Đối với các cơ sở chuẩn bị thành lập, sẽ lồng ghép điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone với điều trị ARV ngay từ đầu.
Đây là phương pháp giúp bệnh nhân thuận tiện trong việc tiếp cận các dịch vụ khác nhau tại cùng một địa điểm, nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên, tiết kiệm được chi phí hoạt động và nhân sự.
Chủ trương lồng ghép sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, đồng thời giảm lây truyền từ nhóm tiêm chích ra cộng đồng, tăng độ che phủ của dịch vụ điều trị HIV và điều trị lạm dụng nghiện chất.
Trong công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay đang đặt ra mục tiêu “90-90-90”, mục tiêu này có nghĩa: trong số người nhiễm HIV thì 90% phải biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% phải được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV); 90% phải được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp.
Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay nước ta có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10% so với năm 2016. Số liệu thống kê cho thấy, toàn quốc đã có 244 cơ sở điều trị cai nghiện có lồng ghép điều trị ARV với điều trị Methadone.
Tính đến ngày 15/3/2017, có 51.318 bệnh nhân được điều trị Methadone tại 280 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Trước đây, nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động thường xuyên của chương trình là từ các nhà tài trợ quốc tế (dịch vụ điều trị Methadone miễn phí).
Từ năm 2011, chương trình điều trị Methadone xã hội hóa đầu tiên được thực hiện tại Hải Phòng, mức thu 8.000 đồng/ngày. Từ năm 2012, Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nguồn tài trợ bị cắt giảm dần nên cần thiết phải chuyển đổi mô hình từ dịch vụ miễn phí sang xã hội hóa.
Tuy nhiên, vấn đề thách thức hiện nay là người nghiện ma túy bỏ điều trị Methadone ngày càng cao. Lý do là bệnh nhân không kiên trì, bị bạn bè lôi kéo, tái sử dụng heroin, tác dụng phụ của thuốc Methadone/ARV và trốn nợ.
Ngoài ra, việc thu phí cũng khiến người bệnh bỏ điều trị. Theo các nhân viên y tế, điều dưỡng chia sẻ, khi bắt đầu thu phí, nhiều bệnh nhân thay đổi thái độ với nhân viên y tế: dễ bị kích động, có thái độ tiêu cực (xúc phạm, thậm chí đe dọa).
Theo các chuyên gia, ngoài điều trị bằng thuốc thay thế Methadone, người nghiện ma túy cũng cần được điều trị bằng tham vấn tâm lý. Cần giúp họ hiểu sâu hơn về ma túy, cơ chế của nghiện ma túy, tác hại của ma túy... từ đó, học được kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống, đối phó với việc sử dụng ma túy, thay đổi lối sống, hành vi và suy nghĩ không tích cực. Việc tham vấn cũng giúp người nghiện xóa bỏ mặc cảm, tự ti và tự kỳ thị để hòa nhập với xã hội, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận