Xét theo tiêu chí đó thì việc cộng điểm đối với bà mẹ VN anh hùng đi thi tuyển sinh đại học, được ghi nhận tại một thông tư của Bộ Giáo dục - đào tạo, là một biện pháp chăm sóc, ưu đãi không đạt. Đơn giản, người thụ hưởng theo lý thuyết và cả trên thực tế đều đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Hẳn sẽ không có ai trong số họ nghĩ đến chuyện khăn gói đi thi đại học - một sân chơi chủ yếu dành cho tuổi mười tám, đôi mươi - để có điều kiện tiếp nhận sự ưu ái mà luật pháp, chính sách muốn đem lại cho mình.
Pháp lệnh về ưu đãi người có công đúng là có nói về sự cần thiết của việc nâng đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người có công trong học tập, làm việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong lĩnh vực nào, trường hợp nào, người có công cũng được hưởng sự nâng đỡ, hỗ trợ giống như nhau, không phân biệt tuổi tác, giới tính, điều kiện, hoàn cảnh sinh sống. Ưu đãi đúng nghĩa, đúng với bản chất của cách cư xử là sự đáp ứng thuận lợi và mang tính ưu tiên đối với một đòi hỏi, một nhu cầu chính đáng có thật trong cuộc sống. Vì vậy, không thể gọi là ưu đãi nếu trao một thứ mà người ta không cần.
Quy định về cộng điểm cho bà mẹ VN anh hùng khi thi đại học là một ví dụ điển hình của kiểu làm luật máy móc, xa rời thực tế. Kiểu làm luật đó là một biểu hiện của căn bệnh quan liêu; nó dễ dẫn đến rủi ro cho ra đời những quy tắc không phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội, nhiều khi còn đi ngược với yêu cầu đó.
Điều đáng quan ngại là gần đây, bệnh quan liêu này có biểu hiện lây lan trong nhiều lĩnh vực. Các quy định về cấm bán gia súc, gia cầm sau quá tám giờ từ lúc giết mổ, về cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng... là những ví dụ. Có thể quy định cộng điểm nói trên không tạo ra hệ quả gì đặc biệt về mặt vật chất, mà chỉ đơn giản là một điều luật kỳ lạ, khác thường. Nhưng trong nhiều trường hợp, luật phi thực tế có khả năng gây tác hại to lớn về vật chất, tinh thần cho xã hội. Bản thân việc dốc công sức, tiền bạc để xây dựng những văn bản luật không khả thi cũng đã là sự lãng phí.
Để ngăn chặn, hạn chế sự phổ biến tràn lan của kiểu làm luật này, cần phải đẩy lùi bệnh quan liêu trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Người làm luật phải chịu khó quan sát, tìm hiểu nắm bắt yêu cầu của thực tiễn mà ra luật cho phù hợp. Phản ánh hiện thực xã hội và đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của nó, luật mới phát huy được chức năng vốn có và mới có điều kiện hoàn thành sứ mệnh của mình là giúp con người xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận