27/06/2017 10:24 GMT+7

Lời xin lỗi cũng hào phóng thật!

Đồ Bì
Đồ Bì

TTO - Ai phê bình rằng nhiều cán bộ quan liêu, cửa quyền, không biết sửa sai thì tôi gọi đó là những kẻ xuyên tạc, thậm chí tôi có thể đệ đơn khởi kiện ra tòa, buộc họ phải rút lại những lời nói thiếu trách nhiệm đó ngay.

Những gì diễn ra ở Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch trong tháng 5 và đầu tháng 6-2017 cho thấy rằng các vị lãnh đạo ở hai đơn vị này rất hào phóng lời xin lỗi, nghĩa là không quan liêu cửa quyền chút nào.

Điều ấy chứng minh rằng cái gì đã lỡ nói lộn thì có quyền nói lại. Thuật ngữ thời đại gọi đây là “thái độ cầu thị”.

Trong một phút cao hứng muốn tích cực bảo vệ các giá trị văn hóa văn nghệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố cho phép 300 bài hát được lưu hành, trong đó có bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao - từng được Quốc hội phê chuẩn là bài quốc ca của đất nước, được hát trong các lễ chào cờ trên 70 năm qua.

Sau khi báo chí phê bình và Chính phủ có chỉ đạo kịp thời, cục đã nhanh chóng có lời xin lỗi. Ông cục trưởng (cũ) ra đi trên chuyến tàu hoàng hôn “Muốn không gian đừng tan/ Níu đôi chân thời gian/ Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài/ Trước khi phân kỳ/ Ước sao cho tàu đừng đi”. Thật là bi tráng!

Trong nhiều phút cao hứng, Tổng cục Du lịch muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn phục vụ du lịch trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Tổng cục đã dời gót ngọc vào Đà Nẵng họp kín với Hiệp hội Du lịch ở đây. Hiệp hội giữ quan điểm bảo vệ sinh thái bán đảo Sơn Trà; tổng cục mời ra Hà Nội để... họp tiếp.

Hiệp hội vẫn bảo lưu quan điểm bảo vệ Sơn Trà khiến tổng cục mất bình tĩnh, ban hành ngay một công văn đòi xử lý ông Huỳnh Văn Vinh, chủ tịch Hiệp hội. Công văn được một vị thứ trưởng của Bộ VH-TT&DL ký.

Báo chí phê phán công văn quái chiêu đó vì cho rằng hiệp hội là tổ chức hội đoàn; con người của hiệp hội không thuộc quyền quản lý của tổng cục. Ông thứ trưởng lên tiếng xin lỗi vì lý do ông đang tham dự một cuộc họp khác, đọc không kỹ công văn nên đã ký... nhầm.

Ông tổng cục trưởng cũng lên tiếng xin lỗi vì không đọc kỹ công văn (do bộ phận tham mưu thảo và trình lên) nên có những câu, chữ gây ra sự hiểu nhầm (?).

Nói tóm lại vì tha thiết với công vụ nên một người đọc không kỹ câu chữ nội dung mà trình lộn lên cấp trên và một người bận bịu quá nên ký lộn. Cả hai lời xin lỗi của ông thứ trưởng và ông tổng cục trưởng được đưa ra gần như cùng một lúc, thật hào phóng và cũng không kém phần hào nhoáng!

Vâng, cái nhìn về văn hóa phát ngôn của chúng ta rất rộng lượng; cái gì và ai đó đã lỡ nói lộn thì cho nói lại. Tục ngữ có câu: “Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp”. “Nói hiếp” có nghĩa là dùng lời nói của người có quyền lực mà ăn hiếp một hay nhiều người không có quyền lực.

Báo TTC muốn giảm nhẹ đô cho mọi điều trở thành vui vẻ nên chỉ gọi  tình trạng ấy là nói lộn. Hễ nói lộn thì cho nói lại - đạo lý ở đời cho phép vậy. Có lẽ biên độ của tình hình nói lộn nói lại đó quá rộng rãi chăng mà không gian tràn ngập lời nói lộn và nói lại; cho nên cũng rất hào phóng lời xin lỗi. 

Ở Báo TTC thường có cách xin lỗi rất đáng tức cười. Một số tay nhà báo viết bài hay vẽ tranh xong, đưa vào cho thư ký tòa soạn, thường nói câu: “Xin lỗi anh, tôi viết bài này hay quá” hoặc: “Xin anh tha lỗi, tôi vẽ bức tranh này quá đạt yêu cầu”.

Thư ký tòa soạn nực gà, la toáng lên: “Anh học ở đâu ra cách xin lỗi kỳ cục vậy? Lạm dụng hai chữ xin lỗi không phải là hào phóng đâu”.

Đồ Bì
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục