22/04/2024 09:53 GMT+7

Mang tiếng cười cho sân chơi khuyết tật

Đứng bên lề sân bóng đá ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hùng vui vẻ khoe lịch tập luyện của cậu con trai. Thứ hai - bóng rổ, thứ tư - bóng chày, thứ năm - điền kinh, thứ bảy - judo, chủ nhật.

Trẻ em bị bệnh tự kỷ, Down và thần kinh tham gia ngày hội môn hockey - Ảnh: HUY ĐĂNG

Trẻ em bị bệnh tự kỷ, Down và thần kinh tham gia ngày hội môn hockey - Ảnh: HUY ĐĂNG

Lịch học của cậu con trai nghe thời thượng chẳng khác nào lớp thể dục của một trường quốc tế.

Thật ra đó là lịch học của Cộng đồng thể thao khuyết tật, do ông Lý Đại Nghĩa, phó giám đốc trung tâm nơi đây, phụ trách.

Học nhiều, chơi nhiều

Con trai của ông Hùng, anh Bảo Minh (18 tuổi) là một người mắc bệnh tự kỷ. Tương tự như tất cả những người mắc hội chứng Down và bệnh tự kỷ khác, từ nhỏ Bảo Minh đã gặp khó trong việc tìm kiếm một môi trường sinh hoạt phù hợp.

"Xã hội mình còn rất thiếu những nơi rèn luyện kỹ năng, tạo môi trường sinh hoạt cho người tự kỷ. Thông thường những lớp như vậy chỉ có ở nhà dòng của các sơ. Mấy năm gần đây tôi có tìm được lớp học bơi, học bocce cho con. Cháu nó thích lắm, nhờ học thể thao mà cải thiện đáng kể về sức khỏe lẫn tinh thần. Trước đây cháu thường hay sợ mỗi lần trời mưa gió, không hiểu sao từ ngày tập bơi lại bớt hẳn", ông Hùng kể.

Lớp học bơi ông Hùng nói đến được đứng lớp bởi anh Võ Huỳnh Anh Khoa - VĐV nổi tiếng trong giới khuyết tật. Từng nhiều lần giành HCV Para Games, anh Khoa cộng tác với Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu mở lớp dạy bơi cho trẻ mắc hội chứng Down, tự kỷ hoặc tâm thần.

Nhưng học bơi một lần mỗi tuần là chưa đủ, ông Hùng bôn ba đưa Bảo Minh tìm thêm các lớp học khác. Sau một thời gian dõi theo các trang mạng xã hội, ông đưa con đến Phú Thọ.

"Trước đây tôi biết nơi đây có CLB thể thao dành cho người khuyết tật. Nhưng vì là trung tâm huấn luyện của TP, tôi ngại nơi này chỉ dành cho các VĐV dự Para Games, đâu có ngờ các thầy ở đây mở rộng dành cho tất cả các đối tượng như vậy", ông Hùng nói. Ông đưa con trai đến Phú Thọ sau khi tìm được những hình ảnh hấp dẫn về một giải thể thao khuyết tật do ông Lý Đại Nghĩa tổ chức.

Giới thể thao đỉnh cao không xa lạ với cái tên Lý Đại Nghĩa. Giữ chức vụ cao trong Liên đoàn Judo Việt Nam, cũng là một cán bộ ngành thể thao, ông Lý Đại Nghĩa còn nhận thêm nhiệm vụ phát triển phong trào cho người khuyết tật. Dưới bàn tay vun đắp của vị tiến sĩ thể thao này, khu trung tâm ở cổng số 2 đường Lê Đại Hành, hay cổng 219 đường Lý Thường Kiệt (quận 11) lại thực sự trở thành "thiên đường dành cho người khuyết tật".

Ông Lý Đại Nghĩa - Phó giám đốc trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM đứng lớp judo dành cho người khiếm thị - Ảnh: H.ĐĂNG

Ông Lý Đại Nghĩa - Phó giám đốc trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM đứng lớp judo dành cho người khiếm thị - Ảnh: H.ĐĂNG

Thiên đường của người khuyết tật

Bóng đá người mù, quần vợt xe lăn, hay bocce, điền kinh, bơi là một số môn thể thao mặc định "đóng đinh" cho phong trào thể thao khuyết tật. Vì sao? Vì đây là những môn Việt Nam có thể giành được thành tích cao ở Para Games. Tất nhiên, cho đến ngày nay, các môn này vẫn là ngọn cờ đầu của phong trào thể thao khuyết tật. Nhưng những người gây dựng phong trào thể thao khuyết tật giàu tâm huyết như ông Nghĩa muốn nhiều hơn thế.

"Điều tôi quan tâm nhất là phải mang đến niềm vui cho các em khuyết tật. Vì vậy, chúng tôi chạy ngược chạy xuôi để tìm thêm những người sẵn sàng ủng hộ, liên kết thêm với các liên đoàn và HLV để mở rộng phong trào", ông Lý Đại Nghĩa nói.

Nói được là làm được, chỉ sau một năm, ông Nghĩa và các cộng sự nhanh chóng gây dựng được thêm nhiều lớp học cho cộng đồng thể thao khuyết tật. Một tuần, trung tâm nơi đây có các lớp bóng rổ, điền kinh, bóng chày, karate, aerobic, bocce... Không chỉ vậy, cứ vài tháng lại có thêm những ngày hội thể thao khuyết tật với bầu không khí rộn rã. Ở đó, những người tự kỷ, Down, khiếm thị... có thể tiếp cận những môn thể thao mới mẻ du nhập từ nước ngoài như bóng chày, cricket hay khúc côn cầu (hockey). 

Ông James Chew, doanh nhân người Singapore và cũng là người góp công truyền bá môn hockey sang Việt Nam khoảng chục năm trước, cho biết: "Khi trung tâm đề cập việc tổ chức hội thao cho các em khuyết tật, tôi lập tức đồng ý. 

Hockey là một môn thể thao thú vị với dụng cụ lạ mắt, điều này sẽ kích thích sự vui thích của các em. Với các bạn mắc bệnh tự kỷ, không phải chúng ta cứ đưa họ ra sân là được. Cần phải có yếu tố vui nhộn và ân cần".

Ngoài việc tài trợ dụng cụ tập luyện, nhóm của ông Chew còn đưa cả người sang huấn luyện hockey cho CLB thể thao khuyết tật. Tương tự là ở một số môn thể thao khác, CLB thể thao khuyết tật cũng luôn được hỗ trợ bởi các chuyên gia của liên đoàn hoặc những HLV giàu kinh nghiệm. Bản thân ông Lý Đại Nghĩa cũng đứng lớp judo dành cho người khiếm thị.

Phong trào thể thao khuyết tật càng rộn ràng hơn khi có liên kết chặt chẽ giữa các HLV, thầy cô giáo, lớp học... Từ lớp học bơi, các học viên được khuyên sang lớp học võ, từ lớp học võ lại sang nhiều lớp học thể thao thú vị khác nằm bên ngoài trung tâm. 

Chị Nguyễn Thị Thủy, một VĐV khuyết tật môn bắn cung, cho biết đã chuyển sang chơi thử môn pickleball theo lời giới thiệu của các HLV. Đây là một môn thể thao vô cùng mới lạ, được biết đến dưới cái mác "môn thể thao yêu thích của Bill Gates".

Với sự nhiệt tâm của những người có chuyên môn, tiếng cười cho sân chơi thể thao khuyết tật ngày càng rộn rã.

Ông Huỳnh Công Sơn huấn luyện môn pickleball cho người bị liệt chân – Ảnh: HOÀNG TÙNG

Ông Huỳnh Công Sơn huấn luyện môn pickleball cho người bị liệt chân – Ảnh: HOÀNG TÙNG

Thêm môn mới cho người khuyết tật

Phụ trách lớp pickleball là ông Huỳnh Công Sơn, một cựu VĐV quần vợt xe lăn. Ông Sơn cho biết vài năm trước một số Việt kiều đưa môn pickleball về Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thêm dụng cụ. Thấy hay nên ông Sơn tập chơi thử, dần dà trở thành "cao thủ" môn thể thao mới lạ này. Từ đó, ông Huỳnh Công Sơn mở lớp dạy pickleball cho người khuyết tật ở CLB thể thao 2-9 (quận Tân Bình, TP.HCM).

Xin từng giờ cho thể thao khuyết tật…Xin từng giờ cho thể thao khuyết tật…

TTCT - Các hoạt động thể thao người khuyết tật hiện vẫn gần như dựa hoàn toàn vào các nỗ lực tư nhân và cá nhân.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên