27/07/2015 18:42 GMT+7

Luật đứng về phía con nợ chây ì

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Có cần thiết đặt ra mức trần lãi suất nữa hay không khi thực tế việc cho vay hiện nay không tuân thủ trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng?

Ông Ngô Văn Minh chủ trì tại tọa đàm, ảnh Hoàng Điệp
Ông Ngô Văn Minh chủ trì tại tọa đàm - Ảnh: Hoàng Điệp

Và vấn đề thu hồi tài sản bảo đảm thế nào khi hệ thống luật hiện nay có vẻ như đang đứng về phía những con nợ chây ì? Làm sao để bảo đảm quyền tài sản đối với những giao dịch bảo đảm?

Đây là những vấn đề được đặt ra trong buổi tọa đàm về các quy định liên quan đến các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trần lãi suất trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức ngày 27-7 tại TP.HCM.

Luật đứng về phía con nợ chây ì

Ông Trần Du Lịch (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đưa ra ý kiến này và khẳng định không có nơi nào trên thế giới giống như Việt Nam, chỉ một kho cà phê mà thế chấp cho bốn ngân hàng để lấy tiền, rồi rốt cục các ngân hàng đưa nhau ra tòa tranh chấp về khối tài sản đó.

Nói đi nói lại thì để bảo vệ mình, ngân hàng không thể nào cho xây kho để giữ động sản thế chấp của khách hàng nên thiệt hại đang đứng về phía ngân hàng dù phán quyết của tòa thế nào.

Ông Lịch cũng cho biết khi làm việc với các ngành thương mại công việc thu hồi tài sản của các con nợ thì quá khó khăn.

“Nếu con nợ không hợp tác thì vô phương, còn nếu hợp tác thì cũng phải kéo dài đến bốn năm mới có thể lấy lại được một phần tài sản. Người ta ê ẩm không muốn đi đòi tài sản nữa bởi dù bản án có hiệu lực pháp luật cũng không có cách gì lấy lại được tài sản của mình” - ông Lịch nói.

Theo ông Lịch thì vấn đề vướng nhất của VN hiện nay trong việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến hệ thống tư pháp và các cơ quan xét xử.

Tự giải quyết vấn đề tài sản đảm bảo

Tham gia tọa đàm, giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá Bộ luật dân sự 2005 về giao dịch bảo đảm chưa đáp ứng được yêu cầu quốc tế và xu hướng chung của thời đại, các nhà đầu tư chưa dám đầu tư ở Việt Nam.

“Tôi không chia sẻ với kinh nghiệm 15 năm giảng dạy về vấn đề giao dịch bảo đảm mà còn với tư cách là một luật sư đã hỗ trợ những giao dịch lên tới 5 triệu đôla” - giáo sư Thảo nói.

Bà Thảo phân tích những điểm chưa phù hợp đối với vấn đề giao dịch bảo đảm của Bộ luật dân sự, đồng thời nêu ra kinh nghiệm tại Mỹ đối với việc bên nhận thế chấp tài sản bảo đảm có thể tự hành động để bảo vệ tài sản của mình bằng ví dụ.

Nếu ngân hàng cho cá nhân vay tiền để mua xe nhưng đến thời hạn trả tiền mà bên vay vi phạm chế độ vay thì bên cho vay hoàn toàn có thể tự động đến lấy tài sản trong nhà mà không cần thiết phải báo với bên vay một tiếng nào. Và luật pháp ở Mỹ không can thiệp những vụ vi phạm cam kết về vay tài sản.

Từ chỗ ban đầu xa lạ với khái niệm này thì người dân dần dần thừa nhận điều này và khi thảo hợp đồng thì cũng thỏa thuận bên nhận bảo đảm tự xử lý để bảo vệ quyền tài sản của mình.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, Chuyên gia ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ảnh Hoàng Điệp.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ảnh: Hoàng Điệp

Không áp dụng được ở Việt Nam

Tuy nhiên, sau phần trình bày của giáo sư Thảo thì ông Tưởng Duy Lượng, nguyên phó chánh án TAND tối cao, cho rằng điều đó không thể thực hiện ở Việt Nam bởi xảy ra rất nhiều rủi ro trong quá trình người dân tự bảo vệ quyền tài sản của mình theo cách mà người Mỹ đang làm.

Nói về vấn đề này, ông Ngô Văn Minh, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: “Tùy điều kiện kinh tế và văn hóa của từng nước, nếu con nợ không thực hiện nghĩa vụ tài sản thì sẽ bị xử lý tài sản theo cách nhanh nhất dẫn đến người dân tự có ý thức hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình. Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng áp dụng được” - ông Minh nói.

Theo ông Minh, ngoài vấn đề pháp luật thì đây còn là văn hóa của người Việt Nam bởi chúng ta không thể đuổi người khác ra khỏi nhà để thu hồi tài sản, và đương nhiên cũng không thể thu đến tài sản cuối cùng là kế sinh nhai duy nhất của con nợ. “Đây là văn hóa của người Việt, bởi ngoài tiền còn có tình người nữa” - ông Minh nói.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên