20/11/2004 08:53 GMT+7

Mang thai hộ: có nên điều chỉnh?

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT (Hà Nội) - “Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) sẽ chỉ đạo nghiên cứu một cách nghiêm túc ý kiến các vị đại biểu (ĐB) QH để tiếp thu, chỉnh lý thêm một bước dự thảo và sau đó tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các ngành, các cấp”. Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu đã gút lại phiên thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) như thế sáng qua 19-11.

Theo nhận xét của Phó chủ tịch Yểu, phát biểu tại hội trường lần này rất sôi nổi, thể hiện tính tranh luận cao. Các đại biểu đều thể hiện rõ chính kiến với nhiều lập luận sắc sảo, thuyết phục. Tuổi Trẻ lược ghi hai trong số những tranh luận sôi nổi, thú vị đó.

ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh): “Vợ chồng bạn tôi đã ngoài 40 tuổi, khát khao cháy bỏng của họ là muốn có một đứa con. Thế nhưng chị vợ sức khỏe đã yếu, lại bị bệnh tim và một số bệnh khác nên chỉ mang thai đã khó khăn, đừng nói gì đến “vượt cạn”. Họ đành đi thụ tinh trong ống nghiệm và nhờ một phụ nữ khác mang thai, sinh nở.

Hai bên ký giao ước: sau khi sinh xong, người phụ nữ mang thai hộ nhận đủ tiền thù lao sẽ không được đến gặp đứa bé nữa. Đến khi cháu bé ra đời, người phụ nữ kia nhận đủ tiền và lại được thưởng thêm khá nhiều vì niềm vui của hai bạn tôi quá lớn. Thế nhưng phức tạp lại bắt đầu nảy sinh và ngày càng căng thẳng theo sự lớn lên của cháu bé. Đó là người phụ nữ không chịu thực hiện đúng giao ước ban đầu, thường xuyên tìm đến thăm cháu bé... Vợ chồng bạn tôi mỗi lần như thế lại phải năn nỉ, thậm chí khóc lóc, phải cho tiền chị ta, rồi chấp nhận trợ cấp chị ta hằng tháng. Chị ta hứa sẽ thôi song vẫn đến. Bạn tôi đã phải chuyển nhà, không dám cho cháu bé đi nhà trẻ hay mẫu giáo và phải thuê một người đến nhà trông nom cháu bé sau... hai lần cửa khóa...

Như vậy việc mang thai hộ đã trở thành thực tế dù có thể chưa nhiều. Tôi đề nghị ban soạn thảo và QH xem xét đưa nội dung này vào luật để không nảy sinh phức tạp như chuyện này”.

ĐB Nguyễn Thị Thảnh (Hưng Yên): “Chuyện anh Hậu kể tôi nghĩ rằng ai cũng chia sẻ với nguyện vọng có con của bất kỳ một cặp vợ chồng nào. Nó rất chính đáng, rất con người. Nhưng mà cũng khó ai phủ nhận được tình cảm người đẻ hộ, đúng không? Đồng chí Hậu nói bây giờ phải khóa hai lần cửa, nhưng có khóa đến mười lần cũng không thể dứt bỏ chuyện đó được. Cho nên hậu quả sẽ là: rắc rối của người lớn mà hậu họa của trẻ con. Sau này đứa trẻ đi học, ra cuộc sống sẽ phân vân sao lại thế này, thế kia và xã hội đàm tiếu, dị nghị với nó. Tôi đề nghị cần phải cân nhắc, nghiên cứu lại xem có phù hợp với tình hình của chúng ta?”.

ĐB Trần Hữu Hậu: “Xin được nói thêm với chị Thảnh và QH rằng tôi kể câu chuyện đó với suy nghĩ thế này: đây là một thực tế, mà đã là thực tế đang diễn ra thì chúng ta cần phải xem xét để đưa vào điều chỉnh trong bộ luật. Mục đích nhằm bảo vệ quyền thiêng liêng của người phụ nữ được làm mẹ, đồng thời bảo vệ quyền hợp lý của người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau; để các cháu bé không vì những chuyện mâu thuẫn của người lớn mà phải chịu chấn thương về tâm lý.

Sau khi tôi phát biểu vấn đề mang thai hộ, nhiều đại biểu, đặc biệt là đại biểu nữ, đã gặp tôi biểu lộ sự đồng tình”.

Xâm phạm danh dự, nhân phẩm: bồi thường ra sao?

Theo dự thảo Bộ luật dân sự, người gây thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm hại không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước qui định. Tranh luận bắt đầu nổ ra: mức bù đắp này đã thỏa đáng chưa?

qdDKRV0i.jpgPhóng to
ĐB Bùi Văn Phong (Hòa Bình): Chỉ xác định mức tối thiểu

Qui định như vậy không hợp lý, không đảm bảo được việc bồi thường phải tương xứng với tổn thất mà người bị xâm hại phải gánh chịu.

Nhân dân ta thường coi trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tiêu chuẩn này quí giá vô cùng, quí đến mức không một vật nào, không một thước nào đo đếm được.

Tôi đề nghị dự thảo chỉ xác định mức bù đắp tối thiểu, còn mức tối đa tùy đương sự thỏa thuận.

EcxRCKaU.jpgPhóng to
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): Cần giới hạn mức tối đa

Nếu nói là vô giá mà không khống chế mức bồi thường thì sẽ rất khó giải quyết trong thực tế.

Đồng ý rằng danh dự, nhân phẩm, uy tín không thể định giá được nhưng khi xảy ra hành vi xâm phạm, nếu không có “ngưỡng” bồi thường hai bên sẽ khó lòng thống nhất mức bù đắp tổn thất tinh thần.

Việc có nên qui định mức tối thiểu hay không, ban soạn thảo cân nhắc, còn giới hạn tối đa cần phải giữ.

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên