11/04/2019 15:54 GMT+7

Lương cơ bản của công nhân dệt may chỉ hơn 4,2 triệu đồng/tháng

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Năm 2018 xảy ra 84 cuộc đình công trong ngành dệt may. Một trong những nguyên xảy ra tình trạng này là do đời sống của công nhân may mặc bấp bênh, lương cơ bản không đủ sống.

Lương cơ bản của công nhân dệt may chỉ hơn 4,2 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo về thực trạng và giải pháp thu nhập của lao động ngành may ở Việt Nam chiều 11-4 - Ảnh: HÀ THANH

Chiều 11-4 tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng, Ban quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết năm 2018 tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động cơ bản trung bình là 4.670.000 đồng, tăng 4,2% so với năm 2017. 

Trong đó lương cơ bản của ngành dệt may là 4.225.000 đồng, mức thấp nhất trong 7 ngành được khảo sát.

Con số này được đưa ra tại hội thảo về "Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành may mặc tại Việt Nam và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống" do Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) hợp tác với tổ chức Fair Wear Foundation tổ chức.

Ông Quảng cũng chỉ ra do mức lương thấp, ngành may mặc là ngành biến động lớn với tình trạng nhiều công nhân "nhảy việc", đình công nhiều nhất. 

Riêng năm 2018 cả nước xảy ra 84 vụ đình công trong ngành dệt may (chiếm 39,25%). Thông thường, để đủ sống, hầu hết công nhân dệt may buộc phải làm thêm giờ.

Theo báo cáo của tổ chức CDI khi khảo sát riêng tại Hải Phòng và Đồng Nai, mức lương cơ bản của người lao động ngành may tại hai tỉnh, thành này là 5.119.000 đồng/tháng. 

"Mức lương cơ bản không đủ nên hầu hết người lao động đều chọn làm thêm giờ. Người lao động di cư muốn làm thêm giờ càng nhiều càng tốt để đủ tiền nuôi sống họ và gia đình, con cái", bà Hà Đình An, quản lý chương trình quyền lao động, CDI, chia sẻ.

Đại diện của CDI khuyến nghị Chính phủ cần xác định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động; công đoàn cần nâng cao năng lực thương lượng về tiền lương với người sử dụng lao động; doanh nghiệp cần đưa yếu tố lương đủ sống của người lao động vào đàm phán đơn giá với các nhãn hàng; các nhãn hàng cần tôn trọng giá trị sức lao động của người lao động...

Còn đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất một số giải pháp như: tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác nhà nước về tiền lương; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khách hàng, nhãn hàng quốc tế đảm bảo quyền cơ bản của người lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên