18/04/2009 08:07 GMT+7

Luật giáo dục mau cũ!

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố việc soạn thảo sửa đổi một số nội dung trong Luật giáo dục 2005 để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Như vậy, chỉ sau vài năm có hiệu lực, khi nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa kịp ban hành để đưa vào thực thi trong đời sống, Luật giáo dục đã phải sửa đổi.

Cũng tương tự trước đó, khi Luật giáo dục (LGD) 1998 còn đang trong tình trạng “nợ” quá nửa những văn bản dưới luật cũng đã phải đưa ra chỉnh sửa và được thay thế bởi LGD 2005. Với tốc độ này, có lẽ LGD trở thành một trong những bộ luật nhanh cũ nhất mặc dù có thời gian xây dựng rất dài và trải qua nhiều vòng dự thảo, lấy ý kiến đóng góp nhất.

Tại sao LGD nhanh cũ như vậy? Có thể nhận thấy ngay một nguyên nhân trực tiếp là do nhiều vấn đề trước đây dư luận, người dân và các đại biểu Quốc hội đã từng góp ý trong quá trình soạn thảo nhưng không được tiếp thu, hoặc được tiếp thu, đưa ra trong dự thảo LGD 2005 nhưng lại thiếu đồng bộ.

Và theo một số chuyên gia, LGD còn sớm phải chỉnh sửa vì chưa giải quyết được vấn đề nên là luật khung hay luật chi tiết. Có nhiều nội dung LGD đã được xây dựng quá chi tiết, đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể mà lẽ ra chỉ cần quy định trong những văn bản hướng dẫn thi hành luật. Trong điều kiện chúng ta đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, đất nước đang phát triển, đời sống kinh tế - xã hội liên tục có nhiều đổi thay, những quy định quá chi tiết của LGD càng trở nên nhanh chóng lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Thay vì tạo ra một hành lang pháp lý cho các hoạt động giáo dục, nhiều khi các quy định của luật trở thành rào cản hay sợi dây bó buộc sự năng động của các cơ sở giáo dục. Có rất nhiều ví dụ như quy định miễn học phí đối với SV các trường sư phạm, quy định quản lý đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục...

Có thể nói, sự gắn bó lỏng lẻo của LGD với thực tế là do nó đã được xây dựng chưa đúng với tầm cần có của một bộ luật làm công cụ quản lý hoạt động giáo dục của toàn xã hội. Nó mới chỉ như một hệ thống quy định chủ yếu phục vụ việc quản lý ngành với rất nhiều quy định xuất phát từ mong muốn chủ quan của người làm quản lý. Vì thế luật càng khó đi vào cuộc sống...

Liệu những nội dung dự kiến sửa đổi lần này đã giải quyết được tình trạng “chưa dùng đã cũ” của LGD kể từ khi ra đời năm 1998 đến nay? Theo nhiều ý kiến đánh giá, dự thảo sửa đổi luật bổ sung lần này vẫn chưa “gỡ” được những vấn đề mang tính cơ bản và hệ thống. Chỉ riêng quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp do hai cơ quan của Chính phủ quản lý đang gây ách tắc cho sự phân luồng và liên thông, không thể dự báo và quy hoạch cơ sở đào tạo nghề nghiệp...

Thế nhưng, vấn đề này vẫn chưa được dự thảo sửa đổi LGD đề cập. Sự bất nhất trong cách xây dựng văn bản pháp quy của Bộ GD-ĐT thể hiện rất rõ: Bộ GD-ĐT đang xây dựng chiến lược giáo dục 2010-2020, trong đó đã đặt ra vấn đề thống nhất quản lý đối với giáo dục nghề nghiệp nhưng khi sửa LGD, bộ lại không hề nhắc tới. Với việc sửa chữa bổ sung chắp vá không mang tính hệ thống như trong dự thảo sửa đổi LGD, liệu có thể tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện được bản chiến lược giáo dục mang tầm nhìn 10 năm nói riêng và quản lý hoạt động giáo dục trong xã hội nói chung hay không?

Đến bao giờ chúng ta mới có một bộ LGD hoàn thiện, có sức sống dài lâu hơn chu kỳ vài năm như hiện nay?

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên