Hiệu lực thanh tra còn kém
Ý kiến của các đại biểu cho thấy dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) vẫn chưa làm rõ được vị trí của cơ quan thanh tra là “độc lập” hay “phụ thuộc” nên khó khắc phục được những hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong hoạt động này.
Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đặng Văn Khanh phân tích về hiệu lực, hiệu quả của thanh tra hiện nay rất thấp: “Tôi là trưởng đoàn đi thanh tra về một vụ việc theo quyết định của thủ trưởng cơ quan. Khi kết thúc thanh tra tôi viết báo cáo gửi thủ trưởng. Thủ trưởng cứ để lại mãi không kết luận hoặc khi kết luận thì làm giảm mức độ, từ vụ việc rất to thành rất nhỏ. Điều này làm sai lệch kết quả thanh tra. Tôi đề nghị kết luận thanh tra phải do trưởng đoàn thanh tra đó ký, chứ không phải do thủ trưởng cơ quan ký”.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nêu vấn đề “tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của cơ quan thanh tra có hay không?”. Nếu theo nguyên tắc này thì thanh tra phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan công an không, hay phải trình cấp trên trước, cấp trên cho phép mới chuyển hồ sơ, như vậy liệu có đảm bảo tính kịp thời.
Dự luật này tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 14-6.
Phạt nặng mới được ăn uống sạch
Việc quy định mức xử phạt tối thiểu bằng một lần và tối đa bằng bảy lần “số hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ” trong dự án Luật an toàn thực phẩm làm nhiều đại biểu phân vân. Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng: “Nếu căn cứ vào số lượng hàng hóa đã tiêu thụ để xử phạt thì rất khó vì nhiều người bán hàng không có hóa đơn hàng hóa, khó xác định số lượng hoặc phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng bày bán nhưng người bán hàng nói là chưa tiêu thụ thì không xử phạt được”. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng giới hạn xử phạt từ 1-7 lần là khoảng cách quá xa, dễ gây tiêu cực khi tiến hành xử phạt.
Các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) nhấn mạnh biện pháp công khai tên, địa chỉ cơ sở vi phạm hoặc người vi phạm an toàn thực phẩm lên báo chí, vì biện pháp này có tác dụng hơn phạt tiền. “Bên cạnh đó cần quy định rõ những người vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ, tước giấy phép kinh doanh”- ông Mạnh kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận