15/07/2015 14:40 GMT+7

Lớp chọn trong trường THPT: Nên hay không ?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Những năm gần đây, nhiều trường THPT ở TP.HCM đã tổ chức những lớp chọn ngay từ khi học sinh mới bước vào lớp 10, và bước đầu đã đạt được một số thành quả nhất định.

Phụ huynh, học sinh nộp đơn trúng tuyển lớp 10 vào Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM  Ảnh: NHƯ HÙNG
Phụ huynh, học sinh nộp đơn trúng tuyển lớp 10 vào Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh mô hình này.

Sáng 13-7, ngày đầu tiên các trường THPT ở TP.HCM nhận hồ sơ nhập học lớp 10.

Tại Trường THPT Phú Nhuận, rất nhiều phụ huynh đắn đo trước bảng thông báo về việc chọn học sinh vào lớp 10 trọng điểm năm học 2015 - 2016.

Theo thông báo trên, trong số 18 lớp 10, nhà trường sẽ xếp 9 lớp 10 trọng điểm như sau: 3 lớp nâng cao toán - lý - hóa (khối A), 3 lớp nâng cao toán - lý - Anh (khối A1), 2 lớp nâng cao toán - văn - Anh (khối D) và 1 lớp tăng cường tiếng Anh dành cho học sinh có học tăng cường tiếng Anh ở bậc THCS hoặc có bằng B, C, IELTS...

Trong nội dung học của lớp nâng cao, ngoài chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh sẽ học thêm các nội dung nâng cao của những môn nâng cao. Các tiết học này nhằm rèn luyện thêm kiến thức cho học sinh trong suốt ba năm THPT, đủ trình độ để học sinh thi đại học đạt kết quả tốt.

Lớp chọn có kiểm tra đầu vào

Các phụ huynh đứng lại bàn tán xôn xao ngay trước bảng thông báo của Trường THPT Phú Nhuận: “Bây giờ nó thích khối A, lỡ đến năm lớp 12 nó chuyển hướng sang khối A1 thì sao?”, “Học lớp trọng điểm chắc chắn chương trình nặng hơn các lớp khác rồi”, “Thì lớp này dành cho học sinh giỏi mà. Đâu phải học sinh nào cũng được học, phải thi đấy!”...

Theo bà Đặng Thị Yến, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận: “Để chọn học sinh vào lớp trọng điểm, nhà trường sẽ xét trên ba yếu tố: tổng điểm tuyển sinh vào lớp 10, điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Anh (đối với lớp tăng cường tiếng Anh) hoặc môn toán (đối với lớp trọng điểm còn lại); ngoài ra thí sinh sẽ làm bài kiểm tra đầu vào môn toán hoặc môn tiếng Anh (do nhà trường ra đề).

Hằng năm, những lớp trọng điểm sẽ có sự linh động: em nào theo không kịp chương trình thì chuyển ra lớp thường và ngược lại, hoặc cũng có thể chuyển lớp trọng điểm từ khối này qua khối khác...

Nói như thế không có nghĩa những em không học lớp trọng điểm thì không được học theo khối thi. Ví dụ lớp thường khối A thì các em cũng sẽ học thêm một số tiết môn toán, lý, hóa (ngoài những tiết theo chương trình của Bộ GD-ĐT) nhưng không phải nâng cao mà là ôn luyện thêm”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở những trường THPT có điểm chuẩn cao, thì ngoài việc xếp lớp 10 có định hướng thi vào đại học, các trường đều có lớp chọn để tạo nguồn học sinh giỏi.

Như ở Trường THPT Bùi Thị Xuân - một trong bốn trường có điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 cao nhất TP.HCM năm nay - cũng tổ chức năm lớp chọn theo các khối xét tuyển vào trường đại học.

Ông Nguyễn Hùng Khương, phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, thông tin: “Với mục tiêu tạo nguồn học sinh để tham gia kỳ thi học sinh giỏi và nghiên cứu khoa học, bên cạnh yếu tố xét học bạ THCS và điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh muốn vào lớp chọn cũng phải trải qua kỳ kiểm tra đầu năm lớp 10 theo đề của trường.

Do đặc thù đầu vào Trường THPT Bùi Thị Xuân đều là những học sinh giỏi, nên các em không có nguyện vọng học lớp chọn cũng sẽ được xếp lớp và học những tiết tự chọn nâng cao theo định hướng của kỳ thi THPT quốc gia.

Nhà trường sẽ xếp lớp theo dạng tích hợp các môn như: lớp toán, lý, hóa, sinh (khối A và B), lớp toán, lý, văn, ngoại ngữ (khối A1 và D), lớp toán, hóa, văn, tiếng Anh (A2 và D). Đây là công tác chuẩn bị để nếu sau này Bộ GD-ĐT quyết định cho thi theo bài thi (tích hợp nhiều môn trong một bài thi) chứ không phải môn thi thì học sinh cũng không bất ngờ” - ông Khương cho biết.

Và... không kiểm tra đầu vào

Ông Hà Hữu Thạch, hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM, chia sẻ: “Trường chúng tôi sẽ xếp một số lớp mũi nhọn, có định hướng cho các em ngay từ lớp 10 về việc thi đại học. Những lớp mũi nhọn này không phải tập trung tất cả học sinh giỏi mà là những em có khả năng học, thi vào đại học. Các em vẫn học chương trình của Bộ GD-ĐT như bình thường, nhưng có nâng cao một số môn theo khối thi đại học A, D, A1... Vì vậy có em điểm thi lớp 10 không cao, nhưng khi xem học bạ quá trình học tập ở bậc THCS, nếu em có điểm toán, lý, hóa cao thì nhà trường sẽ tư vấn cho em vào học lớp mũi nhọn khối A. Chúng tôi không tổ chức kiểm tra đầu vào, mà chỉ xét tuyển học sinh lớp mũi nhọn dựa trên nguyện vọng của phụ huynh, điểm thi tuyển sinh lớp 10 và học bạ lớp 9 của học sinh”.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Trãi cũng không tổ chức kiểm tra đầu vào đối với các lớp nâng cao.

“Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã đánh giá khá chính xác rồi. Chúng tôi chỉ xét tuyển, nhưng lớp nâng cao sẽ có sự ra, vào (học sinh không đủ năng lực sẽ ra học lớp thường, học sinh có nhiều tiến bộ vượt bậc ở lớp thường sẽ vào học lớp nâng cao) sau mỗi năm học” - ông Trần Phước Đức, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, khẳng định.

Câu hỏi đặt ra ở đây là việc tổ chức lớp chọn (có trường gọi là lớp trọng điểm, lớp nâng cao, lớp mũi nhọn...) có hiệu quả như thế nào? Hầu hết các trường THPT đều khẳng định: hiệu quả giáo dục cao vì các em được định hướng rõ ràng, lớp học có sự phân hóa theo trình độ rõ ràng nên giáo viên cũng dễ soạn giáo án, dễ truyền đạt kiến thức, đặc biệt là tỉ lệ học sinh giỏi các cấp, cuối năm lớp 12 đậu vào đại học nâng lên hẳn so với thời chưa có lớp chọn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn: việc xếp lớp chọn có tạo ra tình trạng học hành chán nản ở những lớp thường hay không (vì đa số học sinh ở các lớp này đều không giỏi, học sinh không có ý chí phấn đấu và cũng không có điển hình học tập để phấn đấu theo)?

Tổ chức lớp trọng điểm rất hiệu quả

“Điểm chuẩn vào lớp 10 ở Trường THPT Phú Nhuận luôn ở mức cao, chứng tỏ những học sinh đậu vào lớp 10 Trường Phú Nhuận đa số là học sinh khá, giỏi.

Trong số những học sinh khá, giỏi ấy chúng tôi tổ chức một số lớp trọng điểm với mục tiêu: học sinh của lớp trọng điểm đóng vai trò là hạt nhân của các kỳ thi học sinh giỏi Olympic 30-4, kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia. Những em học lớp thường cũng không phải là dở.

Có nhiều em rất giỏi nhưng không thích học lớp trọng điểm. Trên thực tế, như năm học 2013 - 2014 trường tôi có 100% học sinh đậu học ngay từ nguyện vọng 1. Kết quả như vậy cho thấy: việc tổ chức lớp trọng điểm và lớp thường theo hướng “thiếu gì rèn nấy” là hiệu quả. Việc xếp lớp trọng điểm đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm nay và mang lại hiệu quả tốt, phụ huynh đồng tình, ủng hộ”.

Bà ĐẶNG THỊ YẾN 
(hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận)

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên