Ông Hải cho biết:
Phóng to |
Khắc phục tình trạng cục bộ
* Xin ông cho biết cụ thể về mục đích của việc luân chuyển hơn 40 cán bộ về địa phương giữ các vị trí phó bí thư tỉnh (thành) ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) vừa được thực hiện theo các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư?
- Luân chuyển cán bộ là một chủ trương lớn của Đảng để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương và được Bộ Chính trị (khóa IX) cụ thể hóa bằng hai nghị quyết về luân chuyển và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là hai nghị quyết rất quan trọng nhằm bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, cũng như bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị.
Mục đích, ý nghĩa của đợt luân chuyển này là chọn cán bộ trong quy hoạch, có đủ tiêu chuẩn để đưa xuống cơ sở rèn luyện, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được trở về để bố trí ở vị trí cao hơn nhằm đào tạo lớp cán bộ chất lượng cao của Đảng để cung cấp cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ cao cả lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm công tác cho các ngành, các cấp.
* Thưa ông, sau khi các quyết định điều động, luân chuyển được công bố, trong dư luận có đặt ra vấn đề về tính dân chủ, công khai, minh bạch của công tác này. Xin ông giải thích rõ về quy trình điều động, luân chuyển?
- Sau khi tổng kết chủ trương tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách cơ sở Đảng; căn cứ vào tình hình đội ngũ cán bộ các địa phương, Ban Bí thư xác định rõ địa bàn, chức danh luân chuyển; giao các ban, bộ, ngành ở trung ương giới thiệu cán bộ dự kiến đưa đi luân chuyển để đào tạo. Ban Tổ chức trung ương tập hợp danh sách, nghiên cứu kỹ hồ sơ cán bộ, lựa chọn ra những cán bộ có triển vọng nhất; xin ý kiến của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương (với cán bộ là lãnh đạo các tổng công ty nhà nước); đồng thời, các đồng chí lãnh đạo ban làm việc, trao đổi với cấp ủy địa phương dự kiến có cán bộ luân chuyển về để tạo sự thống nhất với địa phương.
Trên cơ sở sự thống nhất cao của các cơ quan, đơn vị và địa phương, tập thể lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng đối với từng trường hợp để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Do đó, việc lựa chọn cán bộ luân chuyển là dân chủ, công khai, khách quan, chặt chẽ, do vậy khó có hiện tượng tiêu cực xảy ra.
Các cán bộ được trung ương lựa chọn để đưa đi luân chuyển đợt này đều là những cán bộ tốt, được đào tạo bài bản, có năng lực, trình độ, được tập thể ghi nhận đánh giá và trong quy hoạch chức danh chủ chốt ở các ban, bộ, ngành trung ương.
Đã đánh giá năng lực rất kỹ
* Việc điều động cán bộ về giữ các vị trí phó bí thư tỉnh (thành) ủy thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhưng việc giới thiệu về giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) thì còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử của HĐND các tỉnh (thành phố) ở nơi tiếp nhận. Nếu có những cán bộ được giới thiệu nhưng không trúng cử thì sẽ giải quyết thế nào, thưa ông?
- Khi đưa về địa phương, nếu là phó bí thư thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định theo Điều lệ Đảng. Nếu luân chuyển về làm phó chủ tịch UBND thì Ban Bí thư chỉ định tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố, sau đó giới thiệu với HĐND để bầu. Để tránh trường hợp như nhà báo hỏi, trước khi đưa cán bộ đi luân chuyển, lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương trao đổi, bàn bạc rất kỹ, tạo sự thống nhất cao trong cấp ủy địa phương để lãnh đạo HĐND bầu nên đồng chí đó sẽ được ủng hộ. Thực tế từ khi tiến hành công tác luân chuyển cán bộ, chưa có trường hợp nào trung ương giới thiệu mà bầu không trúng. Trường hợp cán bộ không trúng cử thì có thể rút về, bố trí công việc thích hợp.
* Thưa ông, tất cả cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển đợt này đều về địa phương giữ các vị trí cấp phó. Có ý kiến cho rằng với vị trí cấp phó, không phải người đứng mũi chịu sào để đưa ra các quyết định, thì rất khó đánh giá được đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ được điều động, luân chuyển. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
- Luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện thực tiễn không nhất thiết phải ở vị trí cấp trưởng hay cấp phó. Những cán bộ cấp phó lăn lộn với thực tiễn, thể hiện năng lực, trình độ, bản lĩnh trong công việc, rèn luyện tốt sẽ được địa phương tín nhiệm, giới thiệu làm cấp trưởng. Đây là thử thách nhưng cũng chính là cơ hội để cán bộ luân chuyển tu dưỡng, rèn luyện, khẳng định bản thân trong quá trình công tác tại địa phương. Thực tế, chức vụ phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền, trách nhiệm rất lớn, do đó cán bộ luân chuyển sẽ có cơ hội lớn để đem kiến thức của mình trải nghiệm tại thực tiễn, góp một phần công sức xây dựng địa phương, không thể nói đây là những vị trí quan sát, học hỏi. Đứng ở góc độ nào người ta cũng đánh giá được cán bộ, nên không nhất thiết phải là cấp trưởng ngay khi đưa đi luân chuyển.
* Vậy việc đánh giá, thẩm định năng lực cán bộ luân chuyển sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Trước khi cán bộ được lựa chọn để đưa đi luân chuyển đều đã được đánh giá rất kỹ. Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đánh giá cán bộ; lấy phiếu thăm dò tín nhiệm trong đơn vị công tác. Chi bộ Đảng nơi công tác và nơi cư trú nhận xét, đánh giá cán bộ.
Khi về công tác tại địa phương cũng có rất nhiều kênh để đánh giá cán bộ: cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan và nhân dân địa phương đánh giá qua hiệu quả công việc của cán bộ; qua phẩm chất đạo đức và năng lực của cán bộ. Đây là cơ sở quan trọng để xem xét, bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển. Các cán bộ đi luân chuyển về không nhất thiết sẽ được giữ chức vụ cao hơn, có trường hợp luân chuyển để bổ sung thực tiễn về làm tốt hơn công việc của mình đang làm.
Con em cán bộ lãnh đạo thì càng phải gương mẫu * Trong số cán bộ được luân chuyển đợt này có một số người là con em của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Dư luận cũng băn khoăn liệu các cán bộ đó có được ưu ái hơn không, thưa ông? - Chúng tôi khẳng định tất cả cán bộ luân chuyển đợt này đều có đầy đủ tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định; đã nằm trong quy hoạch; được tập thể đánh giá, suy tôn và được thực hiện đúng quy trình. Nếu vào trường hợp nào là con em các đồng chí lãnh đạo thì cũng đều do tập thể ghi nhận, giới thiệu từ cấp ủy, cơ quan, đơn vị chứ không có định hướng, ưu ái nào. Theo tôi nghĩ, những cán bộ là con các đồng chí lãnh đạo cấp cao thì càng phải gương mẫu phấn đấu và tu dưỡng, rèn luyện cao hơn. Đảng ta cũng có chủ trương chủ động và sớm phát hiện cán bộ có triển vọng, các tài năng trẻ nhằm sớm đưa vào quy hoạch dự nguồn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Quan tâm tạo nguồn để tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, xuất thân từ công nhân, nông dân, con em các gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, không phân biệt đảng viên hay quần chúng ngoài Đảng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận