13/08/2013 07:45 GMT+7

"Luật sư" bảo vệ khoa học cơ bản

GS Sheldon Lee Glashow
GS Sheldon Lee Glashow

TT - Dù mái tóc đã bạc trắng nhưng giáo sư Sheldon Lee Glashow vẫn rất nhanh nhẹn, sôi nổi, luôn thể hiện một sự nhiệt tình mạnh mẽ khiến ít ai nghĩ rằng ông đã 81 tuổi.

Hơn 200 nhà khoa học quốc tế đến Quy NhơnGiao lưu trực tuyến với những nhà khoa học đạt Nobel vật lý

6Va09rYZ.jpgPhóng to
Ảnh: Trường Đăng

Giáo sư Sheldon Lee Glashow là nhà vật lý lý thuyết Mỹ từng đoạt giải Nobel vật lý năm 1979 nhờ nghiên cứu đặt nền tảng cho lý thuyết tương tác điện yếu. Ông cũng là người đầu tiên tiên đoán sự tồn tại của hạt quark charm (duyên) vào năm 1964 và là người đầu tiên đề xuất lý thuyết thống nhất lớn, mở rộng mô hình chuẩn của vật lý hạt.

Niềm đam mê khoa học vô bờ bến đã biến giáo sư Glashow trở thành một “luật sư” luôn mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ khoa học cơ bản. Bởi đối với ông, “khoa học không chỉ giúp con người hiểu rõ vị trí của mình trong vũ trụ và xóa tan đi những ám ảnh mê tín độc hại của quá khứ”, mà còn có những tác động vô cùng vĩ đại đối với cuộc sống hằng ngày.

Tình yêu đến từ sách viễn tưởng

Giáo sư Glashow kể ông bắt đầu đam mê khoa học từ năm 12 tuổi. Khi đó, cậu bé gốc Do Thái từ Nga nhưng sinh tại New York suốt ngày cắm mặt vào những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và thầm mơ tới những miền xa xôi trong vũ trụ bao la. Isaac Newton và Albert Einstein trở thành những người anh hùng của ông. Và tình yêu khoa học đã đưa ông đến với Trường trung học Khoa học Bronx (BHSC) ở New York. Từ ngôi trường này đã có tám nhà khoa học đoạt giải Nobel, trong đó có bảy giải Nobel vật lý.

Giáo sư Glashow là một trong số tám chuyên gia đã đem lại uy tín lớn cho Trường BHSC. Ông học chung lớp với chuyên gia Steven Weinberg, người sau này cùng ông chia sẻ giải Nobel vật lý. Vậy bí quyết đào tạo của ngôi trường này là gì? Ông cho biết khẩu hiệu của trường chính là: “Mọi tiến bộ khoa học vĩ đại đều xuất phát từ trí tưởng tượng táo bạo”. Tại đây, các thầy cô không suốt ngày ra rả giảng dạy lý thuyết suông cho học sinh. “Trong lớp các học sinh thảo luận và một câu hỏi bật ra. Giáo viên yêu cầu tất cả mọi người vào phòng thí nghiệm, tự tìm ra đáp án”. Từ nền tảng đó, giáo sư Glashow tiếp tục theo đuổi ngành khoa học ở ĐH Cornell, ĐH Harvard, ĐH California, Berkeley... Ông trở thành giáo sư khoa vật lý ĐH Harvard từ năm 1966. Ông đặc biệt chú trọng sự hợp tác nghiên cứu bởi “ngoài chiến tranh, khoa học là hoạt động duy nhất mang tính quốc tế”.

Người bảo vệ khoa học

"Ngoài chiến tranh, khoa học là hoạt động duy nhất mang tính quốc tế"

Các đồng nghiệp của giáo sư Glashow mô tả ông là một nhân vật đặc biệt, nổi bật trong số các nhà vật lý học đương đại, bởi ông luôn lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ vai trò của khoa học cơ bản. Năm 1995, khi Trường ĐH Rochester ở New York lên kế hoạch loại bỏ chương trình toán học, giáo sư Glashow lập tức viết một bức thư cho hiệu trưởng trường này nhấn mạnh: “Hành động của trường sẽ dẫn tới quan điểm rằng toán học không đóng vai trò quan trọng trong giáo dục”.

“Nhiều chính trị gia vẫn nghĩ rằng nghiên cứu khoa học là phải đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế, y tế, còn các ngành khoa học cơ bản như vật lý hay thiên văn học là thứ xa hoa vô dụng. Họ đòi nghiên cứu khoa học phải hướng tới thị trường. Đó là quan niệm rác rưởi” - giáo sư Glashow bức xúc. Ông chỉ ra rằng những phát minh quan trọng như tia X, penicillin, mạng Internet... đều xuất phát từ những nghiên cứu vì mục đích khoa học thuần túy, nhưng lại có những ứng dụng vô cùng to lớn trong cuộc sống hằng ngày. “Nếu những nhà phát minh thật sự muốn giải quyết những vấn đề cuộc sống trong thời kỳ của họ, chúng ta đã chẳng có tia X, động cơ điện, radio...” - ông nói.

Ông cũng tin rằng sự hợp tác khoa học quốc tế sẽ dẫn thế giới tới một thế kỷ mới ít bạo lực hơn, một thế kỷ mà mọi người dân thế giới có thể sẽ cùng chia sẻ những thành tựu khoa học và công nghệ. Chính niềm tin mãnh liệt đó đã đưa ông vượt ngàn trùng xa để lần đầu tiên đến VN truyền lại thông điệp về vai trò của khoa học cơ bản. “VN cần phải hiểu rằng khoa học và công nghệ là những thứ không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế” - giáo sư Glashow nhắn nhủ.

GS Sheldon Lee Glashow
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên