La (phải) và bà Phờ thay mặt những anh em còn lại theo đuổi vụ kiện người em, đòi quyền thừa kế - Ảnh: TRẦN MAI

Thời gian qua, chị em bà Đinh Thị Phờ, Đinh Thị La được 7 anh em còn lại ủy quyền theo đuổi vụ kiện em trai là ông Đinh Quý Mùi (phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) để đòi quyền thừa kế mảnh đất giữa trung tâm TP Quảng Ngãi. Dù hai cấp tòa áp dụng án lệ thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp mảnh đất cha mẹ để lại cho bị đơn, nhưng 9 anh chị em không phục vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng.

Dấu vân tay giả trong hợp đồng cho tặng

Bỏ công việc chăm người ốm ở TP.HCM, bà Đinh Thị Phờ và Đinh Thị La vội trở về quê dự buổi tiếp dân với bí thư tỉnh ủy để kêu cứu và gửi đơn khiếu nại đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. Kết thúc buổi tiếp dân, hai chị em bà Phờ ngồi vô hồn. Bà Phờ bảo chẳng muốn kiện tụng kéo dài, nhưng "vẫn còn quá nhiều điều khuất tất mà hai cấp tòa đã bỏ qua, buộc chúng tôi phải tiếp tục kêu cứu".

Kể về cớ sự ruột rà kiện nhau, bà Phờ cho biết: Cha bà là ông Đinh Văn Chưởng, mẹ là bà Phạm Thị Phơ sinh hạ 10 người con. Sinh thời, cha mẹ bà tạo lập được 3 căn nhà cấp 4 trên cùng thửa đất số 111 (tờ bản đồ số 18, phường Trần Phú, có diện tích gần 310m2). 

"Năm 2015, khi cha mất, chúng tôi về chịu tang và chăm sóc mẹ già đã không còn minh mẫn thì xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, ông Mùi nói nhà và đất giờ do ông đứng tên nên yêu cầu mọi người ra khỏi nhà" - bà Phờ nói.

Bán tín bán nghi lời ông Mùi nói, mấy anh chị em "gõ cửa" cơ quan chức năng, mới hay năm 2007 cha mẹ đã làm hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với vợ chồng ông Mùi. Hợp đồng được phường Trần Phú chứng thực ngày 22-10-2007. "Đến ngày 29-11-2007, TP Quảng Ngãi có quyết định thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của cha, mẹ tôi để cấp cho vợ chồng ông Mùi" - bà Phờ nói.

Tuy nhiên, trong hợp đồng cho tặng ở phần thể hiện ý chí của bà Phơ thay vì ký tên lại áp dấu vân tay. Lúc này, mọi người nhớ tháng 10-2007 bà Phơ đang ở TP.HCM bán vé số bị ốm phải nhập viện. Việc áp dấu vân tay trong hợp đồng khiến mọi người nghi ngờ và làm đơn khiếu kiện.

Đến năm 2018, TAND TP Quảng Ngãi trưng cầu giám định dấu vân tay, lúc này bà Phơ đã qua đời. Tháng 9-2018, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tiến hành giám định dấu vân tay bà Phơ và kết luận "dấu vân tay của bà Phơ trong hợp đồng cho tặng không phải là dấu vân tay của bà Phơ trong giấy chứng minh nhân dân". 

Bà Phờ nói: "Dấu vân tay không phải của mẹ tôi, vậy thì hợp đồng cho tặng không có hiệu lực. Rõ ràng đây là việc làm giả giấy tờ, chiếm đoạt quyền thừa kế".

Ngoài ra, chị em bà Phờ còn phát hiện trong văn bản chứng thực vào hợp đồng cho tặng QSDĐ của UBND phường Trần Phú ngày 22-10-2007, người chứng thực là ông Đỗ Hà Cường, phó chủ tịch UBND phường Trần Phú. Tuy nhiên, người ký tên đóng dấu phía dưới văn bản lại là ông Nguyễn Hữu Vị, chủ tịch UBND phường Trần Phú.

Tòa xử bằng án lệ

Trong bản án sơ thẩm, TAND TP Quảng Ngãi tuyên bác đơn khởi kiện của các nguyên đơn. Không đồng ý, nguyên đơn tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Ngãi. Một lần nữa, TAND tỉnh Quảng Ngãi bác đơn, công nhận quyền thừa kế của vợ chồng ông Mùi.

Theo TAND tỉnh Quảng Ngãi, ông Chưởng, bà Phơ đã lập hợp đồng cho tặng QSDĐ cho vợ chồng ông Mùi. Ngày 16-9-2007, ông Chưởng viết giấy ủy quyền thừa kế giao cho vợ chồng ông Mùi; ngày 1-4-2009, ông Chưởng lập tờ khế ước giao cho vợ chồng ông Mùi. Sau khi thửa đất được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng ông Mùi, cha mẹ lúc còn sống không khiếu nại. Năm 2011, vợ chồng ông Mùi xây nhà cấp IIIA cho con trai, không ai có ý kiến, tranh chấp. 

"Căn cứ theo án lệ 03/2016/AL đã được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua năm 2016, có căn cứ xác định vợ chồng ông Mùi đã được cha mẹ cho tặng QSDĐ", TAND tỉnh Quảng Ngãi kết luận.

Cũng theo nhận định của TAND tỉnh Quảng Ngãi, việc chứng thực vào hợp đồng tặng cho QSDĐ của UBND phường Trần Phú, người chứng thực là ông Đỗ Hà Cường - phó chủ tịch UBND phường, nhưng trong lời chứng có sai sót khi ghi ông Đỗ Hà Cường là chủ tịch UBND phường và đóng dấu tên Nguyễn Hữu Vị. Đây là sai sót hành chính, phường Trần Phú thừa nhận. "Việc sai sót này không ảnh hưởng đến ý chí của việc cho tặng", TAND tỉnh Quảng Ngãi kết luận.

Không đồng tình với nhận định này, bà Phờ cho rằng nếu phát hiện sai sót, thời điểm cấp chứng nhận QSDĐ cho ông Mùi cha mẹ vẫn còn sống, cơ quan chức năng phải yêu cầu chỉnh sửa lại giấy này. 

"Tại sao một văn bản chứng thực sai phạm nghiêm trọng vẫn có hiệu lực và tiến hành cấp sổ đỏ. Hợp đồng cho tặng không phải dấu vân tay của mẹ tôi. Còn dấu vân tay ở tờ khế ước thì Viện Khoa học hình sự kết luận không đủ yếu tố giám định. Chúng tôi không hiểu nổi tòa án đã dựa vào đâu mà áp dụng án lệ để công nhận những sai phạm rõ ràng như vậy" - bà Phờ nói lớn.

Án lệ 03/2016 thế nào?

Theo tìm hiểu của phóng viên, án lệ 03/2016/AL ghi rõ: "Nhà của đương sự, vợ chồng anh Nam xây dựng trên phần đất riêng biệt 80m2, nằm biệt lập hoàn toàn với gia đình cha mẹ và vợ chồng anh Nam ở đây. Năm 2001, xã tổ chức cho người dân đăng ký kê khai để xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Ông Phác là chủ đất, nhưng không đi kê khai. Anh Nam đang ở trên đất và là người kê khai và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì công nhận".

Án lệ không bao biện sai phạm

Theo luật sư Hà Vĩnh Phúc - Đoàn luật sư Quảng Ngãi, không có án lệ nào đi ngược pháp luật, đi ngược quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trong trường hợp này, hợp đồng cho tặng không đúng quy định của pháp luật, không có giá trị pháp lý, phải tuyên là vô hiệu; giấy ủy quyền thừa kế, khế ước không có giá trị pháp lý khi dấu vân tay của bà Phơ không đủ yếu tố giám định...

"Án lệ chỉ áp dụng cho những trường hợp tương tự, không ai sử dụng án lệ để bao che cho những sai phạm cả. Trong vụ án này, việc áp dụng án lệ là không đúng. Thậm chí có dấu hiệu của việc làm giả con dấu, chữ ký giấy tờ của tổ chức cá nhân chiếm đoạt tài sản" - luật sư Phúc nói.

Nỗi đau mang tên Nỗi đau mang tên 'thừa kế'

TTO - Vụ án cha kiện con trai đã kéo dài 26 năm. Đến nay cả cha (nguyên đơn) và con trai (bị đơn) đều đã qua đời, nhưng “cuộc chiến” giữa những người thừa kế của họ vẫn chưa chấm dứt.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên