![]() |
Tự tin, biết dung hòa mối quan hệ gia đình - xã hội... sẽ giúp tạo ra cuộc sống vui, khỏe - Ảnh minh họa của T.T.D. |
Đa dạng bạo hành
Chị Ng.Ch. (Q.7, TP.HCM) tìm đến một trung tâm tư vấn trị liệu để được chẩn đoán trong trạng thái trầm cảm ở mức độ cao: kiệt sức, mất hết năng lượng làm việc, giảm cân một cách đáng kể dù không ăn kiêng, không muốn quyết định bất kỳ chuyện gì trong cuộc sống...
Lý do là khi chung sống với người chồng mới cưới, tất cả mọi mối quan hệ xã hội của chị đều bị chồng kiểm soát, không cho về thăm mẹ, không cho nói chuyện điện thoại lâu, không cho đi ra đường vào ban đêm... Nghĩ rằng anh ấy thương mình nên chị cũng cố chịu đựng, nhưng dần dần chị cảm thấy khó thở. Bạo lực về quan hệ xã hội đã làm chị trầm cảm.
Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy cứ khoảng 2-3 ngày có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình. Rượu, tệ nạn xã hội, ghen tuông và nghèo là bốn lý do chính dẫn đến bạo lực gia đình.
Trong số hơn 2.000 người được hỏi, số người cho biết bị bạo lực tinh thần chiếm 25%. Có phụ nữ bị trầm cảm khi bị chồng xỉ vả, hạ nhục, gây hoảng loạn bằng những hành vi xúc phạm...
Khi bị dồn ép phải tự lo lắng về kinh tế gia đình hay bị kiểm soát một cách quá nghiêm ngặt về chi thu cũng làm cho những “vết trầm tích” cảm xúc dần dần được hoạt hóa trở thành chứng trầm cảm thật sự. Còn chị Ng. (Q.Tân Bình) bị trầm cảm nặng nề dù rằng mới hai tháng chung sống với chồng, lý do: bị bạo hành tình dục.
Bạo hành trong đời sống vợ chồng thường là bạo hành tinh thần, bạo hành thân thể, bạo hành tình dục, bạo hành về quan hệ xã hội và bạo hành về tài chính. Các kiểu bạo hành này làm cho cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và chức năng sinh lý của con người thay đổi nghiêm trọng. Trạng thái xúc cảm tiêu cực kéo dài sẽ làm cho cuộc sống cá nhân thật sự mất phương hướng, hứng thú...
Vượt lên chính mình
Báo cáo tổng kết tám năm (1997-2005) thực hiện Luật hôn nhân gia đình cho thấy tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng và là nỗi bức xúc của xã hội. Kết quả thống kê tại Hà Nội: trong tổng số 7.372 vụ ly hôn, nguyên nhân do phụ nữ bị đánh đập, hành hạ chiếm gần 1/3. Tại Hải Phòng, trong 7.700 vụ ly hôn có 2.359 vụ do bạo lực gia đình; TP.HCM có 10% số vụ ly hôn do người chồng nghiện ngập rượu chè, cờ bạc dẫn đến đánh đập vợ con... Tuy nhiên, các vụ bạo lực gia đình thống kê được hoặc được các cấp chính quyền phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. |
Thực tế cho thấy việc tư vấn tâm lý chưa thể giúp người bị bạo hành vượt qua khỏi chứng trầm cảm mà nhất thiết phải thực hiện việc trị liệu tâm lý.
Những phương pháp trị liệu sau được xem là khá hiệu quả cho chứng trầm cảm: dùng liệu pháp hành vi và nhận thức để giải thích cơ chế tự vệ đang sử dụng và thay đổi một số hành vi tích cực, cách ứng xử; dùng liệu pháp nhân văn để nâng cao lòng tự tôn, giải tỏa những ấm ức, sử dụng mô hình tương tác nhóm để trị liệu tương tác...
Trị liệu trầm cảm nhất thiết phải có sự tham gia đặc biệt của nhà tham vấn trị liệu. Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là sự phát huy tối đa nội lực của người bị trầm cảm dù chỉ còn rất ít sức lực.
Người trầm cảm phải vượt lên chính mình để can đảm và sẵn sàng đến với nhà tham vấn để sớm được chẩn đoán và gợi ý lựa chọn cách trị liệu phù hợp. Mặt khác, các bạn nữ trẻ phải nhận thấy trầm cảm là một tình trạng không chừa ai nếu như ngay từ đầu không biết xác lập mối quan hệ vợ chồng theo một định hướng sống phù hợp.
Biết dung hòa, biết cải thiện, biết phản ứng hợp lý (chứ không phải luôn luôn cam chịu, luôn hi sinh tuyệt đối)... là những điều cần làm để đừng dồn ép chính mình trở thành người trầm cảm thực thụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận