Người dân Hi Lạp nổi giận. 54 người đã bị thương, hàng chục tòa nhà bốc cháy.
Phóng to |
“Chặt nữa vào!” - biếm họa của Peter Schrank đăng trên tờ Baslerzeitung, Bâle, Đức |
Các đường phố Athens và thành phố Thessaloniki đã bốc cháy ngùn ngụt trong đêm 12-2, lúc các nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu cho các biện pháp cắt giảm ngân sách mới. Sau cuộc tranh cãi đầy sóng gió bên trong tòa nhà quốc hội, kế hoạch thắt lưng buộc bụng cùng khổ này do EU và IMF áp đặt đã được thông qua với đa số phiếu thuận 199-74 trên tổng số 300 nghị sĩ, trong đó có 278 hiện diện. Áp lực đã đè nặng lên các nghị sĩ. Hai đảng lớn trong liên minh cầm quyền là Pasok và Dân chủ mới đe dọa sẽ trục xuất những nghị sĩ nào của họ bỏ phiếu chống lại kế hoạch này.
Trong số 236 nghị sĩ có liên quan, 43 nghị sĩ “nổi loạn”đã bị trục xuất ngay sau cuộc bỏ phiếu. Trước bầu cử, Thủ tướng Hi Lạp Lucas Papademos đã gằn từng tiếng khi yêu cầu các nghị sĩ phải “nhận lấy trách nhiệm trước một chọn lựa quan trọng” cho đất nước Hi Lạp: “tiến lên cùng châu Âu và đồng tiền chung”.
“Chương trình này sẽ bảo vệ vị trí của đất nước trong khối đồng euro” - AFP dẫn lời Thủ tướng Lucas Papademos tuyên bố. Ông mô tả gói cắt giảm là “sự hi sinh tạm thời” của người dân Hi Lạp.
"Hãy nhét họ vào các căn hộ nhỏ, không có hệ thống sưởi ấm, thí cho họ 300 euro (gần 400 USD)/tháng xem họ sẽ sống ra sao" |
Theo đòi hỏi của “bộ ba” này, các biện pháp cắt giảm bao gồm: cắt giảm chi tiêu cho y tế (1,6 tỉ euro), quốc phòng (300 triệu euro), cắt giảm tiền lương cho lao động dưới 25 tuổi và người hưu trí. Những biện pháp này gây bất bình cho người dân. Và...
“Cuộc nổi dậy bắt đầu”
Reuters cho biết trong tối 12-2 và rạng sáng 13-2, hơn 80.000 người dân đã đổ ra đường phố thủ đô Athens để phản đối gói thắt lưng buộc bụng “tàn nhẫn”. Khoảng 20.000 người biểu tình ở thành phố Thessaloniki. Nhiều nhóm thanh niên đeo mặt nạ ném bom xăng, gạch đá, chai lọ vào cảnh sát bên ngoài trụ sở quốc hội ở quảng trường Syntagma, Athens. Cảnh sát chống trả bằng hơi cay.
Sự hỗn loạn lan tràn khắp thủ đô. Trong đêm, nhiều nhóm biểu tình ném bom xăng vào các tòa nhà ở trung tâm Athens. Nhà chức trách ước tính khoảng 40 tòa nhà đã bị thiêu cháy, bao gồm một nhà hát cổ ở khu vực trung tâm. Ít nhất 54 người đã bị thương. Kênh truyền hình NET đưa tin bạo động cũng nổ ra dữ dội ở thành phố Heraklion, thủ phủ đảo Crete, cũng như các thị trấn Volos và Agrinio ở miền trung Hi Lạp.
“Thế là đủ lắm rồi - Reuters dẫn lời người hùng chống phát xít Manolis Glezos, 89 tuổi, khi ông biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội - Họ không hiểu rằng người Hi Lạp sẽ dám nổi dậy. Và cuộc nổi dậy đã bắt đầu”.
“Hi Lạp đang trở thành một đất nước thuộc địa” - nhân viên bán hàng Natalia Stefanou bức xúc. Bà cho biết chưa được trả lương từ tháng 9-2011 và sắp mất việc. “Tôi không lo cho bản thân mà chỉ thương hai đứa con nhỏ”.
Buộc bụng đến mấy cũng vô hiệu
Theo báo Wall Street Journal, cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hi Lạp chưa hẳn đảm bảo Athens sẽ sớm nhận được gói cứu trợ. Ngày 15-2, các bộ trưởng khối đồng euro sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để xem xét. Trước đó, các quan chức EU đã tỏ ra bực bội với việc Athens từng cam kết cắt giảm ngân sách triệt để nhưng không thực hiện.
Trang Business Insider dẫn lời chuyên gia Margaret Bogenrief thuộc Hãng ACM Partners nhận định 130 tỉ euro sẽ là không đủ để cứu Hi Lạp. Năm 2010, Hi Lạp được cứu trợ 110 tỉ euro (145 tỉ USD) với điều kiện phải cắt giảm ngân sách mạnh tay để đẩy mức nợ công xuống 120% GDP vào năm 2020. Nhưng trong năm 2010, nợ Hi Lạp tăng lên 143% GDP và đến năm 2011 là 160%. Theo chuyên gia Bogenrief, vấn đề là ở chỗ: theo ước tính của EU, nạn trốn thuế khiến Chính phủ Hi Lạp thiệt hại ít nhất 13 tỉ euro (17 tỉ USD)/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận