Xin từng giờ cho thể thao khuyết tật…

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 16/08/2022 06:16 GMT+7

TTCT - Các hoạt động thể thao người khuyết tật hiện vẫn gần như dựa hoàn toàn vào các nỗ lực tư nhân và cá nhân.

"Mơ ước của tôi là mỗi hiệp hội, liên đoàn đều dành ra một ngày thế này cho các em. Như vậy, mỗi tháng hay thậm chí mỗi tuần các em khuyết tật đều có một ngày hội thể thao sôi động", ông Lý Đại Nghĩa thổ lộ khi tổ chức ngày hội hockey dành cho người khuyết tật trí tuệ hồi tháng 7.

Xin từng giờ cho thể thao khuyết tật… - Ảnh 1.

Một thành viên CLB hockey của ông James Chew hướng dẫn hockey cho người khuyết tật. Ảnh: H.Đ.

Không lâu sau khi tổ chức sự kiện này, ông Nghĩa lên đường dự Para Games 2022 với tư cách lãnh đội của đoàn TP.HCM. Vì ảnh hưởng của đại dịch, kỳ Para Games lần thứ 10 (theo lịch diễn ra tại Philippines năm 2019) đã bị hủy bỏ. Sau 5 năm, cộng đồng người khuyết tật mới lại có một sự kiện lớn để tranh tài.

Mong được như nước bạn

Kết quả sau hơn một tuần thi đấu, đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam giành được 65 HCV, 62 HCB và 55 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn. Đây là thành tích ấn tượng bởi trong các kỳ Para Games trước đây, đoàn Việt Nam thường chỉ về đích thứ 4 với số lượng HCV dao động từ 40 đến 50.

Nhưng dù đã cố gắng nhiều, thể thao khuyết tật Việt Nam vẫn chưa thể sánh được với nhiều nước trong khu vực. Nếu tính tổng thành tích trong lịch sử Para Games, số HCV của Việt Nam (568) chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan (2.154), và kém nhiều so với Indonesia (702) lẫn Malaysia (727). 

Nhìn ra đấu trường Paralympic, Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore cũng từng đoạt nhiều HCV, trong khi tấm HCV của Lê Văn Công ở môn cử tạ trên đất Brazil năm 2016 cho đến nay vẫn là độc nhất của Việt Nam.

Giải thích cho sự thua sút của thể thao người khuyết tật Việt Nam so với các nước láng giềng, ông Lý Đại Nghĩa - phó giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM, đồng thời là người phụ trách phong trào thể thao khuyết tật thành phố - cho biết: 

"Ở Việt Nam hiện nay thể thao người khuyết tật chỉ được Nhà nước nuôi quân ở 3 môn cử tạ, điền kinh và bơi lội, tức là các VĐV có chế độ và được tập huấn. Còn VĐV các môn khác (như bắn cung, bóng bàn, cầu lông, cờ, quần vợt xe lăn…) chỉ được tạo điều kiện sân bãi và lĩnh thưởng nếu có huy chương. Trong khi đó, các nước như Thái Lan hay Indonesia tạo điều kiện cho tất cả các môn, vì vậy họ phát triển đều hơn so với chúng ta".

Nhưng thể thao thành tích cao nói cho cùng với cộng đồng người khuyết tật cũng chỉ là giá trị bề nổi. Điều mà những người làm thể thao khuyết tật tâm huyết như ông Lý Đại Nghĩa mong mỏi là tạo ra được sân chơi rộng mở cho cộng đồng những người gặp thiệt thòi về thể chất. 

Vài năm trở lại đây, phong trào này ngày càng được đẩy mạnh. Ngày hội hockey diễn ra tại Phú Thọ do ông Nghĩa tổ chức là một sân chơi như vậy.

Xin từng giờ, từng dụng cụ

Ngắm nhìn cậu con trai đã hơn 20 tuổi xúng xính trong bộ quần áo của nhà tài trợ, tay cầm cây gậy hockey, ông Nghĩa không giấu được hạnh phúc. Nhiều năm qua, hễ nghe nơi nào có tổ chức hội hè, học tập, rèn luyện thể thao cho trẻ thiểu năng là ông Nghĩa đều lao ngay đến.

Trong tất cả các nhóm khuyết tật, người khuyết tật trí tuệ luôn gặp khó khăn nhất trong việc tìm kiếm một cộng đồng để sinh hoạt. Oái oăm thay, đây cũng là nhóm khuyết tật có tỉ lệ gia tăng mạnh.

Ông Lý Đại Nghĩa cho biết: "Với sự phát triển của y học ngày nay, các dạng khuyết tật thông thường đều được hỗ trợ ít nhiều. Vì vậy theo quan sát của chúng tôi, tỉ lệ khuyết tật trí tuệ ngày càng tăng, mà đây lại là nhóm thiếu sân chơi thể thao nhất. Ở Paralympic và Para Games châu Á đã có nội dung thi đấu cho họ, nhưng Para Games Đông Nam Á thì chưa".

Nhưng không phải vì vậy mà những người làm phong trào thể thao khuyết tật bỏ qua đối tượng trẻ thiểu năng, tự kỷ. Vài năm trở lại đây, ông Lý Đại Nghĩa và các cộng sự chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ cho cộng đồng này. 

Ngày hội hockey mà nhóm của ông tổ chức cách đây không lâu là một trong các hoạt động của hội. Cứ đôi ba tuần/lần, các em khuyết tật trí tuệ lại tham gia một sự kiện thể thao, khi thì bắn cung, khi thì hockey, bóng chày…

Ông James Chew - doanh nhân người Singapore và cũng là người góp công truyền bá môn hockey sang Việt Nam khoảng chục năm trước - nói: "Ngay từ khi trung tâm thể thao Phú Thọ đề cập việc tổ chức hội thao cho các em khuyết tật, tôi đã rất ủng hộ. Hockey là một môn thể thao thú vị với dụng cụ lạ mắt, điều này sẽ kích thích tư duy cho người khuyết tật trí tuệ".

Nhóm của ông Chew đã tài trợ dụng cụ tập luyện cũng như nhân lực, một số cầu thủ hockey của đội tình nguyện trở thành HLV miễn phí trong một ngày đặc biệt dành cho trẻ thiểu năng, tự kỷ. 

Cứ như vậy, nhờ cậy nơi này một ít, nơi kia một ít, CLB thể thao dành cho trẻ khuyết tật do ông Lý Đại Nghĩa gầy dựng ở trung tâm thể thao Phú Thọ chẳng mấy chốc thu hút đến hơn 300 người khuyết tật tham gia, chia đều ra từng lớp học đặc biệt. 

Ngân sách hoạt động của CLB năm ngoái là 60 triệu đồng, hoàn toàn đến từ những nhà hảo tâm mà ông Lý Đại Nghĩa vận động được.

"Không chỉ có tiền, cả việc có HLV đứng lớp dạy cho các em cũng là do chúng tôi… đi xin. Xin người này một giờ, người kia hai giờ mỗi tuần. Nếu ai cũng giúp đỡ thì chúng tôi có thể giúp các em khuyết tật được chơi thể thao mỗi tuần", ông Lý Đại Nghĩa nói. ■

"Một kỳ Para Games đáng nhớ trong đời tôi"

Đó là chia sẻ của kỷ lục gia cử tạ người khuyết tật thế giới Lê Văn Công về kỳ ASEAN Para Games 11 vừa kết thúc tại Indonesia. Anh Công nói: "Tôi từng dự nhiều kỳ ASEAN Para Games kể từ 2007, nhưng đây là lần đầu tiên cảm thấy rất ấn tượng. Dẫu còn nhiều khó khăn vì dư âm của đại dịch COVID-19, nhưng chủ nhà Indonesia đã tổ chức đại hội rất chu đáo".

"Ấn tượng đầu tiên của tôi là đội ngũ tình nguyện viên. So với nhiều kỳ đại hội trước, có lẽ số lượng tình nguyện viên ít hơn, nhưng nhiệt tình hơn. Họ ra đón đoàn tận cửa máy bay và khi tiễn cũng là những người cuối cùng đứng dưới máy bay. Tôi nhớ mãi hình ảnh tình nguyện viên Indonesia khóc chào vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Trong quá trình thi đấu, họ cũng túc trực bên VĐV, đáp ứng mọi nhu cầu, kể cả đi lấy thức ăn, nước uống… để VĐV tập trung thi đấu".

"Công tác tổ chức cũng rất tốt. Mỗi môn được thiết kế thi đấu một nơi riêng biệt và VĐV có thể ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ ngay tại nơi mình thi đấu. Họ còn tâm lý đến mức ra sân bay về nước, sợ thành viên các đoàn buồn chán, nên trong thời gian chờ đợi chuyến bay, chủ nhà Indonesia tổ chức nhiều nhóm văn nghệ biểu diễn ngay tại sân bay để mọi người giải khuây".

Trái với thông lệ, chủ nhà SEA Games năm nay là Việt Nam đã không đăng cai Para Games, và Indonesia đứng ra nhận đăng cai thay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận