![]() |
Những đứa trẻ sau song sắt trại giam số 5 ở huyện Yên Định, Thanh Hóa - Ảnh: Việt Dũng |
Theo mẹ vào góc khuất
Buổi sáng đầu tuần, cánh cửa khu A của trại giam số 5 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - Cục V26 (Bộ Công an) vừa mở, hàng chục phạm nhân nữ trong bộ quần áo tù cùng những đứa trẻ lần lượt đi ra.
Những bé nhỏ được mẹ ẵm, bé lớn hơn được dắt tay... “Họ đưa các cháu ra lớp mẫu giáo của trại - trung tá Nguyễn Đức Do, cán bộ giáo dục trại 5, bảo - Hầu hết các bé được sinh ra ở đây, mẹ chúng đều có án rất nặng. Các cháu cứ lớn lên như thế trong cái góc khuất này của xã hội...”.
Vừa đến lớp mẫu giáo, cách đó không xa, mấy đứa trẻ chạy ùa đến chiếc cầu trượt đặt trước sân... “Hôm nào được ra lớp các bé đều như chim sổ lồng” - cô giáo Ngô Thị Kim Thu cho biết. Ở đây các bé sơ sinh sáng được đưa đến nhà mẫu giáo của trại, tối được cho về với mẹ trong buồng giam khóa cửa. Còn tất cả trẻ trên 6 tháng tuổi đều ra lớp mẫu giáo suốt tuần, chiều thứ bảy về với mẹ một ngày.
“Ở nhà mẹ chán lắm, không có đồ chơi. Cháu thích ở lớp học với các cô hơn cơ” - Nguyễn Hoài Nam, 6 tuổi, vừa phi ngựa gỗ vừa nói. Bé Nam là con phạm nhân Trịnh Thị H. (Nghệ An) lãnh án 15 năm tù về tội mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy. “Sao không đưa cháu về ở với bố?”. Nghe tôi hỏi mẹ mình, Nam thỏ thẻ: “Bố cháu chết rồi, ông bà cũng chết hết. Mẹ ở mãi trong này, cháu không được đi chơi đâu cả...”.
Thượng tá Nguyễn Văn Vân, phó giám thị trại giam số 5, cho biết: Toàn trại có hơn 4.000 phạm nhân, trong đó phạm nhân nữ hơn 1.000 đều có án rất nặng, không được tạm hoãn thi hành án. Trại 5 hiện có 26 bé từ sơ sinh đến 7 tuổi. Trẻ theo mẹ vào trại càng tăng nên cần có các văn bản qui định rõ ràng, cụ thể những chính sách cho các cháu. Các ngành chức năng, xã hội cần quan tâm hơn để đưa trẻ theo mẹ vào trại giam sớm trở về với cộng đồng... |
Sau khi sinh đứa con nhỏ ở trại tạm giam Hà Nội, Y. được chuyển lên đây hơn ba năm nay. Ở tù hai năm, chồng Y. cũng tội bán ma túy (án 9 năm, hiện ở khu B trại 5). Nhìn hai con đang vui đùa, Y. nói: “Để con theo mình vào tù như thế này tôi ân hận lắm, phải cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về xã hội, nuôi con...”.
Nhiều trẻ theo mẹ chuyển đến trại với hồ sơ của mẹ, chỉ ghi chú thêm “có một con nhỏ”. Hầu hết trẻ ở đây không có khai sinh. Năm ngoái thượng tá Nguyễn Văn Vân, phó giám thị trại, phải ra thị trấn làm giấy khai sinh mới cho các cháu.
Lớp mẫu giáo của tình thương
Trong phòng giam có đến hàng chục người, nhiều đứa bé độ vài ba tháng tuổi được đặt nằm trong tấm chiếu mỏng trên “giường” ximăng. Có bé còn chưa biết lật, nằm chớp mắt nhìn ra cửa sổ, còn mấy bà mẹ cứ dán mắt vào màn hình tivi góc nhà. Những đứa trẻ lớn thì đã đến trường...
Thượng tá Nguyễn Văn Vân nói: “Chúng tôi mở lớp mẫu giáo này vì muốn tách các cháu khỏi mẹ”. Trước đây, trại 5 đã có lớp mẫu giáo dành cho con phạm nhân ở khu B. Nhưng số trẻ cứ tăng lên (có lúc gần 50 trẻ), năm 2003 ban giám thị trại 5 đã quyết định xây lớp mẫu giáo mới này. Pháp luật qui định trẻ con phạm nhân trên 24 tháng tuổi phải đưa về gia đình.
![]() |
Những nữ phạm nhân đưa con đến lớp - Ảnh: Việt Dũng |
Hai cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư về đây hơn năm cùng hai cán bộ và ba phạm nhân cải tạo tốt (trước đây là giáo viên) để nuôi dạy trẻ. Các cô giáo ở lại ngay tại lớp cùng trẻ. “Lúc đầu biết vài cháu có HIV, rất sợ nhưng nghĩ như em, cháu nên cũng quên đi. Khó khăn nhất là phải dạy các cháu nhiều lứa tuổi khác nhau” - cô giáo Nguyễn Thị Hường tâm sự.
Tuy vậy, mỗi khi có những đứa trẻ học tốt là các cô rất mừng, như bé Ớt, 6 tuổi. Hôm ấy, Ớt ngồi xem chương trình Vườn cổ tích trên tivi, buồn buồn: “Ở đây cô giáo dạy cháu viết chữ, làm toán với cả múa hát, cháu hát được nhiều bài. Nhưng cháu rất muốn về nhà, được đi chơi công viên như các bạn trong tivi...”.
Nhìn mấy đứa trẻ học trò bé nhỏ đang vô tư nô đùa, cô giáo Hường rơm rớm: “Mong đây chỉ là điểm tạm. Mong sẽ có nhiều tổ chức hảo tâm nhận nuôi các cháu, đưa các cháu trở về với cuộc sống bên ngoài như những trẻ bình thường khác. Tội nghiệp mấy đứa trẻ kháu khỉnh thế này có tội gì mà phải chịu sống trong không gian nặng nề này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận