01/12/2013 07:48 GMT+7

Mại dâm ở Pháp: cho phép bán nhưng phạt người mua

HÀ AN
HÀ AN

TT - Văn bản dự luật chống nạn bóc lột tình dục, sau hàng loạt tranh cãi gay gắt, đã được thông qua bước đầu vào rạng sáng 30-11 (giờ địa phương), để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu giữa tuần tới.

d5SWk9vY.jpgPhóng to
Gái mại dâm biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Pháp ở Paris ngày 29-11 - Ảnh: Reuters

Dự luật đã gây rất nhiều tranh cãi về quyền hành nghề, quyền riêng tư và bao trùm lên nó là vấn đề đạo đức đã tranh cãi đến phút chót.

Nó thể hiện ngay cả bên ngoài tòa nhà quốc hội khi cảnh sát phải đứng ra ngăn chặn hai nhóm biểu tình, một bên là nhóm gái mại dâm và một bên là các tổ chức dân sự ủng hộ dự luật.

Trong hội trường quốc hội, không khí trầm lắng vì chỉ có khoảng 30 nghị sĩ ở lại để giơ tay biểu quyết đồng tình thông qua việc xem xét văn bản dự luật, vốn đã có được chữ ký đồng thuận của 120 nghị sĩ, để trình bỏ phiếu tại quốc hội ngày 4-12. Theo các nhận định, dự luật đầy tranh cãi này sẽ được thông qua.

Dự luật gây chia rẽ nội bộ

Dự luật chống nạn bóc lột tình dục, với điều khoản gây nhiều phản ứng nhất là phạt tiền người mua dâm - do hai nữ nghị sĩ Đảng Xã hội là Maud Olivier và Catherine Coutelle cùng với nghị sĩ Đảng UMP Guy Geoffroy khởi xướng.

Dự luật gây quá nhiều tranh cãi vì điều khoản “tấn công” vào khách mua dâm bị cho là hình thức phân biệt đối xử vì người mua dâm chủ yếu là đàn ông, trong khi luật của Pháp lại cấm phân biệt giới tính.

Dự luật cũng bị phản đối vì nó xâm phạm quyền tự do cá nhân bởi mại dâm là nghề hợp pháp ở Pháp, tức cho “bày bán” nhưng bắt người mua!

Ở Pháp, mại dâm được xem là một nghề hợp pháp nhưng hành vi chăn dắt bị nghiêm cấm triệt để.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, ở Pháp có ít nhất 20.000 gái mại dâm đang hoạt động.

Trong số đó, chỉ có 10-20% gái mại dâm “truyền thống”, tức hành nghề tự do để mưu sinh. Số còn lại đến từ Đông Âu (Bulgaria, Romania), châu Phi (Nigeria, Cameroon), Trung Quốc và Nam Mỹ, hầu hết là nạn nhân của mạng lưới dắt gái mại dâm.

Theo một điều khoản của dự luật, khách mua dâm sẽ bị phạt 1.500 euro (khoảng 2.000 USD), nếu tái phạm mức phạt sẽ tăng gấp 2,5 lần, lên 3.750 euro (hơn 5.000 USD) kèm các biện pháp giáo dục và răn đe. Dự luật tuy vậy loại bỏ hình thức phạt tù đối với người mua dâm.

Theo báo Le Figaro, cùng với mức phạt hành chính và một số biện pháp giáo dục, chính quyền Pháp dự kiến sẽ tổ chức “một đợt đào tạo nâng cao nhận thức để chống lại hành vi mua dâm”.

Điều này có vẻ thuận theo các thăm dò dư luận đã công bố: đa số dân Pháp hiện tại nhìn nhận việc đẩy lùi nạn mua dâm là điều cần thiết, nhưng chủ yếu phải thông qua con đường giáo dục.

Các nghị sĩ cũng biểu quyết một số biện pháp hỗ trợ xã hội qua việc phân bổ ngân sách 20 triệu euro (27 triệu USD)/năm để giúp gái mại dâm từ bỏ “con đường đen tối”. Ngoài ra, những người nước ngoài bán dâm ở Pháp, chiếm 80-90% số gái mại dâm, có thể được “thưởng” gia hạn giấy lưu trú thêm sáu tháng nếu quyết định bỏ nghề và được một tổ chức xã hội bảo trợ.

Nối gót thành công của Thụy Điển, áp dụng luật phạt khách mua dâm từ năm 1999 và giảm được phân nửa số lượng gái đứng đường trong vòng 10 năm, dự luật của Pháp mong muốn sẽ triệt phá đường dây bóc lột lao động tình dục đang hoạt động rầm rộ hiện nay.

Theo báo Le Parisien, dự luật nhận được sự ủng hộ của Đảng Xã hội và các hiệp hội nữ quyền nhưng một số nghị sĩ bảo thủ và bên Đảng Môi trường tuyên bố phản đối quyết liệt. “Đưa gái mại dâm tránh xa ánh đèn đường đồng nghĩa với việc đẩy họ vào bóng đen tối tăm và không thể kiểm soát được” - nghị sĩ Đảng Môi trường Europe Écologie Les Verts, ông Sergio Coronado giải thích các hoạt động chăn dắt gái có thể hoạt động chuyên nghiệp hơn để đối phó với cơ quan chức năng.

Gái mại dâm lo âu

Theo trang France Info, việc phạt khách mua dâm khiến lượng phụ nữ bán dâm tự do cảm thấy bức xúc vì dự luật vô tình đẩy họ vào cái đói nghèo do mất việc làm. “Tôi tự do, sống độc lập và hạnh phúc. Vậy nên tôi quyết tâm chống luật trừng phạt khách hàng của mình” - bà Cynthia, hành nghề bán dâm hơn 20 năm ở đường Saint Denis tại Paris, phàn nàn.

Cô Solal, đồng nghiệp của bà Cynthia, buồn bã kể rằng cô đã mất khoảng 30% khách hàng cũng chỉ vì dự luật này. Trong khi đó, khách hàng Eric, đã ly hôn và có hai con, cho rằng “dự luật gây khó khăn cho nhiều người” từ người mua đến người bán.

Ông giải thích: “Dù dự luật mang tiếng bảo vệ gái mại dâm nhưng thực chất họ sẽ mất khách hàng vì lẽ không còn ai dám mua vui do sợ phải đối mặt với pháp luật và gia đình”.

Một cuộc thăm dò của kênh truyền hình BFMTV công bố hôm 27-11 cho thấy có khoảng 68% dân Pháp phản đối dự luật, nghĩa là cứ ba người thì có hai người không đồng tình việc phạt khách mua dâm. Trong đó, cánh đàn ông lên tiếng chống luật nhiều hơn phụ nữ.

Một thành viên của Nghiệp đoàn Lao động tình dục cho rằng 21 điều khoản của dự luật sẽ trở nên vô ích và đi ngược bản chất của dự luật. “Nếu không có bóng dáng khách hàng qua lại, tụi ma cô sẽ không để yên cho các cô gái rảnh việc mà chúng sẽ tự tìm khách hàng và lên lịch để những cô gái này bán dâm ở khách sạn”.

HÀ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên