07/05/2020 20:49 GMT+7

Lời thầy Vũ Đức Sao Biển: 'Khom lưng kiếm chút hư danh hưởng bổng cao, lộc lớn làm chi?'

ĐOÀN KHUYÊN (KHOA BÁO CHÍ & TRUYỀN THÔNG, ĐH.KHXH&NV)
ĐOÀN KHUYÊN (KHOA BÁO CHÍ & TRUYỀN THÔNG, ĐH.KHXH&NV)

TTO - Thầy Vũ Đức Sao Biển giã biệt giảng đường, rời xa những sinh viên sau 10 năm nhận làm giảng viên thỉnh giảng ở hai học phần “Tạp văn và tiểu phẩm”, “Tường thuật văn hóa - nghệ thuật - giải trí”...

Lời thầy Vũ Đức Sao Biển: Khom lưng kiếm chút hư danh hưởng bổng cao, lộc lớn làm chi? - Ảnh 1.

Thầy Vũ Đức Sao Biển với lớp văn bằng 2 báo chí (tháng 6-2012) - Ảnh của sinh viên lớp BCVB2

Ngoài ra, thầy còn là diễn giả nhiều chuyên đề khác nhau dành cho sinh viên trong và ngoài khoa báo chí & truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Vì sinh viên mà đến

Khi lần đầu đại diện khoa mời thầy cộng tác giảng dạy, trái với sự e dè của chúng tôi, người nhạc sĩ tài hoa, nhà báo nổi tiếng, nhà văn ăn khách Vũ Đức Sao Biển vui vẻ nhận lời. Thầy nói: "Hồi mới mười tám đôi mươi, tôi cũng là sinh viên của Trường Văn Khoa. Nay về lại trường, tôi vui lắm".

Từ đó, nhiều thế hệ sinh viên khoa báo chí & truyền thông trở thành học trò của thầy Vũ Đức Sao Biển. Nắng hay mưa, lớp tối hay lớp ban ngày, dù nhà riêng của thầy ở tận quận 12 mà lớp ở cơ sở Đinh Tiên Hoàng hay Thủ Đức, thầy Sao Biển luôn có mặt đúng giờ. Các lớp xa ở tỉnh, kể cả Quảng Ngãi, Kiên Giang… thầy cũng thương sinh viên mà đến.

Bắt đầu lớp nào, thầy cũng dặn dò sinh viên: "Tôi bị cao huyết áp, thuốc luôn để trong túi áo bên ngực trái. Nếu lớp thấy tôi đang dạy mà mệt xỉu thì đặt tôi dựa vào tường, lấy thuốc cho uống là sẽ khỏe lại…".

Thầy dặn phòng hờ vậy thôi, chứ lớp nào, buổi học nào thầy cũng đảm đương trọn vẹn từ đầu tới cuối. Không nói lượng kiến thức uyên bác mà thầy Sao Biển sẻ chia cho sinh viên từ chính sở học, kinh nghiệm viết văn, viết báo lâu năm, trải từ báo Công An TP.HCM, báo Thanh Niên tới báo Pháp Luật TP.HCM và báo Tuổi Trẻ… các giờ học của thầy còn là âm nhạc, là chuyện Kim Dung, là những dặn dò của thầy cho sinh viên báo chí đang đầy ắp những ước mơ...

Những giờ học của sinh viên với thầy thật đầy đặn! Thầy dạy sinh viên cách viết tiểu phẩm, tạp văn, cách bồi bổ kiến thức, nghiệp vụ để viết tường thuật trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Giờ của thầy, tự động lớp trưởng các lớp còn đi mượn máy đĩa của trường, vì thầy thường đem theo các đĩa nhạc thu sẵn. Đầu giờ, cuối giờ hoặc giờ giải lao, thầy mở đĩa, rồi thầy trò thay phiên nhau hát các bài thầy sáng tác.

Ngộ một điều là sinh viên tuổi đời trẻ lắm nhưng "nhạc của thầy" thì sinh viên quê miền Trung, quê miền Tây, quê miền nào cũng thuộc dăm bảy bài, thầy trò cứ thế thay nhau hát say sưa… Những chàng trai, cô gái từng "luyện" sách Kim Dung ở quê, giờ gặp được thầy trên lớp mừng như gặp thần tượng.

Biết thầy đi dạy học bằng xe ôm, lúc tan lớp, sinh viên hay giành nhau chở thầy về, đó là lúc nói chuyện với thầy về sách, về nhân vật, về đạo làm người trong chuyện Kim Dung. Bởi thế, có cựu sinh viên nhớ mãi lời thầy dặn khi đi đường "thầy trò mình cứ đường lớn đường rộng mà đi nhé. Đừng có quẹo, lủi vô mấy cái hẻm tắt, vậy hông phải là kiểu của... quân tử!".

Lời thầy Vũ Đức Sao Biển: Khom lưng kiếm chút hư danh hưởng bổng cao, lộc lớn làm chi? - Ảnh 2.

Thầy Vũ Đức Sao Biển cùng phóng viên Mai Vinh và tác giả Đoàn Khuyên (tháng 11-2019) - Ảnh: Đoàn Khuyên và Mai Vinh selfie với thầy

Mỗi ngày ráng viết 400 chữ

Mỗi học phần thường chỉ kéo dài 30 - 45 tiết, nhưng hết lớp không phải là hết chuyện thầy và trò. Sinh viên và cựu sinh viên vẫn nhớ nhà thầy để lên thăm, trò chuyện tiếp với thầy. Thầy lúc nào cũng khiêm nhu, xưng tôi, gọi sinh viên là anh/chị.

Thầy coi sinh viên là đồng nghiệp trẻ, là bạn nối nghề của mình. Lần nào gặp thầy, chúng tôi cũng được tặng một, hai tờ báo có bài viết của thầy hoặc các đầu sách của thầy mới vừa xuất bản.

Thấy học trò tắm tắc "sức làm việc của thầy kinh người", thầy cười hiền lành "có gì đâu, mỗi ngày ráng ngồi vào bàn viết, viết ít nhất 400 chữ. Cứ vậy chừng một tháng là đã có hơn 10.000 chữ…".

Những trang viết của thầy đã mở ra nhiều hơn nữa, kéo dài hơn nữa những bài giảng thầy truyền trao trên lớp.

Với lớp xa, thường khoa sẽ bố trí một thầy hoặc cô đi dạy cùng với thầy. Thầy một buổi, người còn lại một buổi, kéo dài vài ngày.

Nhớ hồi đi Kiên Giang, thầy kể: "Giờ sức khỏe hơi tệ rồi, chứ hồi năm mươi tuổi tôi còn ngồi vỏ lãi, đi dọc sông Cái Lớn về Gò Quao mém chết. Lần đó tôi viết bài "binh" anh nông dân bị công an giam con trâu cơ nghiệp hơn tháng mà còn bắt đóng tiền "lưu kho". Đi qua sông gặp mưa dông, sóng lớn muốn chìm ghe…".

Đem câu chuyện lên lớp, thầy kết luận: "Tôi đi hơn 400 cây số từ Sài Gòn về miệt thứ, rồi băng sông để cố chụp cho được bức hình anh nông dân với con trâu đó. Tôi không biết bơi, ghe bị sóng tràn mém chết, sợ chứ! Nhưng nếu chỉ dựa vào thư của ảnh để viết, không tới nơi xác minh thông tin, không chụp được hình con trâu với chủ nó, tôi chỉ là nhà báo tồi, thậm chí là nhà báo vô trách nhiệm với độc giả của mình".

Hai năm nay thầy lâm trọng bệnh, chúng tôi thường đến thăm và nói chuyện "bút đàm" với thầy. Giờ thầy lìa cõi tạm, viết những dòng này, với chúng tôi thầy như về lại bến sông Thu…

Những câu chuyện, những dặn dò, những gì thầy làm trong đời đã khiến thầy trở thành người thầy mãi mãi của chúng tôi cũng như đối với nhiều nhà báo trẻ.

Không bao giờ quên thầy!

Khom lưng kiếm chút hư danh để hưởng bổng cao, lộc lớn làm chi?

Học xong đại học, tôi ra trường đi dạy. Có người thân khuyên tôi về làm thanh tra giám sát viện của chế độ cũ, để có cơ hội hưởng bổng lộc, tôi từ chối.

Có người giáo sư triết học đồng nghiệp cũ về làm đại diện cho Phủ Tổng ủy Dân vận toàn miền Tây can thiệp với tỉnh trưởng tỉnh Bạc Liêu đưa tôi về làm thanh tra văn tuyên 16 tỉnh, tôi từ chối.

Tôi từ chối những chỗ béo bở, hái ra tiền đó vì tôi không thích, vậy thôi. Hễ ngồi vào chỗ đó thì phải luồn cúi, bợ đỡ; thậm chí phải ức hiếp người dưới tay mình để cung phụng cho cấp trên.

Hễ ngồi vào chỗ đó thì mình không còn là mình nữa.

Con người sẽ bị tha hóa, sẽ vong thân. Làm chi cho kiếp người đau khổ vậy, phẩm giá làm người đồi bại vậy? Tôi là người Quảng Nam, muốn đi ngay đứng thẳng. Khom lưng kiếm chút hư danh để hưởng bổng cao, lộc lớn làm chi?

Vũ Đức Sao Biển

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - tác giả Thu hát cho người - vừa qua đời Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - tác giả Thu hát cho người - vừa qua đời

TTO - Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - ông Đồ Bì quen thuộc trên Tuổi Trẻ Cười những năm qua - vừa qua đời lúc 23h35 ngày 6-5 tại nhà sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi.

ĐOÀN KHUYÊN (KHOA BÁO CHÍ & TRUYỀN THÔNG, ĐH.KHXH&NV)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên