Cần sống năng động để tránh các bệnh tim mạch. Ảnh: THEGUARDIAN |
Cụ thể, Quỹ Tim mạch Anh (BHF) chỉ ra rằng có đến khoảng 20 triệu người dân quốc gia này được xem là ít vận động. Lối sống ù lì, thụ động dẫn đến những nguy cơ về tim mạch. Harriet Mulvaney, một phụ nữ dính một cơn đau tim vào năm 44 tuổi cho biết: “Nhìn lại cuộc sống trước đây. Tôi nhận ra mình sống vô cùng thụ động, tôi cứ nghĩ là tôi quá bận rộn” – hãng tin BBC dẫn lời.
Với công việc của một nhà tư vấn nhân sự, Harriet có lịch làm việc dày đặc, với 10 giờ ngồi bên bàn máy tính và hơn 1 giờ lái xe mỗi ngày. “Khi đó, tôi nghĩ rằng rồi cũng sẽ đến lúc mình bắt đầu tập thể dục, nhưng không phải vào lúc này. Một ngày nọ, tôi lên cơn đau tim. Sau khi được đưa đi cấp cứu, tôi được bác sĩ xác định mắc bệnh rách thành mạch vành tự phát, một căn bệnh tim nguy hiểm”.
Câu chuyện của Harriet chỉ là một ví dụ cho thấy lối sống thụ động ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào. Nghiên cứu của BHF còn đưa ra một kết luận đáng sợ, cứ 10 ca tử vong do bệnh tim mạch thì lại có 1 xuất phát từ lối sống thụ động. Và nếu xét trong mọi trường hợp tử vong, thì tỷ lệ gây bởi lối sống thụ động là 1/6. Điều này còn dẫn đến sự tốn kém cho các dịch vụ công ích. Ước tính cho thấy, lối sống ít vận động khiến Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) tốn kém thêm 1,2 tỷ bảng Anh/năm.
Vậy, như thế nào bị xem là một lối sống thụ động? BHF định mức một người thụ động sẽ tập thể dục thể thao, hoặc có những vận động thể chất tương đương ít hơn 150 phút/tuần. Mức vận động tối thiểu này chỉ tốn khoảng hơn 20 phút/ngày dành cho mỗi người, vì vậy thật khó chấp nhận cách biện bạch “không có thời gian để tập luyện”.
Hình thức tập luyện cũng khá đơn giản. Chưa cần đến những môn thể thao mạnh mẽ như bóng đá, quần vợt, khái niệm “hoạt động thể chất” chỉ cần ở mức đi bộ nhanh, tập thể dục dưới nước hoặc đạp xe lên dốc khoảng 25 phút/ngày đã là đủ để có một cuộc sống “không thụ động”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận