08/04/2022 09:37 GMT+7

Đường và những đường thêu ruy băng

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Hồi đi học nó còn không biết thêu tên lên phù hiệu, xỏ cọng chỉ vào cây kim không biết làm, vậy mà giờ có tên trong giới thêu ruy băng.

Đường và những đường thêu ruy  băng - Ảnh 1.

Trần Đường và một trong những mẫu áo thun thêu ruy băng tứ quân tử đang nhận làm cho một thương hiệu thời trang - Ảnh: Q.L

Bà mẹ nói về con gái có cái tên được nội đặt cho khá dài - Trần Cao Kim Khánh Ngọc Đường - từ không biết xỏ chỉ đến hình thành "thương hiệu" thêu ruy băng Trần Đường cho riêng mình như thế.

Rẽ duyên của cô gái nội thất

Trần Đường tốt nghiệp đại học ngành thiết kế nội thất. Từng thất nghiệp, cũng từng đi thử việc được đúng... 1 tuần và nghỉ! Đường bảo nhận ra mình không thuộc về thế giới của văn phòng với ngày làm việc hành chính, ôm chiếc máy tính cặm cụi vẽ, cặm cụi chỉnh màu, cặm cụi sửa tới lui, rồi hết giờ lại đi về.

Từ bé, Đường hầu như chẳng có mấy người bạn. Nếu không đến trường thì tối ngày quanh quẩn trong nhà chơi cùng cô em gái và mấy con mèo. Không học thì đọc sách. Cô gái có cái tên ngọt ngào ấy mê đọc sách và vẫn giữ thói quen ấy đến nay, bận mấy thì đêm xuống cũng dành thời gian cho ít trang sách.

Đọc nhiều, Đường viết cũng nhiều và chủ yếu cho mình đọc. Thế rồi bỗng một ngày lục lại mớ chữ nghĩa đã viết, Trần Đường muốn xuất bản sách, đúng hơn là cuốn truyện, của mình. Theo chỉ dẫn của người bạn, Đường tìm đến Nhà xuất bản Trẻ. Khi ấy đang có cuộc thi Văn học tuổi 20, cô gái chỉ vì quá ao ước được xuất bản sách mà đồng ý gửi thi mớ truyện ngắn của mình. Năm đó, Đường có tác phẩm vào chung khảo và có giấy chứng nhận hẳn hoi.

Mà được xuất bản sách thật. Tập truyện gồm 11 truyện ngắn có tên Sống với cái tên tác giả - Đường, được Nhà xuất bản Trẻ in năm 2014. "Có nhân vật là thật từ những người xung quanh mình quan sát được, có nhân vật hư cấu. Mình viết mấy truyện đó trong khoảng 3 năm đại học, lúc học thiết kế nội thất, sau này tập truyện có tái bản thêm một lần nữa" - Đường kể.

Nhưng thêu ruy băng là câu chuyện khác nữa. Hồi mấy mẹ con đi Malaysia chơi, vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm, thấy người ta thêu tranh bằng ruy băng, nhìn mê mê. Về nhà, lục trong đống sách cũ, chợt nhớ có cuốn sách dạy thêu mẹ từng mua, toàn tiếng Hoa, nên cứ vậy nhìn hình mà học theo.

Lý do thêu ruy băng vì chỉ sợi mảnh quá, mỗi lần thêu xỏ kim nhức mắt, còn sợi ruy băng thì to, kim cũng to nên dễ xỏ hơn. Những tác phẩm đầu tiên thử nghiệm thêu trên áo của chính mình, thêu một hồi nhìn cũng được. Rồi có những đơn hàng đầu tiên, nhỏ thôi nhưng thấy mình được ung dung tự tại làm điều mình thích, không gò bó văn phòng như khi đi làm.

Đường và những đường thêu ruy  băng - Ảnh 2.

Chiếc áo đầm là một trong những thiết kế đồ án tốt nghiệp của sinh viên do Trần Đường hỗ trợ thêu ruy băng - Ảnh: Q.NG.

Sống được với nghề

Từ ruy băng với nhiều kích cỡ khác nhau, cô gái ấy mày mò thêu bằng cả tơ lụa. Những tấm lụa phẳng phiu mua về, Đường ủi nếp gấp và tạo li để có thể thêu hoa lan, hoa sen cùng nhiều loại hoa khác. Vừa làm vừa tìm tòi, cuối cùng cô cũng tìm ra loại màu và cách phối màu để khi tô lên các họa tiết vẫn giữ được màu sắc của hoa văn khi giặt ủi.

Chị Trịnh Thị Kiều Anh - học viên và giờ là thợ thêu của Đường - nói làm việc với Đường khá vất vả vì cô gái này sáng tạo, cá tính và đòi hỏi cao khi làm nghề. "Nhưng nhờ sự khó tính của Đường mà tay nghề của mình khá hơn, có thể thêu được nhiều hình phức tạp dù trước đó từng theo khóa học đàng hoàng mà làm không được" - chị Kiều Anh chia sẻ.

Đã thành quen, chỉ cần vẽ một hình tròn, Đường sẽ theo vòng tròn ấy để thêu thành hoa mai, hoa cúc hay bất cứ loại hoa nào mình muốn. Bởi đường nét và cách những cánh hoa đan xen nhau đã nằm sẵn trong đầu, nó theo từng mũi kim Đường xỏ xuống trên vải mà nên hình nên dạng.

Mẹ Đường - bà Cao Thị Kim Dự - bộc bạch: "Nhà này cô chỉ ép con ăn, ngủ và đi chơi chứ không ép học hay phải làm đúng nghề được đào tạo. Con làm gì cũng được, miễn đừng làm sai, con thấy vui là mẹ vui. Giờ mình cũng làm thợ cho con mà".

Mà hàng khách đặt làm luôn tay, có khi không kịp giao dù cả Đường và cả 7 người thợ cùng làm. Đường từng nhận thêu sản phẩm cho không ít nhà thiết kế tên tuổi, và họ thường đồng ý với ý tưởng của Đường. Chưa tính làm nhiều sản phẩm cho các nhà thiết kế đi thi, đồ án tốt nghiệp của sinh viên mà cái nào kết quả cũng ổn. 

"Nhiều lúc thấy mình có duyên khi đứng sau lưng người khác thì phải, hỗ trợ người ta thi này nọ và đều nhận tin vui. Mà kệ, việc làm không hết, thu nhập cũng ổn, có thêm mấy cái này cũng vui" - Đường cười.

Chọn lối đi riêng

Hỏi Trần Đường có "chơi" trong hội, nhóm nào chuyên thêu ruy băng không, cô gái không ngần ngại trả lời ngay là không! Đơn giản vì Đường thích tự khám phá, tự sáng tạo và làm việc theo cách của riêng mình.

Nhưng Đường có theo dõi một số trang của nước ngoài chuyên về thêu ruy băng, có tương tác qua các trang này cùng một vài nghệ nhân ở nước ngoài mà như Đường thừa nhận là học thêm được nhiều điều hay. Không ít sản phẩm sau khi hoàn thành, Đường đưa lên trang cá nhân và bị... "chôm" không ít, thậm chí có người "chôm" xong còn gắn tên tác giả vào ảnh là của họ.

"Mình có đến 3 trang cá nhân để đăng hình sản phẩm của mình. Trước kia, mỗi khi có tác phẩm bị ăn cắp thì mình còn vào báo cáo trang nọ trang kia, chứ giờ thôi kệ, mình chỉ lo sáng tác tác phẩm mới, lo làm hàng cho khách còn không kịp, giờ đâu để ý mấy việc đó" - Trần Đường bày tỏ.

Áo mưa, giấy báo, rèm vải... làm nên những bộ yukata đặc sắc Áo mưa, giấy báo, rèm vải... làm nên những bộ yukata đặc sắc

TTO - Xuất hiện trong những bộ trang phục yukata được làm nên từ những vật liệu tái chế ấn tượng, nhóm sinh viên đến từ khoa Nhật Bản học (ĐH Công nghệ TP.HCM) khiến người xem trầm trồ.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên