![]() |
Hàng đầu từ phải sang: các bị cáo Cao Duy Chính, Dương Quốc Hà, Nguyễn Quang Thường, Trần Ngọc Giao. Hàng sau: bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Ngọc Long - Ảnh: H.V. |
1. Cao Duy Chính năm nay 44 tuổi. Bị cáo có khuôn mặt hiền lành với chiếc kính cận này nguyên là giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ cơ khí hàng hải thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC).
Tốt nghiệp ĐH Hàng hải Hải Phòng năm 1983, Chính chọn làm thầy giáo tại ĐH Hàng hải. Sau ba năm gắn bó với bục giảng, ông chuyển vào TP.HCM làm nhân viên Xí nghiệp Liên hiệp cơ khí giao thông vận tải 2 (Thủ Đức).
Thế rồi Chính quyết định bỏ việc để đi học về quản trị kinh doanh. Năm 1993, Chính “đầu quân” về PTSC với nhiệm vụ trưởng kho ngoại quan, rồi lên chức giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ cơ khí hàng hải.
“Lúc đó, có công ty nước ngoài từng mời tôi về làm việc với mức lương hấp dẫn 5.000 USD/ tháng và chỗ ở là một biệt thự khang trang tại Vũng Tàu. Nhưng tôi đã chọn về làm việc ở công ty nhà nước, tôi muốn đưa PTSC lên ngang tầm với những công ty lớn trên thế giới” - bị cáo Chính bộc bạch trước hội đồng xét xử như thế.
![]() |
Bị cáo Dương Quốc Hà: "Tôi đã đấu tranh rất dữ trước khi nhận tiền, nhưng tôi đã không vượt qua nổi lòng tham” - Ảnh: Sơn Định |
Mặc dù quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy chỉ có bộ ba (Trần Quang - nguyên xưởng trưởng xưởng điện lạnh thuộc PTSC, Nguyễn Quang Thường và Dương Quốc Hà - nguyên phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô) nằm trong kế hoạch được chia tiền, còn Chính không có tên trong danh sách, nhưng là tổ trưởng của cả hai công đoạn quan trọng trong một dự án nên ông không thể không biết thủ đoạn rút tiền nhà nước của các sếp.
Vì thế, Chính đã rơm rớm nước mắt khi nói trước tòa: “Tội của tôi là đã nhận tiền. Đó là lòng tham của con người mà tôi đã không vượt qua được!”.
Trước tòa, mọi người chứng kiến một Cao Duy Chính sắc sảo trong lập luận về nghiệp vụ chuyên môn, thậm chí bị cáo dùng cả tiếng Anh một cách trôi chảy để giải nghĩa từ chuyên môn, nhưng đồng thời cũng dám thừa nhận việc nhận tiền. Có những tiếng thở dài tiếc nuối của không ít cán bộ nhân viên ngành dầu khí đến theo dõi phiên xử.
2. Những giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông đã bước sang tuổi 60, cố nén nhưng rồi nấc lên thành tiếng giữa phiên tòa đã khiến những ai có mặt không khỏi chạnh lòng. Đó là bị cáo Dương Quốc Hà, người từng thét ra lửa trong vai trò phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô (VSP).
Năm 1968, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, như nhiều trí thức trẻ lúc đó, Dương Quốc Hà lên đường đi bộ đội. “Chúng tôi là những người lính đi tiên phong trong việc mở những đường ống dầu khí đầu tiên phục vụ tiền tuyến” - bị cáo Hà kể và không giấu vẻ tự hào. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển ngành ra công tác tại Tổng cục Dầu khí.
Đến năm 1980, ông được Nhà nước cử đi học quản lý kinh tế tại Liên Xô, về nước được cất nhắc đơn vị dự thầu. Khi hay tin PTSC bỏ giá thầu 15,5 triệu USD, ông đã bắn tin: cứ bỏ 17,2 triệu USD vẫn trúng thầu! Kết quả của việc đi đêm giữa chủ đầu tư và nhà thầu là 1,4 triệu USD vốn xây dựng cơ bản của Nhà nước đã được rút ra chia nhau.
Trong đó, ông được chia 430.000 USD. “Đây là tiền bất hợp pháp, lẽ ra phải nộp lại Nhà nước ngay trước khi vụ án bị phát hiện, nhưng tôi đã không đủ dũng khí để làm việc này. Tôi đã đấu tranh tư tưởng rất dữ trước khi nhận tiền, nhưng cuối cùng tôi đã không vượt qua nổi lòng tham” - bị cáo Hà nói trong nước mắt. Nhưng tất cả đã quá muộn màng…
![]() |
Bị cáo Nguyễn Quang Thường: “Bây giờ đứng đây, bị cáo cảm thấy ân hận và xấu hổ...” |
Bị cáo khai rằng khi còn làm giám đốc PTSC đã không nhận thức được việc bán thầu là sai, ngay cả việc nhận 400.000 USD từ việc nâng giá bỏ thầu nhưng “cứ nghĩ là tiền lợi nhuận” của dự án.
“Bây giờ đứng đây, bị cáo cảm thấy ân hận và xấu hổ vì đã không làm hết trách nhiệm của một cán bộ nhà nước đối với sự tin tưởng mà Đảng và nhân dân giao phó” - Thường giãi bày và lần đầu tiên trong suốt 10 ngày xét xử, người ta thấy bị cáo bật khóc khi nói những lời sau cùng này.
Bỗng nghe văng vẳng lời luận tội của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố: “Xét thấy bị cáo được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là liệt sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp, mẹ cũng có công trong việc nuôi giấu cán bộ cách mạng, bản thân bị cáo cũng từng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, Huy chương Vì sự nghiệp dầu khí… nên đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo”.
Ở hàng ghế bên dưới, vợ và con của bị cáo không cầm được nước mắt…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận