26/06/2011 09:46 GMT+7

Lộ hàng!

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Này ông, cánh nhà báo các ông thật là ít chữ ít nghĩa. Nói thế ông đừng giận. Chứ sao các ông/các bà nhà báo chữ nghĩa để đâu mà đưa những cái tin người đẹp này, người mẫu kia trót hớ hênh những bộ phận cần che kín thì các ông/bà lại gọi đó là “lộ hàng”.

Những người đó vô tình, hay cố ý đi nữa, thì họ cũng không coi những bộ phận thân thể của mình là hàng hóa phải phô ra, bày ra, chường ra như một món hàng đem bán cho thiên hạ ngắm nhìn, soi xét, mặc cả, trả giá.

Thời của thông tin "lộ hàng"?

Lỗi ở đây ở cánh nhà báo các ông, chỉ một sự sơ suất, một lỗi vô tình, các ông thổi lên thành tin, bài, sự kiện và thêm mắm, thêm ớt, giật những cái tít hớ hênh câu chữ hơn cả sự hớ hênh da thịt, kích thích sự tò mò vốn cố hữu trong bản tính người để hút khách đọc báo. Thương thay cơ thể các giai nhân, giận thay ngòi bút các nhà báo.

- Ối giời, ông ngây thơ cụ vừa chứ, phần lớn cánh nhà báo chúng tôi đôi lúc có rỗi việc, rách việc thật, có đói tin đói bài thật nhưng cũng chưa đến nỗi vì kế sinh nhai mà bán rẻ ngòi bút cho những mẩu rao da thịt thừa ra ngoài áo quần. Ấy chẳng qua là những người đẹp cần được “lộ hàng” không chỉ ngoài đời mà còn trong dư luận. Ông hỏi sao bọn tôi dùng chữ “hàng” cho những mông đùi, ngực má, chân tay của họ phô ra ư. Vì họ, đúng ra là một số trong bọn họ, thích thế, muốn thế, họ coi những bộ phận trên cơ thể mình có thể phơi ra, lộ ra như là những món hàng có thể hút khách xem, tôi không dám nói là mua, khi đó họ có thể nổi tiếng, có thể khiến dư luận nhắc đến, nhớ đến. Đây cũng là một nhu cầu cuộc sống, ông chịu vậy không, mà khi đã có cung thì ắt có cầu. Vả lại, làm báo thời nay, bảo lá cải thì không phải, nhưng bảo không lá cải thì cũng không phải. Nó là cái gì, ông biết không? Nó là một thứ báo “cải chửa ra hoa, cà đã nụ”.

Câu chuyện trên đây của tôi và một người bạn chăm đọc báo lâu nay và chán đọc báo gần đây.

Cái sự nhảm nhí trên báo ta xem chừng ngày một nhiều. Hình như các báo, nhất là báo mạng, đang muốn câu người xem, nói theo thuật ngữ mạng là page view, bằng những gì kích thích trí tò mò bản năng sơ đẳng nhất của con người. Cướp - giết - hiếp - lừa, những hành vi phi nhân tính, vô đạo đức, trái pháp luật lại đang là những tin bài “hot” ngày ngày trên nhiều trang báo, vượt trội và lấn lướt những tin thời sự chính trị, xã hội, kinh tế quan trọng và cấp bách. Không ít báo đã không tự kiềm chế mình và không tự biết xấu hổ nên các luồng tin như vậy được ào ạt xổ ra, cơ hồ cuốn phăng nỗ lực của những tờ báo, nhà báo có lòng đau nước đau dân, muốn dân chúng, dư luận chú ý đến những vấn đề, sự kiện có ý nghĩa lớn hơn, to tát hơn. Thú thật có nhiều tờ báo mà đọc vào thấy lòng xốn xang.

“Lộ hàng” ở một người cụ thể, một tình cảnh cụ thể có thể không xấu, không đáng nặng lời, đôi lúc còn cần được thông cảm. Nhưng việc biến nó thành một sự kiện báo chí thì đó chính là sự “lộ hàng” đáng trách nhất và đáng xấu hổ nhất.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên