12/07/2017 11:21 GMT+7

Lớp 40 học sinh, có 36 giỏi, xuất sắc!

HỒNG LAM SƠN
HỒNG LAM SƠN

TTO - Nghe anh kể lại “thành tích” trên của lớp con đang học mà tôi cứ buồn cười. Con mình học giỏi, lại là xuất sắc nữa thì phải mừng lắm chứ. Nhưng anh lại nói cảm thấy buồn, không vui lắm, vì con đạt loại giỏi cuối năm lớp 2 này!

Tranh: NOP

“Lúc đầu, nghe cháu về báo lại, khoe bảng điểm, tôi khá ngạc nhiên và rất mừng vì sự tiến bộ của con, nên quyết định sẽ đi dự lễ tổng kết cuối năm theo thư mời của cô chủ nhiệm” - anh kể. Bước vào lớp anh đã thấy đông đảo phụ huynh ngồi kín chỗ. Trong lúc chờ đợi, anh hỏi thăm mấy người ngồi xung quanh việc học hành của các cháu thì biết được cháu nào cũng giỏi, cũng xuất sắc...

Cả lớp có 40 cháu, thì có tới 36 cháu giỏi, xuất sắc; chỉ còn lại 4 cháu đạt tiên tiến. Cả trường tìm không ra một học sinh xếp loại trung bình. Có lớp giỏi, xuất sắc 100%. Chỉ riêng phần đọc tên lên nhận thưởng phải có ba, bốn thầy cô thay nhau đọc vì danh sách dài quá!

Theo anh, qua một buổi dự tổng kết cuối năm của trường con học đã thấy cái “bệnh thành tích” của trường lớp sao mà quá nặng. Không phải như ngày xưa, một lớp 50 học sinh thì may ra chỉ có vài ba người đạt loại giỏi; mươi người khá, và còn lại là trung bình; thậm chí có bạn còn phải ở lại lớp vì thiếu điểm. Học sinh bây giờ hầu như không bị lưu ban, cuối năm cứ lùa lên lớp hết.

Thằng con anh thì anh rõ như lòng bàn tay. Nó có thuộc loại giỏi giang gì đâu! Theo đánh giá sát thực của anh, cháu chỉ thuộc loại khá thôi, nhưng chắc trong trường “chiếu cố” gì đó, hay do “lập thành tích” chào mừng xyz nên cháu được xếp loại “xuất sắc”.

Kết quả này anh không vui là phải, vì không đúng lực học của con mình. Hơn nữa, cả lớp gần như giỏi, xuất sắc hết thì đâu còn động lực cho học sinh phấn đấu, vì ai cũng... hoàn hảo rồi. Nếu thật sự học sinh của chúng ta “giỏi” như vậy thì tại sao càng lên lớp trên, cấp học trên thì không phát huy được, mà tỉ lệ giỏi cứ hao hụt dần?

Phải chăng chúng ta cần xem xét lại, bỏ việc quy định các loại “chỉ tiêu” - phải đạt bao nhiêu phần trăm giỏi, xuất sắc; bao nhiêu phần trăm khá, và không để học sinh ở lại lớp! Từ “chỉ tiêu” này lại liên quan tới việc xét thi đua cuối năm của giáo viên: ai không đạt được chỉ tiêu đưa ra từ đầu năm học thì không được bình chọn các danh hiệu thi đua...

Đừng để phụ huynh phải buồn và suy tư đủ chuyện, khi con em của họ đạt loại giỏi, xuất sắc như câu chuyện trên đây.

HỒNG LAM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên