09/07/2013 09:25 GMT+7

Long đong phận xiếc Làng tôi

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Chu du thiên hạ suốt ba năm với trên 300 suất diễn được tán thưởng nơi xứ người, cuối năm 2012 hết hợp đồng, vở xiếc Làng tôi (Tuổi Trẻ ngày 5-8-2012) trở về Việt Nam.

Những tưởng khi về với quê nhà đất diễn sẽ rộng thênh thang. Nhưng, mọi chuyện không phải dễ...

Làng tôi và câu chuyện thực trạng xiếc Việt Nam

WVOFpZDi.jpgPhóng to
Đổ mồ hôi trên sàn tập nhưng vẫn thắc thỏm không biết đời sống tương lai của Làng tôi trên chính quê hương sẽ ra sao? - Ảnh: Đức Triết

Hơn 15g ngày 5-7, 17 diễn viên của êkip làm vở xiếc Làng tôi say mê trong buổi diễn chuẩn bị cho “chuyển giao công nghệ”. Niềm vui bừng sáng trên gương mặt mỗi nghệ sĩ khi được luyện tập trở lại sau gần một năm chờ đợi.

Lan Hương - nữ diễn viên vào vai “phù thủy” đu dây trên cao - vừa sinh con được bảy tháng, hay tin tập lại Làng tôi đã vội vã nhập cuộc.

“Năm 2009, chỉ cách ngày biểu diễn một tháng, em bị ngã gãy tay, vỡ hàm trong lúc luyện tập. Không thể biểu diễn, em khóc suốt sau cánh gà. Vở xiếc này lạ lắm, nó kích thích tất cả nghệ sĩ sáng tạo trên khả năng cơ bản của mình. Sáu tháng sau tay em mới ổn, em xin trở lại sàn tập, may là vẫn đảm nhận được vai diễn” - Lan Hương kể.

Sau hơn 60 phút chạy sân khấu, đạo diễn âm thanh Nguyễn Nhất Lý ngồi rút kinh nghiệm với các nghệ sĩ. Bao sôi nổi, hào hứng và cả niềm đam mê của diễn viên từ mấy phút trước bỗng tan biến... Thay vào đó là nỗi ưu tư: “Chúng tôi mong mỏi được biểu diễn phục vụ khán giả Việt Nam. Vậy đến khi nào?”.

Thắc thỏm: diễn hay không?

"Nghệ sĩ muốn được diễn để họ sống và Làng tôi được sống"

Đạo diễn Nhất Lý

Đạo diễn Nhất Lý chỉ rút kinh nghiệm cho việc tới đây sẽ bàn giao lại âm thanh, ánh sáng và cả vai trò đạo diễn của mình như thế nào cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Còn người đại diện Liên đoàn Xiếc có mặt trong buổi tập cũng chỉ biết giải thích tình hình kinh tế đang khó khăn rồi động viên anh em cứ cố gắng. Một nghệ sĩ khác thì ví von: Đi buôn thì phải có vốn. Nghệ sĩ cũng vậy, tập để lấy vốn liếng nhỡ khi nào bất ngờ có đoàn mời diễn... Còn câu hỏi của nghệ sĩ: “Diễn hay không?” rơi tõm vào im lặng!

“Đã đến lúc chúng tôi phải bàn giao. Chúng tôi không thể lo được nữa!” - đạo diễn Nguyễn Nhất Lý nói trong luyến tiếc. Có thể nói, cái điều “lo” của êkip làm Làng tôi không nhỏ vì họ muốn sao cho vở được diễn hằng ngày, hằng tuần ngay chính quê hương. Nghệ sĩ sống được bằng vở diễn như ba năm qua chứ không phải chỉ đợi khi đến dịp ngoại giao, kỷ niệm này nọ mới đem ra. Nhưng...

Thật ra, trước khi kết thúc hợp đồng biểu diễn với một nhà kinh doanh nghệ thuật người Pháp, từ giữa năm 2012 êkip dựng vở xiếc Làng tôi là anh em nghệ sĩ Nguyễn Lân - Nguyễn Nhất Lý (Pháp) cùng nghệ sĩ Tuấn Lê (Đức) đã vội vã đi tìm “đời sống mới” cho “đứa con tinh thần” của mình.

Ba người đã rất đỗi mừng rỡ vì ngay sau chuyến Làng tôi từ Pháp trở về, tháng 8-2012 doanh nhân “chịu chơi” nghệ thuật với những thương hiệu như Luala Concert, Soi.com.vn - Đỗ Ngọc Minh đã đồng ý “tiếp sức”.

Chẳng thế mà tối 10-8-2012, Đỗ Ngọc Minh đã đầu tư đến vài trăm triệu đồng cho một đêm để Làng tôi lần đầu ra mắt với quan chức, báo giới, văn nghệ sĩ... cùng lời hẹn: sẽ bắt đầu “đời sống mới” cho Làng tôi ngay ở Việt Nam vào tháng 4-2013.

Ngoài Đỗ Ngọc Minh, êkip dựng Làng tôi còn nhận được nhã ý của một nhà đầu tư tại TP.HCM muốn mời Làng tôi Nam tiến.

Nhưng hẹn là hẹn vậy. Bây giờ đã đến tháng 7, Làng tôi vẫn...lặng im. Các nhà đầu tư chỉ biết cười trừ khi được hỏi đến chuyện này. Tất cả được “túm lại”: Khó lắm vì chưa có địa điểm biểu diễn cố định, khi nào có sô sẽ báo. Và cái khi nào kia giống như sợi tơ vương vào lòng nghệ sĩ. Nghệ sĩ cứ mòn mỏi còn tơ cứ kéo dài ra, không biết đến ngày nào, tháng nào, năm nào...

Long đong vẫn phận long đong

Trong câu chuyện về tương lai của Làng tôi không có tiếng thở dài nhưng sao nghe cứ nặng trĩu. Ông Nhất Lý bảo: cả tuần này ông và hơn 20 nghệ sĩ, nhạc công luyện tập. “Mồ hôi, công sức đổ trên sàn tập mà không biết tương lai sẽ ra sao? Và quan trọng là “ai cũng phải ăn để sống. Nếu cứ làm “chay” mãi sống làm sao được. Tôi nghe diễn viên hỏi mà thương họ quá. Nghệ sĩ muốn được diễn để họ sống và Làng tôi được sống. Nhưng tiếc là khát vọng được diễn của nghệ sĩ đang va đập với thực tế cuộc sống” - ông Nhất Lý nói thế nhưng vẫn nhắn nhủ - Đi đâu tôi cũng quảng bá về Làng tôi. Biết đâu một năm, hai năm nữa hoặc lúc nào đó gặp đối tác, tôi sẽ trở lại làm việc với các bạn...”.

Vậy đấy, phận xiếc Làng tôi long đong ở quê hương từ buổi đầu (diễn sáu buổi ở Hà Nội năm 2005 rồi “cất kho” suốt bốn năm). May thay năm 2009 Làng tôi gặp cơ hội rẽ lối ra trời Tây, hòng tạo danh tiếng để “tiếng lành đồn về Việt Nam, gây tò mò cho khán giả nước nhà”- như cách nói của ông Nhất Lý. Nhưng đến giờ Làng tôi long đong vẫn hoàn long đong...

Khó đến mấy vẫn phải làm!

Người “mặn mà” với vở xiếc Làng tôi từ buổi đầu gian nan - NSND Vũ Ngoạn Hợp, giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, lần này lại quyết tâm: “Khó đến mấy vẫn phải làm”. Ông cho biết đầu tháng 8-2013, Làng tôi sẽ có hai đêm biểu diễn ở Trung tâm văn hóa nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) để chính thức “chuyển giao công nghệ” từ âm thanh, ánh sáng, đạo diễn của êkip cũ cho Liên đoàn Xiếc. Sau đó liên đoàn có thể tính đến việc ký hợp đồng biểu diễn định kỳ theo tuần tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Âu Cơ.

“Không có địa điểm biểu diễn đã là khó khăn lớn. Khó khăn lớn hơn là kinh phí mỗi đêm diễn. Nếu chỉ một mình Liên đoàn Xiếc gánh thì may chăng lo được vài ba buổi là hết... vốn. Vì thế chúng tôi đang nỗ lực tìm đối tác, có thể là những nhà đầu tư trực tiếp, có thể là sự phối hợp với Tổng cục Du lịch để các tour đưa khách du lịch đến. Đến thời điểm này đối tác đầu tư chưa tìm được, còn hợp đồng với các công ty lữ hành vẫn đang trên giấy tờ... Thôi thì vừa làm vừa... nghiên cứu, thể nào cũng ra!” - NSND Vũ Ngoạn Hợp nói.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên