04/10/2019 11:00 GMT+7

Lúa hữu cơ khởi sắc giữa miền Tây

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Hàng ngàn hecta lúa của tỉnh Kiên Giang đã chuyển từ sản xuất thông thường sang canh tác hữu cơ.

Lúa hữu cơ khởi sắc giữa miền Tây - Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT thăm ruộng lúa Công ty Trung An - Ảnh: Đ.T.C.

Từ đó mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn cho "vựa lúa miền Tây".

Như đi du lịch sinh thái

Đang là mùa mưa lũ, nhưng khác với cảnh lầy lội thường thấy khi đi ruộng, toàn bộ diện tích 800ha lúa của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An đều khô ráo, có thể mang giày đi ruộng. 

Một kỹ sư nông nghiệp tại đây cho biết vừa mới thu hoạch dứt điểm vụ hè thu nên ruộng không còn lúa. Nhưng lúc chưa thu hoạch mặt ruộng cũng rất khô, thuận tiện việc đưa phương tiện cơ giới vào phục vụ sản xuất.

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty Trung An, khoe cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có đến thăm đồng lúa công ty. Bộ trưởng khen và nói mô hình trồng lúa hữu cơ này sắp tới sẽ là hình mẫu của cả nước. 

Theo ông Bình, khu vực này đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là vùng nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài diện tích 800ha hiện có, công ty đang liên kết với các hộ dân xung quanh mở rộng quy mô sản xuất thêm 6.000ha.

Ông Bình khẳng định hướng đi của công ty sắp tới sẽ mời các doanh nghiệp cung ứng lúa giống, phân bón vào liên kết để hoàn thành chuỗi sản xuất ổn định lâu dài. Mục đích của việc hình thành chuỗi sản xuất không gì khác hơn chính là giữ ổn định chất lượng nông sản, dần dần xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới.

Để minh chứng cho việc sản xuất lúa hữu cơ "xanh, sạch", Công ty Trung An chừa lại khoảng 20ha rừng tràm tự nhiên làm nơi trú ngụ cho chim, cò và các loài thủy sản. "Các anh thấy đấy, vào ruộng lúa cơ giới hóa 100%, kiểm tra sâu bệnh bằng máy bay không người lái, có cả rừng tràm tự nhiên để ngắm chim, cò bay về tổ mỗi chiều có khác nào đi du lịch sinh thái đâu" - ông Bình nói.

Tương lai của gạo Việt

Ông Hoàng Trung Kiên, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Kiên Giang, cho biết ngoài Công ty Trung An, địa phương này còn có tám hợp tác xã trồng lúa hữu cơ, với ba trong số đó đã được chứng nhận "lúa hữu cơ", năm hợp tác xã được chứng nhận VietGAP. Các hợp tác xã này tập trung chủ yếu ở các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng (thuộc vùng U Minh Thượng), Hòn Đất, Giang Thành.

Sở dĩ vùng U Minh Thượng, Hòn Đất và Giang Thành có lợi thế khi sản xuất lúa hữu cơ do các vùng này còn đất mới đưa vào canh tác lúa, chưa qua sử dụng phân bón hóa học hoặc các loại thuốc trừ sâu. 

"Tiêu chuẩn VietGAP thì tương đối dễ, còn để được chứng nhận lúa hữu cơ thì phải nói là rất khó, chi phí mỗi lần mời tư vấn nước ngoài cấp chứng nhận cũng rất cao, vào khoảng 25.000 USD mà thời hạn chỉ có hai năm là phải chứng nhận lại" - ông Kiên nói.

Theo ông Phạm Thái Bình, quy trình sản xuất lúa hữu cơ từ 90-120 ngày tùy theo giống lúa nhưng rất phức tạp. Từ lúc ươm mạ, cấy lúa, bón phân, xử lý sâu bệnh... đều hoàn toàn dựa vào các sản phẩm 100% hữu cơ và chế phẩm vi sinh. Tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học hoặc thuốc bảo vệ thực vật nào.

Ngoài cái lợi giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, việc sản xuất lúa hữu cơ còn đòi hỏi phải được cơ giới hóa triệt để. Với lúa hữu cơ, chỉ cần đưa vỉ mạ (được ươm bằng lúa giống trên nền mùn cưa, rơm rạ...) vào máy cấy là xong. Việc cấy bằng máy vừa tiết kiệm sức người, vừa tiết kiệm 100kg lúa giống/ha.

Ông Lê Thanh Hiếu trồng 40ha lúa hữu cơ tại huyện Hòn Đất cho biết lúa hữu cơ có sức chịu đựng phèn, mặn và đặc biệt kháng sâu bệnh rất tốt. Tuy năng suất chỉ bằng khoảng 80% so với lúa thường, nhưng bù lại giá thành luôn ổn định ở mức khoảng 7.000 đồng/kg, không phụ thuộc vào thương lái thu mua vì 100% diện tích đều được bao tiêu sản phẩm. 

"Chưa kể việc trồng lúa hữu cơ cần rất ít nhân công và công chăm sóc, gần như cấy lúa xong thì bón phân hữu cơ một, hai lần rồi rung đùi chờ thu hoạch" - ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Văn Tâm (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang):

Trồng lúa hữu cơ thích ứng tốt với biến đổi khí hậu

nguyen van tam - gd so nn-1 2(read-only)

Sau ba năm thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Kiên Giang đã triển khai chuyển đổi mô hình luân canh tôm - lúa, lúa - cá - hoa màu tại những vùng ven biển có nguy cơ hạn mặn cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Giải pháp thứ hai là chuyển từ sản xuất lúa phụ thuộc vào phân bón hóa chất độc hại sang trồng lúa hữu cơ. Đây là hướng đi rất hợp với chủ trương giảm diện tích, tăng chất lượng và giá trị hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.

Hôm nay tọa đàm tại An Giang: "ĐBSCL: Thiếu nước - thiếu tiền"

Hôm nay, tại nhà khách Tỉnh ủy An Giang sẽ diễn ra tọa đàm "ĐBSCL: Thiếu nước - thiếu tiền" do báo Tuổi Trẻ cùng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) tổ chức.

Trước tình hình lũ về chậm nhưng lại rút nhanh, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, PGS.TS Lê Anh Tuấn - chuyên gia thuộc Viện Biến đổi khí hậu, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL sẽ phân tích và dự báo diễn biến khí hậu ĐBSCL trong thời gian tới để bà con chuẩn bị ứng phó kịp thời.

Tại tọa đàm, đại diện nông dân vùng Đồng Tháp, An Giang cũng chia sẻ những câu chuyện quên lũ bằng sinh kế mới (Tuổi Trẻ ngày 2-10) và những mô hình nuôi trồng xen canh độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Hữu Hiệp cùng đại diện Agribank sẽ tư vấn bà con những mô hình sản xuất, nuôi trồng phù hợp với thời tiết hiện nay và chính sách cho vay ưu đãi, gỡ khó cho bà con khi chuyển đổi mô hình kinh tế.

Được biết, Agribank với hệ thống gồm 307 chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp khu vực ĐBSCL đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, còn có hàng chục điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng phục vụ khách hàng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Nhiều năm qua, Agribank đã triển khai các chính sách hỗ trợ vốn và tiếp sức cho bà con nông dân thay đổi tư duy, hành động vì một nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn và phát triển bền vững.

PHẠM KIM

Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang):

Cần có dự báo quy hoạch, bố trí dân cư phù hợp

ong bay nhi 2(read-only)

ĐBSCL là châu thổ hình thành từ mấy ngàn năm. Hạt phù sa bồi lắng tạo nên đồng bằng và tiếp tục có vai trò sống còn đối với đồng bằng. Đây là cánh đồng lúa nước số 1 thế giới.

Tuy nhiên, gần đây đã có những tác động tiêu cực đến nguồn nước và hạt phù sa, ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh của cả vùng. Thiếu nước, thiếu phù sa, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, bồi lắng ngày càng ít, trong khi sạt lở ngày càng nhiều. ĐBSCL không còn là vùng đất trù phú, dễ làm ăn nữa. Tất cả đều do con người gây ra.

Trước thực tế này, tôi nghĩ lãnh đạo các tỉnh cần phải chủ động điều tra để có dự báo, trên cơ sở đó quy hoạch, bố trí lại dân cư, bố trí sản xuất, cơ cấu mùa vụ cho phù hợp.

Đơn cử như việc làm lúa ba vụ, theo tôi, đến thời điểm này là không nên duy trì nữa. Không chỉ chuyển đổi lúa cao sản sang lúa gạo chất lượng cao, mà còn chuyển đổi mùa vụ từ trồng lúa sang trồng cây, con khác. Không chỉ chăm chăm cây lúa hay cây bắp, mà còn tính toán theo nhu cầu của thị trường.

Vấn đề này cần có vai trò điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng chủ công không nên là Nhà nước mà là thương nhân. Chính họ biết nơi đâu cần ăn gì để đặt hàng người trồng, người nuôi, chứ chính quyền đâu có thể đi bán sản phẩm của nhà nông được.

Quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay là xây dựng các chính sách phù hợp, vai trò hỗ trợ cho phát triển. Nếu làm đồng bộ được những điều đó, chúng ta mới thực hiện được việc thích nghi, chuyển đổi sản xuất trong tình hình mới của ĐBSCL mà theo tôi đang ngày càng khó khăn.

TIẾN TRÌNH ghi

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên