Phóng to |
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Thị Nhân tổ chức họp báo thông báo dự kiến tăng lương tối thiểu cho lao động trong các doanh nghiệp - Ảnh: Đức Bình |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Theo bà Nhân, gần đây liên tiếp xảy ra nhiều cuộc đình công liên quan đến tiền lương, tiền công tại các khu công nghiệp phía Nam. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH được sự cho phép của Chính phủ đã phải “họp gấp” để thông báo với báo chí, nhằm thông tin đến người lao động cũng như giúp các DN tính toán, chuẩn bị cho việc điều chỉnh LTT sắp tới. Dự kiến mức tăng LTT sẽ là 20-38% đối với DN trong nước và 13-15% đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thay mặt lãnh đạo bộ, ông Phạm Minh Huân - vụ trưởng Vụ Tiền lương tiền công - đã trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh lương. Ông Huân cho biết:
- Các cuộc đình công liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây chủ yếu ở các DN FDI trong lĩnh vực dệt, may, da giày và chế biến (những ngành cần nhiều lao động thủ công có thu nhập thấp hơn cả) ở khu vực phía Nam, cơ bản trên 90% số cuộc đình công đều xuất phát từ tiền lương, thu nhập của người lao động.
Ba vùng được xác định để tính lương tối thiểu - Vùng 1: gồm các quận thuộc Hà Nội và TP.HCM. - Vùng 2: các huyện thuộc Hà Nội, TP.HCM và các quận thuộc Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), TP Biên Hòa (Đồng Nai), TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương). - Vùng 3: các địa bàn còn lại. Chênh lệch mức LTT giữa mỗi vùng là khoảng 10%. |
- Theo lộ trình cải cách tiền lương và theo qui định khi gia nhập WTO, VN phải xây dựng thống nhất một mức LTT giữa các DN nói chung. Lộ trình của chúng ta dự kiến đến năm 2012 sẽ thống nhất được mức này. Còn hiện tại, LTT trong các DN vẫn còn chênh nhau. LTT của DN trong nước (cả khối hành chính, sự nghiệp) thì chưa phân theo vùng, nhưng đối với DN FDI đã phân chia thành ba vùng với ba mức khác nhau.
Một căn cứ nữa để điều chỉnh lương lần này là GDP (dự kiến) sẽ tăng 8,5-9%/năm, năng suất lao động cũng tăng 13%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,5-8%/năm, còn mức tiền công trên thị trường tăng khoảng 10%/năm. Đây là hai lý do quan trọng làm căn cứ cho việc điều chỉnh lương lần này.
* Cụ thể dự kiến mức tăng là bao nhiêu?
- DN trong nước tăng nhiều bởi vẫn áp dụng mức LTT chung là 450.000 đồng/tháng, cần phải tăng nhanh để bắt kịp với mức LTT của DN FDI, sắp tới sẽ tăng lên 540.000-621.000 đồng/tháng. Đối với khu vực DN FDI, nếu điều chỉnh theo phương án tăng 13-15% thì sẽ tăng lên 802.000-816.500 đồng/tháng (vùng 3), 892.000-908.500 đồng/tháng (vùng 2) và 983.100-1.000.500 đồng/tháng (vùng 1). Đây chỉ là “mức sàn” - LTT áp dụng cho lao động giản đơn nhất. Và từ vùng 3 đến vùng 1 thì độ chênh của LTT sẽ là 20%, tức lao động ở vùng 1 sẽ được áp dụng “mức sàn” cao hơn của lao động vùng 3.
* Có thực tế xảy ra là khi tăng LTT, nhất là ở các DN FDI thì các khoản tiền an sinh, phúc lợi xã hội của người lao động sẽ bị giảm xuống. Thành ra LTT có tăng nhưng thực tế thu nhập không tăng. Trong khi đó, nghe đến tăng lương thì giá cả cũng tăng, nên người lao động vẫn là người chịu thiệt thòi...
- Mức LTT chỉ là căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, các mức lương ghi trong hợp đồng lao động... Đặc biệt, Chính phủ qui định DN không được dùng mức tối thiểu để trả công cho những lao động đã qua học nghề ngắn hạn (kể cả lao động do DN tự dạy nghề), mà phải trả cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT.
Công chức cũng có thể được tăng lương? Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH không đề cập việc tăng LTT đối với cán bộ, công chức làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tiền lương, dự thảo đề án cải cách tiền lương 2008-2010 đã được Bộ Nội vụ xây dựng và đang lấy ý kiến các bộ ngành. Theo đó, từ 1-1-2008 cũng sẽ điều chỉnh lương đối với cán bộ, công chức trong khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang. Mức cụ thể chưa được tiết lộ nhưng theo tính toán của các chuyên gia, mức tăng có thể cũng sẽ là (ít nhất) 20%. |
Tới đây, sau khi Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh LTT, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số thông tư hướng dẫn. Theo đó, qui định rõ các DN điều chỉnh LTT nhưng không được phép giảm các khoản an sinh, phúc lợi xã hội mà người lao động đang hưởng. Nếu DN nào bất tuân qui định này sẽ bị xử lý...
* Sẽ có bao nhiêu lao động được thụ hưởng việc điều chỉnh LTT đợt này? Việc điều chỉnh có làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các DN?
- Hiện có gần 6 triệu lao động làm việc trong các DN, trong đó có trên 1 triệu lao động đang làm việc tại các DN FDI. Việc điều chỉnh LTT của các DN này sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, mà do tự các DN chi trả. Vì thế có thể ảnh hưởng ít nhiều đến chi phí đầu vào, kế hoạch tài chính của mỗi DN.
* Tăng LTT nhưng mức tăng không đáng kể so với những chi phí mà người lao động phải chi trả trong sinh hoạt. Như thế sẽ vẫn còn đình công. Theo ông, tăng lương như vậy có phải là biện pháp “phòng chống” đình công?
- Khảo sát của chúng tôi cho thấy đa số DN đều trả lương cho lao động cao hơn khá nhiều so với mức qui định chung. Nhà nước cũng luôn khuyến khích họ trả lương cho lao động cao hơn mức sàn. Tuy nhiên, do cuộc sống hiện nay phát sinh nhiều khoản chi phí, giá cả ngày một tăng nên cuộc sống của người lao động khó khăn. Đó chính là nguyên nhân xảy ra đình công.
Để hạn chế đình công, cùng với việc điều chỉnh LTT thì việc quan trọng là công đoàn, đại diện người lao động phải thường xuyên liên hệ với chủ sử dụng lao động để cùng nhau thương lượng, sớm giải quyết các vấn đề phát sinh. Các bên phải xây dựng và thực hiện nghiêm theo “thỏa ước lao động”, “cơ chế thương lượng” đã cùng nhau xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận