Nhiều bạn đọc bày tỏ sự bất bình đối với cách nghĩ, cách làm thiếu trách nhiệm này...
Phóng to |
Những cánh rừng với những cây cổ thụ hai ba người ôm không hết ... |
* 137ha không thể là nhỏ. 137ha không phải là nhỏ, hơn nữa tác động về môi trường đâu chỉ là mất đất, mất rừng một cách cơ học, mà còn ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái của vùng vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Chắc chắn khi mất rừng và xuất hiện hồ thì nơi sinh cư của hệ sinh thái khu vực lân cận sẽ thay đổi. Các công trình xây dựng trên công trường sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Chưa kể là ảnh hưởng đến khả năng điều tiết nước của khu vực hạ lưu như TP.HCM, mà hai vấn đề lớn TP.HCM đang gặp là ngập lụt trong đô thị và ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt của thành phố. Thiết nghĩ ban quản lý lưu vực sông Đồng Nai cần phải có ý kiến về việc này.
* Hãy tự vấn lương tâm. Với bảy ngày đi thực địa (kể cả ba ngày bị lạc) x 3 người = 21 ngày công, chi phí 420 triệu đồng, không phải là “ít”. Với chi phí như vậy, những nhà khoa học cho ra một báo cáo được sao chép cẩu thả, và “khi phát hiện những sai sót, chúng tôi đã có điều chỉnh, sửa những chi tiết chưa chính xác”, có lẽ báo cáo sẽ được sửa những sai sót như tên tỉnh Quảng Nam sẽ được bỏ đi... Chúng ta từng kết tội các em học sinh, sinh viên quay cóp, thử hỏi khi các em biết được việc này sẽ suy nghĩ như thế nào? Chúng ta nên tự vấn lương tâm.
* Lý do không thuyết phục. Tôi không đồng ý với ông Nguyễn Ngọc Anh - viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - cho rằng báo cáo sai sót là điều không thể tránh khỏi vì nhiều lý do, trong đó có năng lực chuyên môn, không đi được hết khu vực khảo sát để xây dựng thủy điện... Lý do nào cũng không thuyết phục cho việc gian dối này. Báo cáo phải chính xác chứ không chờ đợi sự thẩm định, đánh giá mới chỉnh sửa sai sót.
Tôi giả sử những sai sót này cơ quan thẩm định không phát hiện, sau khi xây dựng đập thủy điện xong ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm hay cứ phải đổ lỗi lòng vòng? Một báo cáo được làm theo kiểu “tổng hợp tinh hoa” mỗi nơi một ít để thành của mình là không thể chấp nhận được, thế mà lại được ký tên Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam!
Miền Trung năm nào cũng hứng chịu bão lụt vì rừng đầu nguồn bị đốn để làm thủy điện. Sông Đồng Nai đã quá tải thủy điện khiến cuộc sống người dân những nơi này rơi vào khốn khó. Thế có biết bao bản báo cáo kiểu này đã đẩy cuộc sống người dân miền Trung vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn? Chúng tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để vạch ra những sai sót...
Phóng to |
...và loài hoa trà mới được TS Vũ Ngọc Long phát hiện và chuẩn bị công bố trên thế giới sẽ chìm trong lòng hồ nếu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng - Ảnh: Đức Tuyên |
* Đồng tiền đặt trước lương tâm. Đọc bài báo “Lật tẩy báo cáo tác động môi trường” và ý kiến trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ của ông viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam Nguyễn Ngọc Anh, trong tôi lẫn lộn hai cảm giác: bức xúc và chua xót. Bức xúc khi biết rằng một công tác đòi hỏi sự cẩn trọng, tính khoa học, cái tâm và lòng yêu nghề cao... đã được thực hiện một cách sơ sài, cẩu thả, gian dối, sao chép, xào chẻ, cắt ghép... một cách trắng trợn và lộ liễu!
Bức xúc khi những người có trách nhiệm chung (ông viện trưởng Nguyễn Ngọc Anh) và người trực tiếp thực hiện khảo sát, lập báo cáo (ông Trần Ký) đã biện giải rất đơn giản đối với những “sai sót” mà đích thị phải gọi thẳng là sai phạm của đơn vị mình!
Bức xúc khi đơn vị tư vấn lập báo cáo đã “mượn đầu heo nấu cháo” khi phát công văn cho vườn quốc gia Cát Tiên với tư cách như... đơn vị “thi hành công vụ”, tức được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo song đích thị là làm thuê cho chủ đầu tư! Và bức xúc vì chính những “báo cáo tác động môi trường” kiểu này đã góp phần hủy hoại môi trường! Sau bức xúc là chua xót.
Chua xót bởi hình ảnh của những người trực tiếp làm công tác khoa học và quản lý khoa học bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự lên ngôi của gian trá, khi đồng tiền được đặt trước lương tâm!
* Hãy xứng danh là “nhà khoa học”. Người làm khoa học phải đặt mục tiêu là nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp trí tuệ và những phản biện cho xã hội. Xã hội đã phân công và gọi tên là “nhà khoa học”, vì vậy cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vừa rồi đã khoa học chưa, đã xứng đáng với chức danh “nhà khoa học” chưa?
Tôi không đồng tình vì kinh phí ít hay độ khó của công trình mà đơn vị tư vấn làm việc cẩu thả như thế. Những nhà khoa học chân chính chỉ nhận thực hiện những công trình mà mình có chuyên môn, còn về kinh phí đôi khi họ còn làm việc nhiều hơn phần được chi trả vì ý kiến phản biện của họ có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận