Hồng Nhung (Đại học Kinh tế quốc dân) bày tỏ: “Lý tưởng sống không phải là điều quá xa xôi, viển vông hay vĩ đại. Lý tưởng bắt nguồn từ những điều đơn giản nhất”.
“Trước khi trách móc giới trẻ thiếu lý tưởng, hãy nhìn lại những lớp đảng viên, những người lớn đã hành động như thế nào. Muốn có những lớp đoàn viên tốt thì trước hết phải có những đảng viên tốt. Đảng phải trong sạch, từ đó mới làm cho tổ chức Đoàn trong sạch theo” - đó là những lời tâm huyết của sinh viên Nguyễn Thị Khánh Trà (Đại học Thành Tây).
Cùng nhìn nhận những yếu tố tác động đến lối sống và lý tưởng của thanh niên hiện đại, Thúy Chung (SV Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: “Không nên đổ lỗi cho truyền thông mà mỗi người hãy tự làm chủ bản thân, bằng hành động của mình hãy khiến người khác có cái nhìn tích cực hơn với thanh niên, lôi kéo những thanh niên thiếu lý tưởng, thích hưởng thụ trở thành người có ích cho xã hội”.
Từ cái nhìn của một sinh viên khoa sử, bạn Nguyễn Thanh Hải (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) bày tỏ trăn trở về lý tưởng của lớp thanh niên hiện nay khi những lớp thanh niên đi trước đã làm nên huyền thoại của thế kỷ 20. “Một số thanh niên chưa xác định được lý tưởng sống của mình, coi lý tưởng là điều xa vời và cuộc sống của họ chỉ hướng đến đồng tiền và sự hưởng thụ”.
Dù vậy, nhiều đoàn viên thanh niên cũng bày tỏ băn khoăn về những tác động của truyền thông và môi trường xung quanh đến việc hình thành nhân cách, lý tưởng của thanh niên. Từ câu chuyện giao thông ở một ngã tư đường phố, Đỗ Đức Cường (Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) cho rằng: nếu phụ huynh không chấp hành luật giao thông thì cả một thế hệ con cái tiếp theo sẽ không thể là những người có lý tưởng, đạo đức sống lành mạnh.
Chia sẻ từ những kinh nghiệm của bản thân, PGS.TS Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: lý tưởng cũng phải có sức đề kháng cao chống lại những trở ngại của môi trường xung quanh để mỗi thanh niên vững tin trên con đường thực hiện ước mơ của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận