Trung úy Nguyễn Bá Thế ra đi khi hai con gái còn quá nhỏ... - Ảnh: Tiến Thắng |
"Xong nhiệm vụ, anh sẽ về sơn cửa"
Đó chỉ là một trong số những dự định công việc vẫn còn dang dở mà trung úy Nguyễn Bá Thế, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 phải gác lại và không thể thực hiện lời hứa với người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ nơi quê nhà.
Dự định mà anh đã hứa với vợ con trước khi lên đường nhận nhiệm vụ đơn vị giao phó. Bà Quyên - một thân nhân của trung úy Thế, cho biết căn nhà cấp bốn đang được sửa sang vẫn chưa hoàn thiện hẳn thì anh Thế nhận được nhiệm vụ từ đơn vị.
Trước khi đi anh đã hứa với mẹ con ở nhà rằng cuối tuần xong nhiệm vụ trở về sẽ sơn nốt cánh cửa xếp cùng góc tường nhà.
Nhưng anh đã mãi mãi không thực hiện được lời hứa đó.
Đóng quân tại sân bay Gia Lâm, ngoài những ngày bận rộn với nhiệm vụ thì anh vẫn tranh thủ cuối tuần xin nghỉ bắt xe khách để về thăm vợ con tại căn nhà nhỏ đơn sơ, nóng bức khi hè về ở Hải Phòng.
Bà Nga - mẹ vợ của anh Thế, cho biết anh sống đời quân ngũ hơn 15 năm. Trước đó hơn hai năm, người anh trai của anh Thế cũng là một chiến sĩ thuộc một đơn vị Hải quân đóng tại Vũng Tàu đã hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ.
Nỗi đau ấy chưa kịp nguôi ngoai thì giờ lại đến tin anh Thế gặp nạn, người mẹ già ở quê Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình gần như gục ngã trước sự mất mát quá lớn nên đã đổ bệnh mấy ngày nay, không thể đi đâu nổi.
Bà Nga cho biết mẹ đẻ của anh Thế cũng hiểu và thấy tự hào vì con hi sinh nhưng đã làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc thiêng liêng. Suốt 9 ngày nay, các cán bộ quân y của Bộ quốc phòng cũng được cử đến cả hai nơi ở Thái Bình và Hải Phòng để động viên và chủ động chăm lo sức khỏe cho từng người trong gia đình.
Chiều 24-6, cơ quan chức năng cũng đã đến gia đình để lấy máu của cô con gái lớn của anh Thế nhằm làm thủ tục xác định ADN.
Có mặt trong căn nhà nhỏ tại ngõ 251, đường Tôn Đức Thắng, thuộc xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng, chúng tôi không thể kìm nén được cảm xúc bởi những ánh mắt vẫn tràn đầy hi vọng dù cho những thông tin cập nhật trên thông tin đại chúng chỉ khiến cho mọi người len lén nhìn nhau trong im lặng.
Những người hàng xóm, các tổ chức hội đều đến để động viên, chia sẻ nỗi đau cùng với gia đình.
Mấy ngày nay, chị Đào Thị Tuyết (32 tuổi, vợ anh Thế) cũng đã khóa cửa nhà để sang nhà mẹ đẻ gần đó. Gặp chúng tôi, chị chỉ nói "niềm tin đối với anh không bao giờ tắt, dù cho điều xấu nhất có xảy đến với anh thì cũng đã sẵn sàng đối mặt" bởi chị biết chắc chắn một điều là anh đã làm tròn trách nhiệm của mình với Tổ quốc với dân tộc.
"Tôi và các cháu luôn tự hào vì anh, chỉ mong nếu điều xấu nhất dù có xảy đến thì anh sẽ được thanh thản ở nơi phương trời xa" - chị Tuyết quẹt dòng nước mắt ứ nghẹn.
Bà Quyên cho biết hôm đầu những hình ảnh vớt được các mảnh vỡ của chiếc máy bay CASA 212 phát trên truyền hình, đứa con gái lớn xem được liền nói máy bay của ba rơi rồi mà sao ba vẫn chưa về hở mẹ? Mọi người nhìn nhau, không biết trả lời sao với cháu...
Lỗi hẹn chuyến du lịch biển cùng vợ con
Cô con gái nhỏ (áo trắng) hồn nhiên chơi đùa cùng bạn và thi thoảng lại chạy về hỏi "bố đã về chưa?" - Ảnh: TRUNG THU |
"Bố con đâu, bố con đâu rồi, sao bố vẫn chưa về cho con ngủ, con ăn vậy?", câu hỏi của cô con gái út 5 tuổi của thiếu tá phi công Nguyễn Văn Chính khiến nhiều người không cầm được nước mắt...
Bé vẫn vui tươi nô đùa cùng bạn, nhưng thỉnh thoảng lại hỏi mọi người: "Bố con đâu, sao bố chưa về"...
Khi nghe tin thiếu tá Nguyễn Văn Chính - Chính trị viên phi đội, phi công cấp 3 lữ đoàn 918, gặp nạn cùng với tám cán bộ, sĩ quan có mặt trên máy bay Casa-212 khi tìm kiếm đại tá Trần Quang Khải mất tích trên biển cùng máy bay SU-30MK2, gia đình anh tại Hà Nội vẫn từng ngày ngóng tin. Căn nhà cấp bốn của anh ở đường Hoàng Văn Thái không ngớt người qua thăm hỏi, động viên.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người thân của gia đình thiếu tá Nguyễn Văn Chính vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa về sự ra đi đột ngột của anh.
Theo một người thân của anh Chính, từ mấy ngày qua, khi nghe tin anh hi sinh thì bố đẻ anh - ông Nguyễn Văn Chiến cùng bố vợ là ông Trần Mậu Giao, đều gần 80 tuổi, đã suy sụp.
Cả hai người cha già ấy vẫn phải gắng gượng để tiếp những người thân, bà con lối xóm, đồng đội của anh đến thăm hỏi, động viên.
Hai ông cứ lầm lũi đi ra rồi lại đi vào.
Bà Khống Thị Sính (67 tuổi, mẹ anh Chính) ở quê báo ra cho biết mấy ngày nay bà không gượng dậy nổi, cứ nằm ở giường để ngóng chờ tin con trai trở về.
Ông Trần Mậu Giao, bố vợ của anh Chính vốn là một lão tướng đặc công từng kinh qua bao trận đánh thời kháng chiến chống Pháp, ngồi rít thuốc, nhấp nước chè nói: Sống chết vốn là quy luật ở đời, người lính thì phải phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc...
Dù đau buồn, nhưng trong ánh mắt sâu thẳm của người cha, ông Chiến vẫn tự hào khi nói về con mình. "Tôi cũng từng một thời chiến đấu vì hòa bình của Tổ quốc. Chính là đứa con ngoan, yêu thương mọi người và có trách nhiệm với công việc được giao. Dù đau lòng lắm nhưng cũng vì phục vụ đất nước” - ông Chiến xúc động nói.
Chị Trần Thị Huyền (40 tuổi, vợ anh Chính) khi chúng tôi đến nhà thấy chị nằm liệt giường và không muốn gặp ai.
Chị Trần Thị Hảo - một thân nhân của anh Chính, kể có những đêm chị Huyền ngồi một mình nhìn lên tấm ảnh cưới của hai vợ chồng rồi mân mê từng mép tường rồi lăn dài hai hàng nước mắt.
Vài tuần trước, anh Chính vẫn còn tranh thủ ghé về qua nhà, chở vợ con đi chơi một lúc. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, anh lại bế con gái để thơm nựng. Anh còn dặn chị sau khi đi công tác trở về thì sẽ cho mẹ con đi du lịch biển một chuyến.
"Anh ấy là người rất tâm lý, hàng năm vẫn tổ chức cho vợ con đi du lịch biển. Cứ nghĩ sẽ như bao chuyến công tác khác của anh mà nào ngờ…" - chị Hảo xúc động.
Chị Huyền vốn không có nghề nghiệp ổn định, làm lao động tự do nên tất cả mọi sinh hoạt trong nhà gần như phải trông mong vào anh Chính.
Anh Đặng Trần Trung - em họ anh Chính, kể: "Mỗi lần anh từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm gia đình, khi không phải đi công tác là anh lại rủ lên phố hoa trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để ngắm hoa sau những lần bay".
Tấm ảnh cưới chụp chị Huyền và anh Chính với nụ cười trên môi được treo ngay ngắn trong nhà - Ảnh: TRUNG THU |
Trước khi ra về, hình ảnh in sâu trong tâm trí tôi có lẽ chính là bức tranh về chiếc máy bay tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 đang lướt trên mặt đại dương như con cá voi quẫy trên sóng nước.
Bức tranh ấy chỉ có hai màu xanh và trắng - màu của cánh sóng, của trời, của biển và của chiếc CASA. Tôi chợt nghĩ, hẳn anh phải tự hào về nghề và yêu quý bức tranh ấy lắm.
Hòa bình có thể là sự yên bình nhưng cũng có thể chỉ là một người đàn ông có thời gian đi chợ, bế con. Họ, là người lính phục vụ Tổ quốc, nhưng cũng là người đàn ông trong gia đình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận