Học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Năm nay, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong tháng 8-2020 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trên diễn đàn của trường, học sinh chia sẻ lo lắng, hoang mang rất nhiều. Điều các em lo nhất là sẽ phải tham dự hơn một kỳ thi trong khi chưa hình dung được cụ thể sẽ như thế nào.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội)
Điều này khiến nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh bất ngờ, lo âu.
Tăng áp lực đột ngột
Hầu hết thầy cô giáo ở bậc phổ thông và học sinh khi được hỏi đều bày tỏ lo lắng với phương án thi mới.
"Không giảm mà còn tăng áp lực" - nhiều giáo viên nhận xét. Áp lực không phải chỉ là vẫn có một kỳ thi đủ năm bài thi với chín môn học, mỗi học sinh lớp 12 để xét tốt nghiệp sẽ phải dự thi bốn bài gồm sáu môn, mà còn ở chỗ học sinh lớp 12 năm nay sẽ phải tham dự ít nhất hai kỳ thi/xét tuyển để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
So với việc chỉ có một kỳ thi như năm 2019, năm nay thí sinh sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp có thể sẽ phải di chuyển về các thành phố để tham dự kỳ thi đại học. Dự tuyển trường nào, phải thi, tham gia xét tuyển theo cách của trường đó.
"Giữa lúc học sinh vẫn đang không đến được trường do dịch COVID-19 thì việc thay đổi phương án thi vào thời điểm này khiến giáo viên, phụ huynh, học sinh đều hoang mang hơn.
Thi tốt nghiệp với học sinh có trình độ học lực khá không phải vấn đề đáng lo, nhưng học sinh trường tôi phần lớn sẽ thi đại học.
Trong khi ở thời điểm hiện tại các phương thức tuyển sinh đều chưa rõ ràng. Học sinh không có đủ thời gian để chuẩn bị cho thay đổi này" - cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), trao đổi.
Giáo viên cho rằng dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trường, học sinh, nên kỳ thi chưa rõ ràng làm các em rối bời hơn. Trong ảnh: học sinh Khánh Hòa theo dõi dạy học qua truyền hình - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Chỉ nên thi 3 môn
Khi được hỏi "bạn nói gì về phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay?", bạn H.D. - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM - chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất lo. Với kỳ thi này, học sinh khối 12 chịu áp lực nhiều hơn là thi THPT quốc gia như những năm trước.
Thi tốt nghiệp THPT mà có đến 4 bài thi văn, toán, ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp là quá nặng. Tính ra mỗi học sinh phải ôn sáu môn để đi thi tốt nghiệp, trong khi phía trước còn thi đại học".
Còn thầy Phùng Nhật Anh, giáo viên môn vật lý Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM), chia sẻ: "Nhiều phụ huynh, học sinh của tôi tỏ ra lo lắng khi biết những thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhất là những phụ huynh, học sinh có nguyện vọng dự thi vào các trường đại học tốp đầu.
Bởi chắc chắn những trường đại học này không tuyển sinh bằng cách xét học bạ, mà sẽ tổ chức kỳ khảo sát riêng. Như vậy, học sinh thuộc đối tượng này sẽ phải tham dự hai kỳ thi trong năm nay".
Thầy Phùng Nhật Anh đề xuất: "Cá nhân tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp chỉ nên có 3 bài thi toán, văn, ngoại ngữ là đủ. Những năm gần đây, đa số các tỉnh, thành đều có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt gần 100%. Nếu kỳ thi này không giảm nhẹ thì vô tình lại gây thêm áp lực học tập và thi cử cho học sinh khối 12".
Giải pháp nào tốt cho học sinh?
Một luồng ý kiến khác cho rằng trong bối cảnh đặc biệt năm nay, nếu không thể bỏ thi tốt nghiệp để học sinh tập trung thi tuyển sinh đại học thì nên giữ kỳ thi THPT quốc gia.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), bày tỏ: "Trong bối cảnh hiện nay, các trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không nên thay đổi hình thức thi bất ngờ khi mà thời gian học không còn nhiều, hình thức học của học kỳ II không đảm bảo chất lượng, tâm lý bất an do dịch bệnh, tài chính gia đình sa sút...".
Theo ông Bình, nếu có thể được nên giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng đề thi tập trung đánh giá nội dung kiến thức học kỳ I (lớp 12). Kiến thức học kỳ II (nếu có thi) chỉ ở mức độ nhận biết, thông hiểu.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - cũng cho rằng trong bối cảnh năm nay không nên có thay đổi lớn, vì định hướng thi THPT quốc gia đã được các nhà trường có kế hoạch để dạy học, ôn tập cho học sinh rồi.
Nếu nay thay đổi theo cách thi tốt nghiệp riêng, tuyển sinh đại học riêng sẽ gây khó khăn, tốn kém, áp lực cho học sinh, phụ huynh.
Cô Nhiếp cho rằng giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia và đề thi chủ yếu tập trung vào kiến thức học kỳ I sẽ tốt nhất cho học sinh hiện nay.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - nói nếu thay đổi lớn như thế này, Bộ GD-ĐT cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ. Khi công bố phương án thi, học sinh phải biết sẽ thi như thế nào?
Các trường đại học cũng cần có sự chuẩn bị để xây dựng phương án tuyển sinh, thông báo sớm cho học sinh cả nước chuẩn bị mới tránh gây xáo trộn, hoang mang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận