![]() |
Vì lời hứa sẽ cố gắng sống tốt hơn, “kình ngư sông Hậu” đã vượt qua tật nguyền để trở thành người có ích hơn cho cuộc sống |
Đây là bộ phim tài liệu truyền hình chuyển tải một thông điệp “nóng” của xã hội: chữ tín của mọi con người, từ dân tới quan. Mặc dù không được giải nhưng những nhà báo trẻ của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM vẫn cho thấy khát vọng rất lớn về những đề tài chính luận “nóng” của xã hội.
“Bộ hứa thì thật là thương”
Bộ phim bắt đầu với những lời hứa chăm dân của vua Hùng, lời thề trên sông Hát của Hai Bà Trưng: “Xin rửa sạch giặc thù” và “khôi phục nghiệp xưa vua Hùng”, Lý Thường Kiệt với lời tuyên ngôn dõng dạc “Nam quốc sơn hà” tới triều đại nhà Trần với lời thề “Sát Thát”... Khởi đầu như thế, những người làm phim nói thẳng ra ý định của mình: “Mượn chuyện xưa nói chuyện nay”.
Chuyện nay là một trường hợp đặc biệt: cô gái bị liệt chân mang tên Nguyễn Thị Cẩm Tú, quê ở ngã bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang). Cuộc đời vốn quá khổ, không người thân, không nơi nương tựa, hằng ngày phải lết đi bán vé số kiếm sống. Tuyệt vọng, cô ra bờ sông nhảy xuống quyên sinh. Rồi Cẩm Tú được bà con chòm xóm cứu sống. Trước ân nghĩa sâu nặng, Tú hứa sẽ “sống tốt, yêu đời hơn”. Và nói lời cô giữ lấy lời, cố gắng tập bơi để trở thành vận động viên khuyết tật nổi tiếng với biệt danh “kình ngư sông Hậu”. Chuyện nay còn là chuyện chị Lành bán vé số đã “bán chịu” cho anh Tuấn chạy xe ba gác những tờ vé số trúng tới 6,6 tỉ đồng. Vé số nắm trong tay, chủ nhân chưa trả tiền, ấy vậy mà chị vẫn tươi cười gọi chủ nhân tới nhận. Chữ tín trong trường hợp này là một cam kết bất thành văn.
Và khung hình dừng thật lâu trước khi quay cận cảnh một chiếc micro đặt trên bàn cạnh tấm bảng nhỏ ghi hai chữ “Đại biểu”. Lời bình gọn: “Chiếc micro này đã thu biết bao nhiêu lời hứa của những người ra ứng cử...”. Những thước phim trải dài qua nhiều câu chuyện ở nhiều địa phương. Cứ loang loáng, xen kẽ trắng đen và sắc màu. Này là câu chuyện từ khu kinh tế mới Tân Lập, Tân Phước, Tiền Giang. 20 năm trước, những người dân nghèo từ mọi miền đất nước về nơi ấy để cải tạo vùng đất phèn, tạo lập sự nghiệp, ruộng vườn. Sau mấy chục năm đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu, mỗi nhà mới có một cơ ngơi màu mỡ. Đùng một cái, đất đai bị thu hồi để giao cho nhà đầu tư Trung Quốc lập Khu công nghiệp Long Giang. Chuyện sẽ bình thường nếu như “tiền trao, cháo múc” sòng phẳng, đằng này nó vướng lời hứa! “Ba đoàn thể tới vận động tui nhận tạm tiền cho các nhà đầu tư thi công để mai mốt con cháu có công ăn việc làm rồi lãnh đạo sẽ “tính lại”. Nói vậy sao không nghe? Tui nghe, ký nhận. Giờ tới ba năm sau chẳng ai ngó ngàng gì tới...” - một người dân bức xúc.
Cứ thế, người ta thắt lòng khi thấy hình ảnh những người dân, những tờ đơn nằm rải rác trên đất bùn. Rồi câu chuyện của con kênh Ba Bò (nối TP.HCM - Bình Dương) với những lời hứa ngọt ngào từ các cán bộ lãnh đạo địa phương, lời bình nhắc về một lời hứa của một cán bộ trước khi vị này chuyển sang chức vụ khác và cho tới giờ, sắp về hưu... lời hứa vẫn chưa nhúc nhích. Cũng dễ hiểu khi người dân có thơ rằng: “Bộ hứa thì thật là thương. Đến khi ra đường thì bộ lại quên”.
Người xem cũng thi thoảng giật mình vì những âm thanh đáng nhớ - những hồi chuông vang lên giữa bộ phim...
![]() |
Hình ảnh chiếc micro được sử dụng trong phim như một ám ảnh về lời hứa khi ứng cử - Ảnh chụp từ |
“Tôi làm tới đâu thì hứa tới đó!”
“Chúng tôi từng bị nhắc nhở, thậm chí phải làm tường trình về việc kích động dân chúng” - tác giả kịch bản và đạo diễn Bùi Đình Dương (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM) tâm sự. Ấy là khi họ quay các thước phim về những người dân thấp cổ bé họng trình bày nỗi khổ bị nuốt lời từ những người có trách nhiệm. “Từng có tác động từ vài địa phương đề nghị chúng tôi cắt chỗ này, bỏ chỗ nọ. Làm chính luận bao giờ cũng thế, nhưng chẳng lẽ không làm khi cuộc sống thực tế còn đầy điều nhức nhối” - anh Dương cho biết. Bùi Đình Dương và những đồng nghiệp từ ngày xưa nổi tiếng lên rừng xuống biển với chương trình nhân đạo “Những ước mơ xanh” - chương trình từng lấy rất nhiều nước mắt của công chúng với những chuyến vác máy quay lên tận vùng núi cao, bản làng sâu hút... kể những chuyện khổ nghèo nhưng đầy ắp nghị lực vươn lên. Và ngay cả trong câu chuyện “lời hứa” này, một lần nữa anh và đồng nghiệp lại vác máy quay lên tận vùng núi Khánh Sơn gặp nữ chủ tịch UBND xã trẻ măng, người dân tộc Ê Đê tên Niê H’Ruôn để làm cái kết cho phim.
Ấy là một xã vùng cao của đồng bào Ê Đê, cuộc sống đầy khó khăn. Ngày được người dân bầu chọn vị trí chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), H’Ruôn hứa với dân rằng cô sẽ chấm dứt mọi khiếu kiện, sẽ giải quyết mọi chính sách mà đồng bào được hưởng. Thời gian trôi qua, người nữ chủ tịch xã tuổi mới đôi mươi này đã làm trọn lời hứa của mình: xã không còn chuyện khiếu kiện, không còn người dân nào bị đối xử chưa đúng với chính sách ưu tiên họ đáng được hưởng. Trong con mắt của dân trong xã, cô chính là người bạn, người sẻ chia và gánh vác trách nhiệm trước dân lành. Niê H’Ruôn nói đơn giản về cách nghĩ của mình: “Tôi làm tới đâu thì hứa tới đó!”.
Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh của nữ chủ tịch xã đi trên một con đường mưa với gương mặt thảnh thơi, thư thái. Ừ, thì cô - cái kết có hậu của phim này - cũng giống như một giọt nước mưa mang lại bao nhiêu điều hi vọng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận