08/09/2020 14:53 GMT+7

Lời tưởng nhớ nhà thơ Văn Lê từ một nhà văn Hàn Quốc: Nếu anh còn được sống

Bang Hyun Suk (nhà văn/ giáo sư Trường đại học Chungang)
Bang Hyun Suk (nhà văn/ giáo sư Trường đại học Chungang)

TTO - Tôi nhận được tin nhà thơ Văn Lê - với 45 năm làm thơ dưới bút danh là tên của một người bạn đã ngã xuống ở chiến trường - vừa mất.

Lời tưởng nhớ nhà thơ Văn Lê từ một nhà văn Hàn Quốc: Nếu anh còn được sống - Ảnh 1.

Nhà thơ Văn Lê - Ảnh: Choi Kyung Ja

Ở ban công trước phòng đọc sách của tôi có mắc chiếc võng mà anh đã mua tặng tôi, và bên ngoài cửa sổ trời đang mưa. Tôi không biết rằng mình vẫn còn nhiều nước mắt như vậy từ sau tang lễ của mẹ tôi mới một tuần trước.

Tại sao Văn Lê đã nổi cáu

Tôi nhớ đến ngôi nhà đã cùng làm việc với Văn Lê ở Sài Gòn 18 năm trước. Khi đó là mùa mưa, mưa thường xuyên trút xuống. Ngay cả vào ngày trời có mưa lớn cỡ nào thì anh vẫn xuyên qua con ngõ nước ngập tới bắp chân mà tới ngôi nhà đó.

Hôm ấy trời mưa rơi không ngớt suốt cả ngày. Văn Lê kinh ngạc khi nhìn thấy hóa đơn đồ ăn mà chúng tôi gọi về, và lần đầu tiên anh đã nổi cáu.

Ngày hôm sau, mưa trút xuống còn nhiều hơn, cứ như thể xuyên thủng bầu trời. Băng qua cơn mưa lớn, anh đi xe máy tới, trên tay anh là món ăn Việt Nam gần giống với món thịt luộc Bosam mà hôm qua chúng tôi đã gọi ở nhà hàng Hàn Quốc.

- Các đồng chí, phải ăn sáng đi chứ.

Nét mặt của anh khi vừa cười vừa giục chúng tôi ăn món mà mình đã làm ở nhà rồi đem tới trông tinh nghịch như một đứa trẻ.

- Giá của nó chỉ bằng 1/10 giá đồ ăn hôm qua đấy. Có thể ăn ngon như thế này thì tại sao phải lãng phí chứ.

Khi tôi biết tại sao Văn Lê đã nổi cáu, tại sao cứ trời mưa là anh lại nhìn ra cửa sổ với ánh mắt buồn bã như vậy cũng là lúc công việc đã kết thúc, và chúng tôi phải chia tay nhau. Hôm đó trời cũng mưa.

- Vào những ngày trời mưa như thế này tôi không thể ngủ được. Tôi nhớ những người bạn chẳng được ăn một bữa no, ra chiến trường và nằm lại ở đó, những người bạn ở lại chiến trường mà không được chôn cất…!

Lời tưởng nhớ nhà thơ Văn Lê từ một nhà văn Hàn Quốc: Nếu anh còn được sống - Ảnh 2.

Nhà văn Văn Lê (giữa) trong lần nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM năm 2019 - Ảnh: L. ĐIỀN

"Hình thức của sự tồn tại"

Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy. Anh sinh ra ở Ninh Bình - một vùng quê xinh đẹp thuộc phía Nam của Hà Nội, tốt nghiệp cấp 3 xong anh xung phong đi bộ đội khi mới 17 tuổi, rồi chiến đấu ở chiến trường suốt 10 năm đến tận khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Khi chiến tranh kết thúc, chỉ còn 5 người còn sống sót trong số những người đã nhập ngũ cùng anh. Một năm sau khi chiến tranh kết thúc, Lê Chí Thụy nhận giải nhất trong cuộc thi của báo Văn nghệ và bước vào văn đàn với tư cách là một nhà thơ.

Nhưng anh đã công bố bài thơ ấy với tên tác giả là "Văn Lê" chứ không phải Lê Chí Thụy. Văn Lê là người bạn chiến đấu yêu thơ của anh. Giữa chiến trường, Văn Lê vẫn đút tập thơ trong túi, vừa đi vừa đọc, và cứ có thời gian thì lại làm thơ nhưng không thuộc 5 người còn sống sót.

Lê Chí Thụy đã lấy tên của người bạn có tên là Văn Lê - một người đã ngã xuống ở chiến trường mà không thể trở thành nhà thơ như ước muốn - để làm thơ, viết tiểu thuyết và làm phim trong suốt 45 năm qua.

Và cuộc đời của "Văn Lê"

Anh là người đẹp nhất mà tôi từng gặp trong đời mình. Tôi chưa thấy ai mạnh mẽ đến vậy, ấm áp đến vậy, vừa nghiêm túc lại vừa hóm hỉnh đến vậy. Gặp gỡ với Văn Lê là sự ngạc nhiên, gần 20 năm bên anh ấy là may mắn lớn nhất của cuộc đời tôi.

Anh ở xa và chúng tôi không thể gặp nhau thường xuyên nhưng anh đã trở thành cơ sở cho sự tồn tại của tôi. Khi tôi thất vọng với thế gian này, khi đau lòng bởi người khác, khi chán ghét bản thân, mà nếu chỉ cần nghĩ đến việc là đang được cùng thở với anh trên trái đất này là tôi lại có thêm dũng khí.

Nhưng giờ đây tôi không thể lại được nắm đôi bàn tay của anh - người đã chỉ cho tôi cách mắc võng đã mua ở chợ lên cây bên đường. Tôi biết những giọt nước chảy xuống từ đôi mắt đang chăm chú nhìn chiếc võng mắc ở ban công trước phòng đọc sách của mình nó ích kỷ thế nào.

Tôi đang khóc vì nỗi sợ hãi đã mất anh mà không ai có thể thay thế.

Cuộc đời của "Văn Lê" mà Lê Chí Thụy đã sống là cuộc đời dành cho tất cả những người bạn đã xung phong vào chiến trường ở độ tuổi 17 mà không thể sống sót trở về chứ không phải là chỉ của một người mang tên Văn Lê.

Lê Chí Thụy đã sống thay cuộc đời của những người bạn ấy với tên gọi Văn Lê trong suốt 45 năm qua, giờ sẽ gặp lại những người bạn đã sớm trao gửi phần đời còn lại của mình ấy cho anh mà ra đi trước, chắc chắn anh sẽ được chào đón hân hoan và sẽ cùng họ bên nhau đầy hứng khởi.

56232363-824918081180066-443856579092021248-n

Tác giả Bang Hyun Suk là nhà văn nổi tiếng với các đề tài về Việt Nam, hội trưởng Hội các tác giả muốn tìm hiểu Việt Nam đồng thời là tổng biên tập Tạp chí Văn học nghệ thuật Asian.

Thời gian ăn tôm hùm - tác phẩm lấy bối cảnh Việt Nam của ông - được bình chọn là tiểu thuyết hay nhất năm 2003 ở Hàn Quốc, đã được phát hành tại Việt Nam.

Bang Hyun Suk từng nhận giải thưởng Văn học Hwang Sun Won với tiểu thuyết Hình thức của sự tồn tại lấy Văn Lê làm nhân vật chính.

Nhà văn - nghệ sĩ Văn Lê giã biệt văn đàn Nhà văn - nghệ sĩ Văn Lê giã biệt văn đàn

TTO - Nhà văn, NSƯT Văn Lê vừa đột ngột qua đời tại nhà riêng vào tối 6-9 sau cơn đau tim, hưởng thọ 72 tuổi.

Bang Hyun Suk (nhà văn/ giáo sư Trường đại học Chungang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Văn Lê Bang Hyun Suk