14/03/2010 02:01 GMT+7

Luật sư không bằng cấp

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Chỉ là một nông dân trồng nhãn ở Đồng Tháp nhưng ông thuộc vanh vách mọi điều khoản của Luật đất đai, các thông tư, nghị định dưới luật liên quan. Sau khi tranh đấu bảo vệ thành công quyền lợi cho gia đình mình, ông được bà con tin tưởng nhờ giúp. Vậy là ông xông vào làm.

JNGbOlbk.jpgPhóng to

Ông Khai (phải) hướng dẫn người dân khiếu kiện đúng chỗ, đúng quy định pháp luật - Ảnh: D.T.H.

Ông Nguyễn Phú Khai sinh sống ở ấp Phú Hòa, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành tròm trèm 20 năm. Hồi đó, ông về đây lập vườn, mở tiệm rửa xe nuôi con ăn học.

Mười ngày phải giao đất

Ngã rẽ bắt đầu năm 2004 khi UBND huyện công bố quy hoạch 9,6 công đất xây dựng trụ sở công an huyện, trong đó có gần 3 công đất vườn, nhà ở của ông cùng bảy hộ dân bên cạnh. Tháng 8-2004, sau khi khảo sát, kiểm kê, áp giá bồi thường, UBND huyện ra quyết định thu hồi đất.

Điều gây bất ngờ cho ông và bà con là quyết định nêu trong vòng 10 ngày phải tháo dỡ nhà cửa và giao đất cho đơn vị thi công, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Lúc đó ông chưa hiểu biết gì về luật lệ, chỉ cảm thấy quyết định “ngang xương” như vậy khó cho dân quá. Ông và bà con chưa ai nhận tiền, chưa có chỗ ở mới mà phải giao đất thì hơn 30 người của tám hộ sẽ đi đâu, ở đâu? Chưa kể công ăn việc làm mười mấy năm qua đang ổn định...

Qua thông tin trên tivi, nghe đài, ông mang máng hiểu rằng chính sách của Nhà nước là lo cho cuộc sống người dân ổn định. Nếu quy hoạch mà dân phải dời đi thì phải bố trí chỗ ở mới từ bằng tới tốt hơn chỗ cũ; phải đền bù thiệt hại bằng đất mới tương đương để dân tiếp tục sản xuất, nếu không có đất thì đền bù đủ tiền để mua đất khác...

Hiểu cái ý là vậy, nhưng cụ thể nó nằm ở đâu, luật gì thì ông và bảy hộ dân đều... bí rị. Ông và bà con viết đơn khiếu nại, nhưng chỉ làm theo cảm tính chứ không căn cứ luật lệ gì.

Năm lần bảy lượt gửi đơn khiếu kiện đi hết huyện rồi tới tỉnh, không nghe thấy hồi âm. Ông lân la hỏi thăm mấy anh cán bộ, mới biết mình làm đơn lòng vòng quá, người ta đọc hoài mà không biết mình nói cái gì, căn cứ quy định nào nên không biết hướng giải quyết.

Ông qua Vĩnh Long nhờ luật sư tư vấn, bị kêu đóng tiền trước 3 triệu đồng, chưa kể thù lao nếu thắng kiện.

7zhHInso.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Phú Khai

Người đi “nói giúp”

Có lần ông Khai được lãnh đạo tỉnh nhờ đi “nói giúp” với những bà con đang tập trung khiếu kiện chuyện đất đai. Ông Khai gặp hơn chục người dân, giải thích, động viên và cùng bà con ra về trong trật tự. Một tuần sau, giữ đúng lời hứa, UBND tỉnh mời tất cả người dân khiếu nại đến huyện giải quyết.

Ông hỏi luật sư: “Vụ kiện này phần thắng bao nhiêu phần trăm?”. Ông luật sư trả lời gọn hơ: “Không có một phần trăm nào, vì từ trước đến nay chưa có vụ kiện hành chính nào người dân thắng cả”.

Ông Khai nói: “Vậy thôi, tôi tự làm”. Rồi ông tự mua các văn bản pháp luật về đất đai, về Luật khiếu nại - tố cáo, quyết chí nghiên cứu để bắt đầu hành trình đi kiện.

Một năm tự nghiên cứu luật

Ông bỏ ra cả năm trời tìm hiểu, đọc hết tài liệu liên quan tới đất đai, quy hoạch, đền bù, giải tỏa; mua máy tính nhờ con trai đang học lớp 12 dạy cách gõ văn bản, lên mạng truy cập thông tin.

Ông mày mò tự viết đơn, gọt giũa câu cú gọn ghẽ, lấy văn bản, quy định đưa vô.

Ông chứng minh cho UBND tỉnh thấy những chỗ huyện làm sai. Như việc UBND huyện ra quyết định thu hồi đất khi chưa có công khai quy hoạch. Rồi đầu năm 2003 nói là quy hoạch xây dựng bệnh viện huyện, cuối năm lại thông báo xây dựng... trụ sở công an huyện. Rồi chuyện không giải quyết bố trí tái định cư, giá đất bồi hoàn sai với khung điều chỉnh năm 2004, chỉ bằng 1/6 giá thị trường là quá thiệt thòi cho dân.

Ông còn phát hiện huyện thu hồi đất sai so với vị trí phương án được phê duyệt. Bằng sự khéo léo của mình, ông tìm được quyết định phê duyệt phương án xây dựng trụ sở làm việc của công an huyện tại ấp Phú Mỹ chứ không phải ấp Phú Hòa.

Cầm những tài liệu đó, ông kiên trì đến phòng tiếp dân đăng ký xin gặp lãnh đạo tỉnh. Ông nhớ như in: “Năm hồi bảy lượt, mãi tới ngày 16-8-2005 tôi mới được gặp ông Trương Ngọc Hân - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Nghe tôi đại diện trình bày việc khiếu nại xong, ông Hân đã chỉ đạo thanh tra tỉnh phúc tra và báo cáo trong thời hạn 30 ngày. Nhưng cùng ngày đó, huyện đã cử lực lượng cưỡng chế gần 80 người, đưa máy cưa tới đốn cây, buộc dân phải giao đất”.

Gặp chủ tịch tỉnh trở về thì vườn nhà ông và bà con đã tan hoang xơ xác. Ông ngậm ngùi: “Tới nước này thì chỉ còn cách chạy ra Hà Nội cầu cứu thôi”.

Ông phải bỏ ra ba tháng trời “điều nghiên” đường đi nước bước. Người ta thật lòng bày nhiều cách “không chính quy”.

Ông nghe rồi bỏ qua và chọn cách tới thẳng trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, phòng tiếp dân Thanh tra Chính phủ. Ông lập luận: “Nhà nước lập ra chỗ này để dân tới khiếu kiện, giống như chỗ để dân đánh trống kêu oan. Mình đi đúng chỗ thì người ta mới tiếp và giải quyết”.

Đầu năm 2006, ông khăn gói lên đường ra Hà Nội, xách theo đủ hồ sơ tài liệu, chứng cứ liên quan. Ông gặp được ông Phan Thanh Sơn, cán bộ tiếp dân của Thanh tra Chính phủ, trình bày ngắn gọn vấn đề oan ức của dân và chứng minh bằng các văn bản pháp lý.

Ông Sơn ngồi nghe, đối thoại với ông Khai đến buổi thứ ba thì đồng ý nhận đơn. Sau đó, nơi đây có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị đối thoại với công dân làm rõ những vướng mắc, giải quyết dứt điểm việc khiếu nại.

Một ngày đầu năm 2008, đích thân ông Lê Minh Hoan, phó chủ tịch UBND tỉnh, đến tận nhà bắt tay ông Khai và làm việc với bảy hộ dân khiếu nại. Ông Hoan ghi nhận hết nguyện vọng của dân và đề nghị thay đổi quy hoạch theo hướng chừa lại phần đất giáp quốc lộ cho dân, chỉ lấy phần đất phía trong để tiếp tục xây dựng trụ sở công an huyện.

Ngày 29-6-2009, UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định trả lại đất cho dân, xác định lại ranh giới xây dựng trụ sở công an huyện, xác định thiệt hại của dân để tính bồi thường, trả tiền bồi thường nâng cấp cải tạo quốc lộ 80. Phần đất nào bị quy hoạch thì bồi thường theo thời điểm có khung giá mới. Tính ra giá đất đền bù là 245.000đ/m2, so với trước chỉ có 40.000đ/m2.

Cầm quyết định trong tay, ông Khai và bà con ôm nhau mừng muốn khóc. Hơn năm năm trời kiên trì khiếu nại được đền bù xứng đáng.

Điểm tiếp dân... tự phát

Chuyện của bà Hai

Vụ bà Hà Thị Hai ở xã Phú Long khá ly kỳ. Tháng 3-2007, huyện thu hồi 4 công đất của bà để làm chợ và khu dân cư trung tâm xã. Không chỉ đền bù quá thấp mà còn dành có hai nền nhà tái định cư.

Bà Hai không nhận tiền, không giao đất. Huyện cưỡng chế, vợ chồng bà ra tranh cãi với công an xã. Ba ngày sau, hai ông bà đều bị bắt vì tội “chống người thi hành công vụ”. Tòa xử bà 6 tháng, ông 9 tháng tù.

Ông Khai vào cuộc, dắt con bà Hai đi ra Hà Nội kiện, gặp một cán bộ cao cấp ở thanh tra Bộ Công an nhờ giúp. Sau này tỉnh giải quyết đền bù cho bà Hai khoản tiền lớn, sáu nền nhà trong khu tái định cư.

Biết ông Khai thắng kiện, nhiều người dân trong vùng kéo tới chúc mừng thật đông, luôn tiện nhờ ông Khai bày cách đi... khiếu nại. Nhà ông bỗng trở nên đông người lui tới. Có người nói vui: “Lấy nhà anh Tám Khai làm trụ sở tiếp dân đi”.

Ông vui vẻ hướng dẫn tận tình. Lúc đầu chỉ cách viết đơn, bà con đem lại ông chỉnh sửa. Sau thấy cũng bất tiện, bà con nhờ ông làm đơn giùm luôn, ông cũng nhận tuốt. Ông bỏ tiền mua máy in, hết mực thì mua mực, hết giấy thì mua giấy, đích thân ông ngồi gõ máy làm đơn cho bà con.

Ông thật thà: “Miễn phí hết. Mình từng là người trong cuộc nên hiểu rõ nỗi khổ của người đi kiện. Oan ức, tức giận, lo lắng, hoang mang... đủ thứ. Có người bế tắc muốn tự tử chết cho rảnh nợ. Nhưng khi gặp mình chia sẻ, họ nhẹ nhõm, thấy có lối ra và không còn muốn chết nữa. Cái đó quý hơn tiền bạc nhiều. Ai cũng kêu tui là “luật sư” mà có bằng cấp gì đâu. Giúp dân đỡ khổ thôi”.

Nhưng rồi chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này khiến ông bị phiền phức. Ông bị đặt vấn đề “kích động dân khiếu nại, gây khó khăn cho chính quyền”.

Một lần, hai cán bộ tới nhà ông đưa mấy lá đơn và hỏi: “Phải ông làm không?”. Ông thẳng thắn trả lời: “Phải”. Hỏi: “Ông làm với mục đích gì?”, ông trả lời: “Giúp dân khiếu nại”. Anh cán bộ gắt: “Ông kích động dân khiếu nại phải không?”. Ông cứng cỏi: “Anh coi lại đơn có chỗ nào kích động không? Người dân không rành luật, tôi giúp người ta khiếu nại đúng luật. Dân viết đơn dài dòng, tôi giúp dân cắt gọn lại dễ đọc, nhìn vào cũng dễ giải quyết”.

Anh cán bộ lại gắt: “Anh làm khó cho chính quyền quá, dân thưa rần mé, gây khiếu kiện đông người, mất an ninh trật tự”. Ông Khai nhỏ nhẹ: “Vậy chớ dân bị oan quá trời, họ phải đi kiện. Tôi giúp họ là chỉ họ kiện đúng chỗ, đúng trình tự. Họ cử người đại diện nên không đi đông người, họ không đi tùm lum nên rất an ninh trật tự”.

Nghe có lý, hai anh cán bộ đứng dậy ra về.

Nhưng rồi đơn từ gửi đi hết huyện tới tỉnh vẫn không thấy hồi âm, bà con tức quá ủy quyền cho ông Khai trực tiếp đi khiếu nại luôn. Ông vui vẻ nhận lời.

Rất nhiều lần ông vào văn phòng UBND huyện, được đề nghị đừng nhận ủy quyền khiếu nại của dân nữa. Ông trả lời thẳng thắn: người dân không hiểu luật pháp, không có khả năng lý luận tranh cãi nên ủy quyền cho ông đại diện theo quy định của pháp luật.

Ông trình bày ngắn gọn, tế nhị, đúng luật, không la ó, chửi mắng. Chính quyền cũng dễ giải quyết hơn, còn nếu ông không giúp dân thì người dân sẽ tập trung khiếu kiện, bức xúc quá thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên