12/04/2022 12:48 GMT+7

Lọn măng rừng kiên cường nuôi giấc mơ thành tài

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Bức thư tay Linh viết về một túp lều bốn bề lộng gió, một người mẹ điên khuôn mặt đờ đẫn ngồi cắt quả bắp chuối cùng cậu con trai duy nhất.

Lọn măng rừng kiên cường nuôi giấc mơ thành tài - Ảnh 1.

Linh (bên phải) được nhận vào làm nhân viên bán thời gian tại chuỗi siêu thị Beanmart Đà Nẵng để có chi phí trang trải sinh hoạt hằng ngày - Ảnh: LINH TRANG

Gian nhà ấy tối om, mọi thứ đều nhàu cũ làm nền cho những hàng giấy khen được đóng thành hàng dài trên cây xà ngang bằng gỗ.

"Em tên là Hoàng Văn Linh, sinh năm 2003, hiện tại là sinh viên năm 1 ngành công tác xã hội Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Em sống cùng mẹ trong căn nhà dột nát, tuổi nhà lớn hơn tuổi đời của em tại thôn 2 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Bố mất từ ngày em còn bé, mẹ em bị thần kinh và nhiều chứng bệnh hành hạ, tâm tính không bình thường. Lâu nay em sống nhờ người họ hàng bên ngoại, nhưng mới đây người này cũng qua đời" - đó là một đoạn của bức thư gửi cho phóng viên Tuổi Trẻ.

Hái măng rừng luộc bán

Từ nhỏ, Linh đã sống cơ cực. Cậu học trò không cha này sống cùng mẹ rồi hằng ngày đến trường bằng một công việc rất đỗi may rủi: đi hái măng rừng. "Nhà mình nằm ở vùng núi cao của huyện Tuyên Hóa, ruộng vườn không có, mẹ lại bị chứng bệnh thần kinh nên không thể suy tính làm ăn. Để có nguồn sống, từ nhỏ đến lớp 12 em một buổi đi học, buổi còn lại cầm giỏ tre theo mẹ vào rừng đi hái măng về luộc rồi bán cho người ta. 

Vào mùa mưa, măng mọc như chông đầy bìa rừng thì hai mẹ con có thu nhập đủ đong gạo, tới mùa khô cả rừng khô khốc thì cuộc sống vô cùng túng thiếu. Nhiều lúc hũ gạo trong nhà trống rỗng, bà con hàng xóm thương đem cho hai mẹ con ăn tạm qua ngày" - Linh kể. Bạn cho biết do đi hái măng quá nhiều nên bàn tay người mẹ của Linh giờ đã thối rữa, hư hỏng toàn bộ phần móng tay, chỉ còn lại phần thịt bọc ngoài xương.

Lớn lên trong cảnh nghèo khổ tới cùng cực, Linh nói rằng từ bé đã nuôi chí học hành. Không người chỉ vẽ, không ai định hướng và mách bảo cậu phải làm gì. Vốn liếng duy nhất mà chàng trai nghèo này tự tạo được chính là hoàn cảnh khốn khó của chính mình. 

"Mình nghĩ rằng nếu không đi học thì mình cũng chẳng biết làm gì. Lựa chọn dễ nhất là đi làm công nhân, làm phụ hồ rồi về lấy vợ, lập gia đình. Nhưng mắt của mình bị cận nặng, có đi làm cũng rất khó có ai dám cho nhận việc. Hơn nữa từ bỏ việc học hành thì mọi thứ cũng sẽ quay lại sự luẩn quẩn trong túng thiếu, nghèo đói và không có nhiều kiến thức để thay đổi chính cuộc đời của mình" - Linh nói.

Được tiếp sức từ tình yêu thương

Làm sao một cậu bé không cha, mẹ bị tâm thần, sống không nơi nương dựa lại có thể tự học, tự kiếm sống rồi tự tìm đường vào đại học? Linh bảo rằng lúc bạn học gần hết lớp 12 có quen một người đã chỉ vẽ, hỗ trợ Linh thi tốt nghiệp cấp III rồi đăng ký xét tuyển vào ngành công tác xã hội Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

"Người đàn ông đã giúp mình cũng chẳng khá giả gì. Anh ấy từ trong vùng quê ra thành phố thuê trọ, hằng ngày đi bán chân gà nướng để kiếm sống. Lúc anh ấy cho mình về ở cùng, mình thật sự rất lo sợ nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. Rồi mọi thứ quen dần, mình đi học hằng ngày rồi về lúc nào rảnh thì phụ anh bán hàng. Ảnh bảo mình ưu tiên cho việc học hành, lúc nào cảm thấy rảnh rỗi thì mới phụ anh chứ không ép buộc gì" - Linh kể.

TS Lê Thị Lâm - giảng viên khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chủ nhiệm lớp đại học của Linh - cho biết khi biết câu chuyện đến trường trong nghịch cảnh của Hoàng Văn Linh, bà đã tìm đến một người bạn thân sống tại Đà Nẵng để gửi gắm. Người này trực tiếp liên hệ với bạn bè để giúp đỡ. Nhiều nhà hảo tâm quyết định tiếp sức cho Linh có cơ hội tiếp tục đến trường. 

Ông Dương Thái Sơn, giám đốc Công ty Nam Long (Bình Dương) - một nhà hảo tâm đang nhận nuôi hàng chục sinh viên nghèo trên cả nước, đã quyết định hỗ trợ Linh toàn bộ học phí cho tới lúc Linh ra trường.

 Luật sư Lê Xuân Hậu (TP.HCM) cũng vận động người bạn của mình gửi tặng Linh suất học bổng trị giá 5,5 triệu đồng. Ông Đặng Hoàng Vũ - giám đốc chuỗi siêu thị Beanmart Đà Nẵng - nhận Linh vào làm việc mà không yêu cầu thời gian cố định, rảnh lúc nào thì tới làm lúc đó, để Linh có thu nhập trang trải hằng ngày.

"Măng rừng" lên giảng đường

TS Lê Thị Lâm nói câu chuyện của Linh sẽ không ai biết được nếu Linh không bỏ học quá lâu để về lo tang cho người thân. "Trong tháng 2, Linh vắng học hơn 2 tuần, tôi gọi điện hỏi thì em nói rằng phải về quê đưa tang cho người thân, nhưng khi vào không có đủ tiền xe nên ở nhà đi hái măng đợi lúc góp đủ tiền thì mới vào" - TS Lâm kể.

Bạn bảo rằng vì nhà dột nát, hai mẹ con sinh hoạt dưới một cái bóng đèn duy nhất nên không đủ sáng khiến đôi mắt của Linh bị cận từ nhỏ, tới nay cận thị tới trên 8 độ.

Nhưng chuyện buồn không dừng ở đây. Hôm về quê lo tang, căn nhà tồi tàn nằm sâu trong khe núi được ông bà ngoại để lại cho hai mẹ con ở cũng bị người thân kiện tụng, đòi đưa ra tòa để chia chác...

‘Tay ngang’ 9X làm nền tảng tổ chức triển lãm, hội chợ thực tế ảo ‘Tay ngang’ 9X làm nền tảng tổ chức triển lãm, hội chợ thực tế ảo

TTO - Vốn là tay ngang từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, Trịnh Công Quang (30 tuổi, CEO Công ty VR360) bất ngờ rẽ hướng quyết định theo đuổi đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên