22/03/2012 07:47 GMT+7

"Loạn" phí giao thông, vì sao? (kỳ 3)

P.HUY ghi
P.HUY ghi

TT - Trong hai số báo qua (tuyến bài “Loạn phí giao thông, vì sao?”, Tuổi Trẻ ngày 20 và 21-3-2012), Tuổi Trẻ đã đặt vấn đề phí giao thông hiện quá nhiều, không hợp lý và phí chồng phí, tạo thành gánh nặng cho người dân.

Kỳ 1: Thêm phí, thêm gánh nặngKỳ 2: 3 cái sai của... trạm thu phí

cESbZ5Ep.jpgPhóng to
Sau khi thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT có bảo đảm sẽ không còn những ổ voi như thế này? Trong ảnh: một xe tải bị lật do tránh ổ voi ở quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Tiến Thành

Xin được tiếp tục chủ đề này với ý kiến của cán bộ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và hai chuyên gia pháp luật.

* Luật sư Huỳnh Văn Nông:

Nên để Quốc hội quyết định

Theo nghị định mới được ban hành của Chính phủ, từ ngày 1-6-2012 tất cả ôtô, xe máy sẽ phải nộp phí sử dụng đường bộ với mức thu do Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải quyết định. Như vậy, một chính sách “hứa hẹn” tác động lớn đến đời sống người dân cả nước sẽ được quyết một cách nhanh chóng giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính trong vòng một, hai tháng tới đây.

Việc thu phí này, theo tôi, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội vì tác động đến hầu hết người dân, đặc biệt người dân nghèo. Ngoài ra, do việc nhiều người thường có tâm lý “té nước theo mưa”, việc thu phí sử dụng đường bộ chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là giá cả sẽ tăng và tăng cao hơn mức tác động thực. Từ đó dẫn đến lạm phát tăng cao và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh người dân đã phải gánh quá nhiều loại phí để được chạy xe, việc thu phí sử dụng đường bộ được đặt ra khiến người dân không khỏi có tâm lý bị lạm thu. Bên cạnh đó, chủ trương lại được ban hành quá đột ngột, người dân chưa có sự chuẩn bị về mặt tâm lý. Về phía cơ quan chức năng chưa thể đưa ra cơ sở khoa học về mức thu đang đề xuất, cũng như các cam kết về hiệu quả mà việc thu phí này mang lại (thu xong sẽ có kế hoạch bảo trì đường bộ ra sao, dự kiến giảm ùn tắc như thế nào...).

Theo pháp lệnh phí và lệ phí hiện hành, việc Chính phủ ban hành nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, trong đó quy định về phí sử dụng đường bộ, là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, trước tình hình có quá nhiều loại phí liên quan đến việc “xe được ra đường” như hiện nay, theo tôi, trước khi quyết định một việc liên quan đến phí nên có cái nhìn toàn cảnh hơn về bức tranh thu phí của nước ta. Hiện tại, do mỗi bộ ngành đều tương đối độc lập đối với lĩnh vực mà mình quản lý nên dễ dẫn đến hiện tượng mạnh ai nấy thu, miễn sao đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành mình.

Để tránh tình trạng mạnh ai nấy thu này, chúng ta cần thiết phải sửa luật. Theo đó, đối với các chính sách thu phí mà có khả năng tác động lớn đến xã hội, đến số đông người dân như trường hợp quỹ sử dụng đường bộ lần này, việc áp dụng thu loại phí nào, mức thu bao nhiêu nên để Quốc hội quyết định trên cơ sở có sự bàn thảo cũng như lấy ý kiến từ phía người dân và các cơ quan truyền thông. Có như vậy mới đảm bảo việc thu phí được thực hiện trên cơ sở khoa học và không gây tác động tiêu cực đối với xã hội, với số đông người dân.

* Bà Ung Thị Xuân Hương (phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):

Cần xem lại việc thu phí chồng phí

Hiện tại có nhiều trạm thu phí trên các tuyến đường nhằm thu phí để hoàn vốn cho các công trình giao thông đã đầu tư. Vấn đề là lâu nay không rõ trong phí đó đã có phí bảo trì chưa? Nếu đã có phí bảo trì và từ ngày 1-6-2012 tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện giao thông (bao gồm ôtô và xe máy) sẽ dẫn đến tình trạng thu phí trùng lắp, tức một loại phí mà thu đến hai lần. Cơ quan chức năng cần xem xét lại việc này, tránh tình trạng phí chồng phí.

Theo quy định, khoảng cách giữa các trạm thu phí là 70km nhưng thực tế có một số tuyến đường người dân phải đi qua ba trạm thu phí, như vậy cũng là một dạng thu phí trùng lắp.

Tôi cũng băn khoăn về phí bảo trì đường bộ. Theo đề xuất của cơ quan thẩm quyền, việc thu phí ôtô chia thành bảy nhóm, mức thấp nhất là 180.000 đồng/tháng và cao nhất 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với môtô, xe gắn máy, mức thu là 80.000-120.000 đồng/năm (tùy theo dung tích xilanh). Theo đề xuất thu phí này thì người đi ít hay đi nhiều, sử dụng xe cho mục đích kinh doanh hay lưu thông bình thường đều phải đóng mức phí như nhau, như vậy là không công bằng. Trong khi cách thu phí qua xăng dầu thì hợp lý hơn, người đi nhiều đóng nhiều, đi ít đóng ít. Chưa kể mức phí như đề xuất trên là quá cao so với mức sống của người dân hiện nay. Khi thu phí, các phương tiện giao thông sẽ tăng phí, giá cả hàng hóa tăng lên... Cuối cùng những chi phí này người dân phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Chắc chắn sẽ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân

zqpGCmhc.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định như trên trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 1-2012 diễn ra ngày 21-3.

Ông Hiệp nói: sắp tới sẽ thu phí bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân đang được xem xét. Hiện cả nước có 2 triệu ôtô và 35 triệu xe máy, tính theo dân số thì nhiều xe máy nhất thế giới. Các đô thị Hà Nội và TP.HCM phải có lộ trình để cấm xe máy, một quốc gia phát triển phải vậy, người dân cũng phải chia sẻ.

Mỗi loại phí đều có mục tiêu của nó. Để duy trì bảo dưỡng đường bộ thì kinh phí này bằng 2/3 kinh phí đầu tư xây mới. Nhưng tiền nhà nước đầu tư bảo trì chỉ 17 triệu đồng/km chưa đủ trả lương cho công nhân. Rõ ràng người tham gia giao thông phải có trách nhiệm đóng phí bảo trì đường bộ.

* Hiện Nhà nước chưa có phương tiện giao thông công cộng để thay thế thì cho dù thu phí, người dân vẫn phải đi ôtô, xe máy?

- Vừa rồi Thủ tướng đã có đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, giao các tỉnh thành thực hiện. Với tốc độ tăng như hiện nay, nếu chúng ta không tiến hành làm ngay thì chắc chắn ba năm tới Hà Nội và TP.HCM không còn chỗ để xe chứ không nói để đi. Theo đề xuất của Chính phủ, đáng ra phí hạn chế phương tiện thu 10 năm trước đây rồi. Nếu thu từ lúc đó thì không dẫn đến tình trạng như hiện nay.

* Trong vòng 3-5 năm tới phương tiện công cộng ở Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được. Việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ gây khó khăn cho dân?

- Sẽ có lộ trình. Hà Nội và TP.HCM sẽ có cả lộ trình cấm xe máy. Nhưng bắt đầu lúc nào, như thế nào phải xin ý kiến nhân dân để quyết định.

* Người dân vẫn có nhu cầu mua xe, nếu không giảm tải trong nội ô thì đánh phí gấp 10 lần dân vẫn đi vào?

- Nhà nước không cấm mà chỉ đưa ra giải pháp hạn chế. Câu chuyện hiện nay đối với Hà Nội và TP.HCM là khi đã thu phí hạn chế phương tiện cá nhân thì phải có giải pháp cho người dân đi lại thuận tiện. Thống kê hiện nay tối thiểu một gia đình ở thành phố lớn có hai xe máy như thế là cũng đủ.

* Đóng phí theo đầu phương tiện không phân biệt đi ít hay đi nhiều thì người dân nghĩ đằng nào cũng mất tiền đóng phí nên sẽ càng đi nhiều. Giải pháp chống ùn tắc sẽ có tác dụng ngược?

- Cứ để người ta đi nếu người ta có nhu cầu. Về nguyên tắc thu phí đường bộ thì đi nhiều thu nhiều, đi ít thu ít, không đi không thu. Nhưng hiện nay chúng ta chưa đủ các yếu tố để thu theo cách lăn bánh bao nhiêu thu bấy nhiêu. Số tiền để lắp thiết bị tốn hơn nhiều lần tiền thu phí.

* Vậy có thể đánh phí vào lốp xe, ai đi nhiều mòn lốp nhiều thì đóng phí nhiều. Cái này các nước đang áp dụng?

- Đánh thuế vào lốp thì người ta cũng có cách đối phó.

* Đáng ra phải có giải pháp thay thế trước mới hạn chế xe cá nhân. Chúng ta đang làm ngược?

- Đúng là hạ tầng và vận tải công cộng phải đồng bộ với việc hạn chế xe cá nhân. Hà Nội và TP.HCM đều đã có lộ trình mua thêm 1.000 xe buýt, Bộ Tài chính đã giảm thuế. Thứ hai sẽ triển khai xe buýt nhỏ đưa người dân từ đường nhỏ ra đường lớn, còn tàu điện đang triển khai, không thể ngày một ngày hai được.

Còn phí hạn chế phương tiện cá nhân, trước mắt chắc chắn có tác động. Tôi không tin là không giảm được phương tiện cá nhân, vấn đề là giảm bao nhiêu.

* Nếu lấy ý kiến người dân thì phần lớn sẽ phản đối, ông có lường được điều này không?

- Tất cả chính sách đều phải lấy ý kiến người dân.

* Vậy sẽ lấy ý kiến bằng trưng cầu ý dân?

- Thủ tướng, Chính phủ đề xuất cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là cơ quan sẽ quyết định. Trước hết sẽ tiếp thu ý kiến người dân về mức thu, thu ở đâu, đối tượng nào... Tôi khẳng định chắc chắn sẽ thu phí này vì trên thế giới đều thực hiện thế cả.

TUẤN PHÙNG ghi

Phải lấy ý kiến người dân

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Phải lấy ý kiến nhân dân, nhưng phải thấy rằng ở một đất nước mà quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân trong khi tai nạn giao thông tăng như vậy, chúng ta phải có những biện pháp hữu hiệu. Đó là một thông lệ của quốc tế trong kinh nghiệm quản lý nhà nước. Chính vì vậy chúng tôi đang lấy ý kiến và nơi quyết định cuối cùng là Quốc hội”.

T.PHÙNG ghi

P.HUY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên