13/05/2013 06:30 GMT+7

Lối vào đời khi học hết cấp II

LÊ QUANG PHƯƠNG - B.THANH
LÊ QUANG PHƯƠNG - B.THANH

TT - Ngày 11-5, gần 2.000 học sinh các trường THCS tại Q.4, Q.7 và huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã tham gia ngày hội hướng nghiệp và phân luồng học sinh THCS năm 2013 do Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (Q.7) tổ chức.

r2cULej1.jpgPhóng to
Học sinh tham quan xưởng thực hành khoa điện - điện lạnh Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh ngày 11-5 - Ảnh: B.Thanh

Tại ngày hội, các bạn tham quan phòng, xưởng thực hành, xem trình diễn nghề và nghe các thông tin giới thiệu, tư vấn ngành nghề... Nhiều học sinh thích thú đã vỗ tay rào rào trước những điều mới mẻ tận mắt nhìn thấy.

Đến trường nghề tìm hiểu nghề

Lần đầu tiên được tới tận xưởng thực hành nghề, bạn Nguyễn Thị Ngọc Châu (lớp 9A6 Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4) tò mò xen lẫn hào hứng. Châu cho biết sức học của bản thân chỉ vào loại trung bình nên cơ hội thi đậu trường công khi chuyển cấp không cao. “Dù có nhiều ngã rẽ như học trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) nhưng em thích học trung cấp hơn vì được học cả văn hóa lẫn học nghề”, Châu nói. Sau khi tìm hiểu kỹ các thông tin về quy chế xét tuyển, học phí, các chế độ ưu đãi của trường nghề, Châu nói sẽ trình bày với bố mẹ sự lựa chọn của mình.

Theo thống kê ở các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN), lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học rất lớn. Ông Nguyễn Đức Trung, hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết hơn 60% học viên của trường là đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Thạc sĩ Lê Lâm, hiệu trưởng Trường trung cấp Đại Việt TP.HCM, thông tin: năm 2012 học sinh THCS vào học hệ TCCN (ba năm, gồm một năm học văn hóa + hai năm chuyên ngành) chiếm khoảng 21% so với tổng chỉ tiêu. Tại các trường khác như: CĐ Phú Lâm, CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn... hằng năm đều có một lượng lớn học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề.

Thầy Dương Công Lý, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhà Bè), chia sẻ các trường nghề nên thông tin rõ các hỗ trợ, ưu đãi trong quá trình đào tạo lẫn cơ hội đầu ra, việc làm sau khi tốt nghiệp... để phụ huynh và học sinh biết và lựa chọn. Ngoài ra, việc giới thiệu và mời những gương điển hình tay nghề giỏi, những “người thật, việc thật” đã tự thân lập nghiệp, từng bước đi lên từ học nghề về các trường THCS trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm... cũng là một cách tạo niềm tin để các bạn trẻ tự tin chọn học nghề khi điều kiện và sức học khó lòng theo tiếp vào cấp THPT.

Nhiều lợi ích của phân luồng

Tại TP.HCM, nhiều quận, huyện như: Tân Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, Q.11... đã làm rất tốt việc phân luồng từ nhiều năm nay. Ông Phạm Thái Sơn, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết để công tác phân luồng được tốt thì cần có sự phối hợp của “bộ 3” là: trường, phòng giáo dục và TTGDTX. Ông Sơn cho biết từ năm 2004 trường, phòng giáo dục và TTGDTX Q.Tân Phú đã thực hiện mối liên kết đào tạo phân luồng theo hướng các em sau tốt nghiệp THCS sẽ học chương trình nghề theo hướng song song giữa chương trình THPT hệ bổ túc văn hóa (BTVH) và chương trình TCCN với tổng thời lượng bốn năm. Theo đó, hằng năm trường này tiếp nhận hơn 500 học sinh của Q.Tân Phú học theo chương trình phân luồng.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, khi học theo sự phân luồng thời gian học được rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo được nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp để các em ra làm việc ngay. Khi học hệ này, thời gian học tập và chi phí học tập được giảm còn bốn năm cho việc học TCCN thay vì phải học năm năm (ba năm THPT và hai năm TCCN). Hiện nay, khi học theo chương trình phân luồng thì sau ba năm các em hoàn tất chương trình THPT và sẽ nhận bằng THPT (nếu đạt), chứng chỉ sơ cấp nghề, sau năm thứ tư trình độ các em đạt tương đương TCN hoặc TCCN, sau năm thứ năm các em sẽ đạt trình độ cao đẳng với loại hình đào tạo cao đẳng nghề.

Còn thạc sĩ Lê Lâm, hiệu trưởng Trường trung cấp Đại Việt TP.HCM, cho rằng: “Chúng ta không thể ép các em có sở thích nghề này nghề kia, muốn đi học nghề, muốn làm việc kiếm sống đi học ở các trường THPT, như thế sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền của. Trong khi các em học nghề thì vẫn được học kiến thức văn hóa của bậc phổ thông. Các em học theo sự phân luồng thì có được ngành nghề sớm, xã hội lại có thêm nhân lực được đào tạo vững tay nghề. Đó là con đường ngắn nhất để các em đến với nghề mình yêu thích”.

Đề xuất miễn, giảm học phí

Ông Lâm Văn Quản, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và đại học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng mục tiêu cuối cùng của phân luồng là để người học được quyền học tập mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh THCS hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do tâm lý chung của xã hội còn xem trọng bằng cấp, đặc biệt là bằng cao đẳng, đại học mà chưa thấy được tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Hiện Sở GD-ĐT đang xây dựng đề án “Phân luồng học sinh sau trung học” và dự kiến xin UBND TP cho thực hiện ngay trong năm 2013.

Theo đó, sở đề xuất UBND TP thực hiện chế độ miễn, giảm học phí đối với học sinh học nghề, thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo viên và cơ sở đào tạo nghề. Đặc biệt, sở đang xây dựng mô hình đào tạo nghề dành riêng cho học sinh TP: học sinh tốt nghiệp THCS nếu không có điều kiện học tiếp lên bậc THPT thì chuyển sang học nghề 2-3 năm (sẽ được cấp một số chứng chỉ để có thể đi làm ngay) hoặc học 5-6 năm (sẽ được cấp bằng cao đẳng).

LÊ QUANG PHƯƠNG - B.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên