Theo kết luận điều tra của Công an huyện Vĩnh Cửu, ngày 6-4-2016 ông Lê Thanh Sử (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) đến nhà ông Mai Anh Vũ (ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đòi tiền nợ.
Thấy ông Vũ trong nhà nên ông Sử kêu ra trả tiền, nhưng ông Vũ không ra. Ông Sử lấy gạch ném vào ôtô của ông Mai Anh Tuấn (đăng ký năm 2006) đang đậu trước nhà ông Vũ làm bể kính chắn gió.
Đập bể kính xe, bị khởi tố
Theo hội đồng định giá của huyện, giá trị còn lại của kính là mới 100%, trị giá 2,8 triệu đồng. Đây là cơ sở công an huyện đã khởi tố ông Sử về hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Theo cơ quan điều tra, việc xác định giá trị tài sản thiệt hại là quá trình sử dụng tài sản theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm xảy ra vụ việc và xác định “kính xe là bộ phận của xe, không khấu hao giá trị tài sản đã qua sử dụng”. Từ kết luận này, ông Sử khiếu nại.
Sau khi xem xét, tháng 11-2016 Viện KSND huyện Vĩnh Cửu đã ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do cho bị can Sử.
Viện KSND huyện Vĩnh Cửu viện dẫn nghị định 26/2005 của Chính phủ và thông tư 55/2006 của Bộ Tài chính quy định kính ôtô do ông Sử đập bể đã qua sử dụng 10 năm là tài sản đã qua sử dụng. Việc hội đồng định giá xác định kính mới 100%, không trừ khấu hao là gây bất lợi cho bị can.
Căn cứ vào diễn biến mới này, ngày 5-1-2017 Công an huyện Vĩnh Cửu đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Sử 3,5 triệu đồng. Ông Sử nộp phạt xong và cũng đóng xong tiền bồi thường kính ôtô hơn 3,2 triệu đồng (như chứng thư định giá lần 2 của Công ty Thẩm định giá Đồng Nai) cho bị hại.
Phạt tiền xong, điều tra lại
Vụ việc tưởng như dừng lại ở đây thì đùng một cái, ông Sử nhận được quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, quyết định hủy bỏ quyết định xử lý vi phạm hành chính để điều tra lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Ban đầu cơ quan điều tra đề nghị truy tố Sử nhưng viện không đồng ý, đình chỉ. Nay viện kiểm sát yêu cầu điều tra lại nên chúng tôi điều tra bổ sung. Lấn cấn của vụ này là việc định giá tài sản thiệt hại mà không khấu hao tài sản đã qua sử dụng”.
Trả lời câu hỏi vì sao một hành vi xử lý hai lần (theo luật đã xử phạt hành chính thì không xử lý hình sự), bà Phạm Thị Mến - phó viện trưởng Viện KSND huyện Vĩnh Cửu (người ký quyết định đình chỉ vụ án) - giải thích: “Sử có hành vi hủy hoại tài sản. Cơ quan tố tụng lấy kết quả của hội đồng định giá tấm kính bị đập là 2,8 triệu đồng để làm cơ sở xử lý.
Tuy nhiên, khi vận dụng các quy định thì kính xe do Sử đập bể đã qua sử dụng phải khấu hao. Vì vậy chúng tôi ra quyết định đình chỉ để có lợi cho bị can, tránh oan sai nên công an đã xử phạt hành chính. Tuy vậy, sau khi đình chỉ thì viện KSND cấp trên yêu cầu giải quyết lại”.
Cũng theo bà Mến, xe 10 năm sử dụng thì ai cũng biết là hao mòn, phải khấu hao khi định giá nhưng cả hai cơ quan định giá kính xe đều định giá mới 100%, không đảm bảo quyền lợi cho bị can.
“Sau khi phục hồi điều tra, chúng tôi đang đề nghị hội đồng định giá lại. Nếu định giá cái kính xe không khấu hao thì phải có văn bản trả lời để làm cơ sở xử lý” - bà Mến nói.
Trong khi đó, một thẩm định viên tham gia định giá giải thích tấm kính chắn gió là một chi tiết nhỏ của ôtô. Nếu kính bị hư hỏng, phải thay bằng tấm kính mới nên định giá bằng tấm kính mới.
Chiếc kính bị đập vỡ vụn không thể biết giá trị sử dụng còn bao nhiêu và cũng chưa có quy định pháp luật cụ thể phải khấu hao bao nhiêu cho chiếc kính xe, nên không có cơ sở để khấu hao tài sản.
Xe hao mòn nhưng linh kiện thì... không “Các cơ quan tố tụng ở huyện cũng có hai quan điểm khác nhau trong vụ việc này. Một luồng quan điểm chiếc ôtô mà Sử đập bể kính đã sử dụng 10 năm. Kính là bộ phận của xe này nên phải khấu hao. Một số ý kiến khác thì cho rằng cái xe hao mòn chứ các linh kiện không hao mòn”, theo bà Phạm Thị Mến - phó viện trưởng Viện KSND huyện Vĩnh Cửu. |
Phải khấu hao tài sản để định giá Căn cứ vào nghị định số 26/2005/NĐ-CP quy định về căn cứ để định giá tài sản: Giá trị thực tế của tài sản cần định giá có nghĩa là khi định giá kính xe phải căn cứ “giá trị thực tế tài sản định giá”, tức phải khấu hao tài sản định giá sau khi đã qua sử dụng (giá trị thực tế). Như vậy, việc không khấu hao tài sản để định giá là không đúng quy định theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, quy định khấu hao tài sản đã qua sử dụng luật không nói phải khấu hao nguyên chiếc ôtô hay nửa chiếc ôtô... mà là trên giá trị thực tế. Tài sản đã sử dụng mặc nhiên phải hao mòn. Còn nếu cho rằng tài sản đã qua sử dụng, khi định giá không phải khấu hao thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh bằng các văn bản pháp luật. Lúc đó người bị xử lý hình sự cũng tâm phục khẩu phục. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận