11/10/2005 05:15 GMT+7

Lỗ hổng mặt cầu Văn Thánh 2: "Lỗ hổng" về trách nhiệm!

N.A.
N.A.

TT - Sáng 10-10, PV Tuổi Trẻ phát hiện cầu Văn Thánh 2 (TP.HCM) đã bị vỡ một lỗ hổng có diện tích 0,5 x 0,5m. Như vậy, chiếc cầu này đang tiếp tục có những diễn biến xấu hơn sau khi xảy ra nhiều sự cố về chất lượng công trình. Thế nhưng đã hơn bốn tháng qua kể từ khi đoàn kiểm tra của bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận định về những hư hỏng cần được sửa chữa, đến nay, các đơn vị có trách nhiệm vẫn bình chân như vại. Và chiếc cầu đã không thể chịu đựng lâu hơn.

Đơn vị thi công: chờ thiết kế Ban quản lý: không nghiêm trọng Sở GTCC: chưa nghe báo cáo Cầu: nguy cơ sập rất cao

Vz2r28Ua.jpgPhóng to
Lỗ thủng lớn trên cầu Văn Thánh 2 làm vỡ bêtông ximăng, bêtông nhựa đường, trơ sắt thép (ảnh chụp sáng 10-10-2005)
TT - Sáng 10-10, PV Tuổi Trẻ phát hiện cầu Văn Thánh 2 (TP.HCM) đã bị vỡ một lỗ hổng có diện tích 0,5 x 0,5m. Như vậy, chiếc cầu này đang tiếp tục có những diễn biến xấu hơn sau khi xảy ra nhiều sự cố về chất lượng công trình. Thế nhưng đã hơn bốn tháng qua kể từ khi đoàn kiểm tra của bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận định về những hư hỏng cần được sửa chữa, đến nay, các đơn vị có trách nhiệm vẫn bình chân như vại. Và chiếc cầu đã không thể chịu đựng lâu hơn.

Cầu không còn an toàn

Để cảnh báo các phương tiện giao thông qua cầu Văn Thánh 2 tránh đi vào chỗ mặt cầu bị vỡ, người ta đã cắm vào đó một cái cọc chẳng khác nào ngọn lao chĩa ngược vào chiều xe chạy càng làm tăng thêm phần nguy hiểm cho xe lưu thông.

Ở chỗ mặt cầu bị vỡ to lộ ra những thanh sắt bị cong queo và mọi người có thể nhìn xuyên xuống mặt đất bên dưới. Cách chỗ mặt cầu bị vỡ khoảng 200m, cũng trên làn đường ôtô chạy chiều từ Bình Thạnh hướng về quận 1, một “ổ trâu” cũng được cắm một cây cọc như ngọn lao chĩa ngược chiều xe chạy.

Nguy cơ sập cầu Văn Thánh rất cao

* Chiều 10-10, có mặt tại hiện trường, một chuyên viên về cầu ở Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM cho biết:

Hiện trạng cầu Văn Thánh 2 đang rất nguy hiểm, bởi vì các ôtô đều giảm tốc và né khi thấy chỗ thủng trên mặt cầu càng tạo ra một lực xô ngang tiếp tục phá vỡ mặt cầu. Bên cạnh đó, việc cho xe chạy dồn về một bên cầu sẽ tiếp tục tạo dư chấn phá vỡ tiếp mặt cầu còn lại. Nguyên nhân chính như đã được cảnh báo cách đây vài tháng là các dầm chuyển dịch ở đầu dầm đã làm mặt cầu yếu đi gây vỡ. Nếu không kiểm định và có biện pháp sửa chữa ngay, mặt cầu sẽ tiếp tục bị vỡ làm yếu các dầm vì không còn liên kết. Như vậy, nếu để thêm thời gian không những mặt cầu bị vỡ mà còn có nguy cơ dầm cầu rớt xuống và không tránh khỏi khả năng sập cầu. Dự kiến khoảng từ 15 ngày đến một tháng diễn biến cầu Văn Thánh 2 sẽ tiếp tục xấu hơn.

* Theo kết quả kiểm tra trước đây của Đoàn kiểm tra thuộc Bộ GTVT: ở mố M1 có 20/24 phiến dầm bị nứt, vỡ đầu dầm. Trong đó hư hỏng nặng đến 8/20 phiến dầm... Ở mố M2 hầu hết mép cạnh đầu dầm phía phải bị chạm khít tường đầu mố. Nứt vỡ lớp bêtông bảo vệ 1/24 phiến dầm, sứt mẻ đầu dầm 15/24 phiến. Tình trạng gối thớt trên, dưới của gối dầm ở cả 24 phiến dầm đều bị lệch tương đối...

Mặt đường có dấu hiệu lún sụt ngày càng nặng bởi có đến 30 điểm đọng nước trải dài từ cầu Văn Thánh 2 đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dù không phải là ngày có triều cường.

Cách chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 200m, có một đoạn dài khoảng 10m nước ngập cả mặt đường dành cho làn ôtô chiều từ Bình Thạnh về quận 1. Riêng bên hông cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nước đọng kéo dài khoảng 30m, lấn ra bề rộng lòng đường khoảng 1m.

Còn ở hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh, bề mặt vỉa hè có một số đoạn lún sụt rất nặng. Nhiều nắp cống trên đường này bị dịch chuyển xiêu vẹo, có cái bị mất được che đậy tạm.

Đơn vị thi công: chờ thiết kế

Trả lời về sự cố mặt cầu Văn Thánh 2 bị thủng, ông Nguyễn Văn Thanh - tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - đơn vị thi công cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ nên không rõ nguyên nhân sự cố này do chất lượng thi công hay do thiết kế, cần xem lại bản vẽ mới có thể xác định được ai sẽ chịu trách nhiệm. Thế nhưng, việc thiết kế cầu Nguyễn Hữu Cảnh như một chiếc cầu trên tỉnh lộ rõ ràng là bất ổn vì con đường này có mật độ xe tải nặng lưu thông dày đặc suốt ngày đêm”.

Còn vì sao đã gần năm tháng qua kể từ khi đoàn kiểm tra xác định những hư hỏng nhưng cầu chậm được sửa chữa thì ông Thanh nói: “Chúng tôi đã yêu cầu tư vấn thiết kế - Công ty Thiết kế giao thông vận tải phía Nam làm nhanh thiết kế để sửa chữa vì trước sau gì cũng phải sửa. Rõ ràng không thể kéo dài thêm thời gian được nữa, chúng tôi sẽ quyết tâm làm nhanh và làm tốt việc sửa chữa chiếc cầu này”.

Ông Thanh cũng chỉ cho biết giải pháp khá sơ sài: sẽ làm lại toàn bộ mặt cầu, như đan thêm sắt và đổ lớp bêtông dày thêm để sức tải chia đều trên mặt cầu.

Ban quản lý: không nghiêm trọng

Trong khi đó, ông Quách Văn Điệp - phó giám đốc Ban quản lý dự án công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh - đơn vị chủ đầu tư, lại cho rằng “không đến mức độ nghiêm trọng lắm, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp xử lý tạm. Việc sữa chữa mặt cầu bị hỏng sẽ nằm trong kế hoạch sửa chữa toàn diện cầu, đường lún và tường che mố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị nứt”.

Về nguyên do chậm trễ sửa chữa những sự cố ở cầu, ông Điệp phân trần: “Chúng tôi không chủ động được vì đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải vào TP họp bàn với Sở Giao thông công chính (GTCC) TP. Trong một số cuộc họp của đòan này với các cơ quan có thẩm quyền chúng tôi không được mời dự, mãi đến khi có kết luận mới được nghe thông báo”.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị thiết kế phải hoàn thành ngay trong tuần này để bắt tay vào sửa chữa. Theo tôi, các bên gồm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công đừng lo đến việc lỗi của ai mà cần cùng nhau bắt tay sửa chữa gấp cầu đang có sự cố” - ông Điệp nói.

Sở GTCC: chưa nghe báo cáo

d6Vqs70j.jpgPhóng to
Ảnh chụp từ dưới gầm cầu sáng 10-10-2005 - Ảnh: N.C.T.

Ông Trần Quang Phượng - phó giám đốc Sở GTCC TP - khi nghe nhà báo hỏi về sự cố mới điện thoại yêu cầu các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý, khắc phục ngay.

Một chuyên viên của Phòng quản lý giao thông sau khi ra hiện trường xem xét mặt cầu bị thủng đã báo cáo với sở là không thể giặm vá, duy tu được vì mặt cầu bị động (do các phương tiện qua lại) nên không bảo đảm kết cấu bêtông. Sở GTCC đã yêu cầu các đơn vị có biện pháp rào chắn, dùng một tấm vỉ sắt che đậy ngay chỗ thủng. Ông Phượng cũng cho biết ông chưa nghe chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công báo cáo về sự cố này.

Ông Phượng thừa nhận “đúng là đã kéo dài quá lâu việc sửa chữa cầu Văn Thánh 2, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún. Cách đây vài tháng sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, UBND TP đã thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT gửi Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, thi công và chủ đầu tư phải chịu kinh phí sửa chữa. Thế nhưng, do các đơn vị này thuộc Bộ GTVT nên chúng tôi sẽ đề nghị bộ có biện pháp xử lý hành chính các đơn vị làm chậm trễ và sở sẽ báo cáo UBND TP cho sửa chữa sớm”.

Rõ ràng lỗ hổng mặt cầu Văn Thánh 2 đã để lộ rõ hơn một “lỗ hổng” khác: “lỗ hổng” trách nhiệm!

“Sự cố” cầu Văn Thánh 2 và đường Nguyễn Hữu Cảnh

- Tháng 5-1997 khởi công xây dựng công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3.690m, cho sáu làn xe. Trong đó xây dựng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Thị Nghè 2, nút giao thông ở đầu cầu Sài Gòn và đường dưới dạ cầu Sài Gòn, hầm chui Văn Thánh 2. Công trình có vốn đầu tư ban đầu là 278 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 419,2 tỉ đồng. Đầu năm 2002 hoàn thành xây dựng công trình.

- Lún hầm chui Văn Thánh: tháng 1-2002 hoàn thành hai hầm; tháng 4-2002 lún hai hầm, được sửa chữa đến tháng 1-2003 mới xong.

- Lún đường Nguyễn Hữu Cảnh: đầu năm 2003 phát hiện đường bị lún. Tháng 6-2003, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng - kiểm định thấy nhiều đoạn đường bị lún từ 5cm đến gần 1,1m, đa phần trên địa bàn quận Bình Thạnh.

- Sự cố cầu Văn Thánh 2: tháng 1-2000 khởi công xây dựng cầu dài 83m, rộng 43,7m và hoàn thành vào tháng 12-2001. Tháng 7-2004 phát hiện có hư hỏng cục bộ ở đầu dầm và mố cầu. Tháng 8-2004: Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam đã lập hồ sơ “công tác sửa chữa khuyết tật cầu”.

Tháng 8-2005 Bộ Giao thông vận tải có báo cáo gửi Thủ tướng những nội dung cần xử lý, giải quyết về mặt kỹ thuật, như việc khắc phục ngay sự cố đầu dầm và mố cầu, bù lún một số đoạn bị ngập khi triều cường, sửa chữa tường che đường dẫn cầu vượt.

- Trách nhiệm của các đơn vị gồm chủ đầu tư dự án là Công ty Sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu thanh niên xung phong. Đơn vị thi công là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và đơn vị tư vấn giám sát là Phân viện khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục sự cố Văn Thánh 2 vẫn chưa thực hiện.

N.A.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên