09/09/2018 11:20 GMT+7

Mái ấm của bà giáo Kính

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Mái ấm ấy nằm trong con hẻm sâu, ngoằn ngoèo, bụi mù trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP.HCM.

Mái ấm của bà giáo Kính - Ảnh 1.

Bà giáo Kính (đứng) chăm sóc bữa cơm trưa cho các cụ ở mái ấm - Ảnh: LÊ VÂN

Họ giống một gia đình thực sự nên tôi rất cảm phục tinh thần của các cụ.

Ông Nguyễn Văn La nói về mái ấm của bà giáo Kính

Nhiều người gọi đó là "gia đình của những người già neo đơn", do bà bà Lê Thị Kính, 70 tuổi, gây dựng. Bà vốn là một giáo viên dạy toán ở một trường trung học tại TP.HCM.

Bán nhà mua mái ấm

20 năm về trước, bà Kính bán căn chung cư với giá 30 cây vàng để mua một mảnh đất nông nghiệp ở rìa Sài Gòn, lấy chỗ rộng rãi đón các cụ già neo đơn về chăm sóc. Mái ấm ngày đó được dựng tạm bằng những căn chòi lá và các tấm tôn cũ trên nền đất đầy ao rạch.

Bà Kính nhớ lại: "Dằn túi vài cây vàng sau khi mua đất, cất tạm mấy căn nhà lá với tôn, tôi quyết tâm tìm và đón các cụ già cơ nhỡ, lang thang ngoài đường về chăm sóc. Lúc đó khu này còn là đồng ruộng, kênh rạch xen lẫn đầm lầy, um tùm dừa nước. Khi nước lên, phải đỡ các cụ vào những chiếc thau nhôm để di chuyển".

Cụ bà Nguyễn Phi Long, 76 tuổi, đã "nhập khẩu" vào mái ấm cô Kính hơn sáu năm nay, nhớ lại: "Khi đó tôi sống lang thang ở các nhà trọ tại khu cầu Kiệu. Do không có gia đình, cha mẹ, anh em mất hết nên có người chỉ cho tôi vô mái ấm cô Kính. 

Hồi đó nghe mái ấm là sợ lắm, nghe đã muốn khóc rồi. Lúc vô đây, tôi cũng định bụng thử sống vài tháng xem sao. Rồi thấy cô Kính tốt bụng, lo từ chuyện lở lói của các cụ liệt cho tới từng bữa ăn hằng ngày, tôi mới ở lại, cùng cô Kính lo cho các cụ tới ngày các cụ qua đời. 

Ở gia đình này không có người chăm sóc chuyên như các mái ấm khác, mà chị em chúng tôi người khỏe chăm người bệnh, lo hậu sự chu tất tiễn anh chị em đi lúc họ trăm tuổi. Cũng may có ân nhân hay đến để phụ thêm việc nặng".

Còn bà Nguyễn Thanh Ly, hơn 60 tuổi, ngồi xe lăn cho biết: "Tôi không nhà cửa, con cái, lúc khỏe còn làm thuê mướn cho người ta, đến năm 2010 tôi bị tai biến, liệt hai chân. Người ta giới thiệu tôi đến nhà cô Kính, nơi có anh chị em cùng cảnh và tôi đã được giúp đỡ chu đáo tới nay".

Ban đầu, bà giáo Kính chỉ tính đón một vài cụ già neo đơn còn khỏe mạnh nhưng cơ nhỡ về để ở chung như chị em cho đỡ tủi cảnh già cô quạnh của mình. Nhưng dần dà, bà gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương, không nỡ lòng bỏ lại. Thế là vài năm sau, mái ấm của bà đón cả những cụ ông cụ bà bị bệnh, thậm chí bị liệt về chăm sóc cho tới ngày họ qua đời. Có lúc bà nhận về tới mấy chục cụ ông cụ bà đang lang thang nơi đầu đường xó chợ.

Ân nhân trợ giúp

Bà Kính kể: "Lúc mới mở, mái ấm chỉ nhận vài người, đồng lương của mình còn lo được. Có rau mắm gì chị em chúng tôi ăn qua ngày. Sau này có nhiều ân nhân biết, đến phụ thêm lương thực cho các cụ. Rồi có ân nhân còn đưa cả các cụ lang thang đến, mình không nhận không được". 

Nhắc đến ân nhân của mái ấm, bà giáo Kính xúc động nói: "Không có họ thì không biết tôi có duy trì được mái ấm suốt hơn 20 năm qua hay không. Dẫu đạo và đời mỗi người mỗi khác, nhưng họ có chung tấm lòng yêu kính người già neo đơn như tôi".

Thấy mái ấm của mình nằm trong khu vực bị giải tỏa, bà giáo Kính chung tay cùng các ân nhân mở thêm một mái ấm khác ở huyện Đức Hòa, Long An. Bà giáo già vui mừng nói: "Nếu khu nhà này bị giải tỏa, các cụ sẽ có mái nhà mới rộng rãi hơn ở Long An". 

Hiện tại mái ấm của bà Kính ở quận 8 có 10 cụ già neo đơn. Còn cơ sở tại Long An thì có 14 cụ. Mô hình mái ấm của bà đã "mở rộng" nhưng vẫn không thuê người chăm sóc chuyên nghiệp, vì bà muốn các cụ trong nhà quan tâm, săn sóc lẫn nhau trong khả năng có thể.

Ông Nguyễn Văn La (64 tuổi, một người dân ở phường 4, quận 8, vốn là người thường xuyên giúp đỡ mái ấm cô Kính suốt 17 năm nay) chia sẻ: "Tôi tình cờ biết đến mái ấm này, công việc tình nguyện của tôi là lo việc chở củi, chẻ củi cho mái ấm, coi sóc điện nước trong nhà vì ở đây toàn các cụ bà. 

Cụ khỏe chăm cụ nằm một chỗ. Họ giống một gia đình thực sự nên tôi rất cảm phục tinh thần của các cụ, ngay cả cô Kính, dù bị ung thư phải điều trị suốt hai năm nay, chịu đau đớn nhưng lúc nào cũng lạc quan, hễ khỏe là ngồi dậy lo cho các cụ. Tôi và nhiều anh chị em tới đây giúp đỡ mái ấm này suốt mười mấy năm qua cũng vì vậy".

"Anh chị em tôi"

bà giáo kính

Những người già đã đến, ở lại và qua đời ở mái ấm bà Kính, được bà gọi với cái tên "những người anh chị em tôi". Người qua đời được bà mai táng đàng hoàng và sau khi thiêu, bà lưu giữ tro cốt của họ trong hũ đựng chứa đầy một cái tủ để trong mái ấm.

Bà già bán vé số Bà già bán vé số

TTO - Một bà già bán vé số với đôi tay gầy guộc đang kéo lấy từng người đi ngang van xin họ mua giúp bà những tờ vé số trước bốn giờ rưỡi chiều. Bà vừa khóc, vừa năn nỉ người ta mua giúp bà.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên