Phóng to |
Con đường đến chiến trận
Không được đến trường, nghèo đói, bạo hành và sự thiếu quan tâm của gia đình chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em muốn rời bỏ mái ấm để cầm súng. Một số khác bị ép gia nhập lực lượng vũ trang (LLVT), đổi lại mạng sống của nhiều người khác.
“Ba chết khi em 1 tuổi. Mẹ lấy chồng khác. Ba dượng thường xuyên đánh mẹ. Em có 6 anh chị em và chúng em phải tự lo cho bản thân. Khi em có lỗi, ba dượng và mẹ đánh em bằng cành ổi cho tới khi nào nó gãy. Họ còn bỏ em vào bao, treo lên cây rồi đốt lửa ở dưới. Em không bao giờ bỏ chạy khi bị đánh. Cha dượng chỉ ngừng đánh mẹ khi biết em gia nhập LLVT”. (16 tuổi)
“Em không được đi học vì nhà quá nghèo và ở nhà phụ cha đánh cá. Cha chết khi em 12 tuổi. Lúc đó em không thể tiếp tục công việc đánh cá của cha một mình vì còn quá nhỏ. Mẹ bảo em nên gia nhập LLVT để cải thiện cuộc sống. Lúc đầu em chỉ làm người giúp việc nhưng sau đó em phải ra mặt trận. Hằng tháng em đều gửi hết lương về cho mẹ”. (16 tuổi)
“Lúc 17 tuổi, LLVT đến làng và dọa sẽ giết nếu em không đi với họ. Họ bảo tất cả mọi thanh thiếu niên phải gia nhập LLVT bằng không họ sẽ giết hết. Em sợ chết nên đã đồng ý đi theo”. (18 tuổi)
“Em vẫn còn nhớ ngày LLVT đi vào lớp học và bảo cô giáo rằng họ cần một số trẻ em để vận chuyển vũ khí. Ngày hôm sau, tất cả mọi người trong lớp phải vận chuyển vũ khí lên núi. Một số bạn rất sợ nhưng vẫn phải làm công việc này bởi vì nếu phản đối, chắc chắn sẽ bị đưa ra mặt trận. Chúng em vừa mang vũ khí nặng trên lưng vừa phải chú ý tránh để khỏi đạp mìn trên đường đi”. (16 tuổi)
“Khi tôi 14 tuổi, tôi đã cùng với khoảng 10 đứa bạn trong làng gia nhập LLVT. Đó là mong ước của tôi bởi vì trước đó, khi gặp những tay súng trong làng, tôi thấy họ mới đẹp làm sao”. (20 tuổi)
“Ông bà nội gửi em đến trường nhưng em không chịu học hành tử tế. Em cảm thấy cuộc sống vô nghĩa khi không được gia đình quan tâm. Khi 14 tuổi, em cùng với một số người bạn gia nhập LLVT. Với em cuộc đời lúc đó chẳng có ý nghĩa gì”. (16 tuổi)
Địa ngục
Bắn, giết, hãm hiếp, uống máu - ăn thịt người là những gì lính vị thành niên làm trong đời cầm súng của mình. Chất gây nghiện là một liều thuốc không thể thiếu để buộc các em làm những điều mất tính người.
Và dĩ nhiên, luôn có ác mộng trong giấc ngủ của những sát thủ vô tội này. “Em sợ nhất khi em ngủ”, một cậu bé 17 tuổi đã trả lời như vậy khi được hỏi rằng khoảnh khắc nào trong ngày làm cậu sợ nhất.
“Mỗi ngày họ đều đến làng và bắt em đi theo. Họ dọa sẽ giết chết mọi người nếu em không đi theo họ. Ba mẹ dặn em phải làm theo những gì họ yêu cầu nếu như không muốn tất cả mọi người trong làng đều bị giết. Trong lần đầu đi theo, họ bắt em phải hãm hiếp một phụ nữ và giết tất cả những gì gặp trên đường đi”.
“Em gia nhập LLVT lúc 9 tuổi. Họ tiêm cho em cocaine và phát cho một khẩu AK 47 rồi đẩy em ra mặt trận bắt giết người. Tám tháng sau, em trở nên khát máu. Em trở thành trưởng nhóm quản lý một số bạn đồng trang lứa khác. Từ đó em không còn nghĩ đến gì ngoài việc giết người và hãm hiếp”.
"Em nghe một tiếng nổ lớn và phát hiện ra toàn bộ người thân đã chết. Chợt em nghe tiếng nói chuyện. Em vừa ra khỏi chỗ nấp thì gặp 3 tay súng trạc tuổi em. Lúc đó em chỉ mới 12 tuổi. Bọn họ quát to, bắt em quỳ gối và đòi thức ăn vì cả 3 đã không gì trong ba ngày. Sau khi ăn xong, tay súng nhỏ nhất, cỡ 9 tuổi chĩa súng vào em buộc em phải chọn giữa cái chết hoặc đi theo họ. Em mau chóng trở thành một tay súng cừ. Em đã ngủ và hãm hiếp không biết bao nhiêu người phụ nữ lớn tuổi hơn cả mẹ em. Trước mỗi trận đánh, họ đều cho em “trái bom phá luân lý”. Nó gồm cocaine, cần sa, rượu và một ly máu người. Em đã sống như vậy trong rừng khoảng 3 năm”.
“Em rất sợ khi lần đầu tiên ra mặt trận. Nhưng sau 2 hay 3 ngày, họ bắt đầu tiêm cho em cocaine và nỗi sợ nhanh chóng tan biến. Mỗi sáng em đều uống máu người. Đối với em máu người là càfê sáng”. (16 tuổi)
“Họ đánh đập và giết tất cả khoảng 10 người, già có, trẻ có. Em không giết ai nhưng những bạn khác cỡ tuổi em đã xả súng vào những người vô tội. Họ đổ máu những người chết ra tô bắt chúng em phải uống. Sau đó họ lấy gan và tim của những người bị chết, cắt thành lát, chiên lên rồi buộc chúng em phải ăn”. (11 tuổi)
“Trong nhóm của em có khoảng hơn 10 bạn trạc 11-12 tuổi, cỡ tuổi em. Em chỉ học được những điều xấu từ họ. Cả nhóm dạy em phải giết người, hãm hiếp phụ nữ và phá nhà cửa. Em chưa thấy nhóm hãm hiếp ai nhưng nhóm kể đã từng làm điều này nhiều lần”.
“Em luôn ngủ trong nỗi sợ. Em thường bật dậy nửa đêm với ý nghĩ có ai đó đang muốn giết mình. Em không biết mình đã thấy gì trong giấc mơ nhưng em luôn thấy sợ khi thức dậy. Cho tới giờ em vẫn còn gặp ác mộng. Trong cuộc sống hằng ngày, em rất dễ cáu gắt”. (16 tuổi)
Những nạn nhân nhỏ tuổi
Khi trở về từ chiến, họ cảm thấy lạc lõng với cuộc sống bình thường. Cáu gắt với bất cứ lý do gì, sẵn sàng hành hung những người xung quanh, buồn chán với cuộc sống hiện tại, họ là một mối nguy hiểm của xã hội nhưng đó không phải lỗi ở chính bản thân họ.
“Em không thể sống một cuộc sống văn minh với gia đình. Em thấy cuộc sống hiện tại quá nhàm chán. Em chỉ thích tiếng súng, em quen với rừng già và thèm “trái bom phá luân lý”.
“Khoảng 1 tháng một lần, tôi gặp ác mộng. Tôi tức giận vô cớ khi cảm thấy khó ở trong người. Tôi uống rượu để quên hết mọi chuyện”. (25 tuổi, gia nhập LLVT lúc 17 tuổi)
“Tôi rất dễ cáu gắt, dù cho những chuyện không ra đâu. Tôi không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Sau chiến tranh, cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi nghĩ mình khó trở thành một người bình thường". (23 tuổi, gia nhập LLVT lúc 15 tuổi)
“Tôi sẵn sàng đánh lộn với bất kỳ ai. Tôi dùng bất kỳ thứ gì đang cầm trên tay để đánh nhau khi có chuyện gì không vừa lòng. Tôi không muốn nghe lời ai khuyên bảo. Tôi đã từng bắn em gái ruột của mình khi nghe ba nói nó không nghe lời. May mà nó không chết. Một lần khác tôi đã chặt hết ngón tay của kẻ đã trộm một chiếc quần”. (19 tuổi, gia nhập LLVT lúc 9 tuổi)
“Nhiều bạn ở trường xì xầm về việc em từng là một tay súng. Em đã bị ép gia nhập LLVT, em đâu muốn điều đó. Em muốn tiếp tục được học nhưng xem ra điều đó khó quá. Có nhiều người không thích em. (17 tuổi, gia nhập LLVT lúc 16 tuổi)
Một số cho biết khi có chiến tranh trở lại, họ sẵn sàng tham chiến vì chỉ khi cầm súng họ mới có được thực phẩm, được quan tâm và khẳng định được giá trị bản thân. Một số khác cảm thấy quá tuổi đi học và không được cộng đồng chấp nhận. Nhưng cũng có một số khác, vượt qua được những định kiến xã hội và mong muốn sống có ích.
Và khát vọng cho tương lai
Rất nhiều trẻ vị thành niên sau khi rời bỏ chiến đi học trở lại và thể hiện một khát khao đóng góp một phần công sức cho xã hội. Những người này tuyên bố dù chiến tranh có trở lại, họ sẽ bằng mọi giá không cầm súng. Đối với họ chiến tranh như vậy là quá đủ.
“Tôi đang học lớp 9 và muốn thi đậu đại học. Tôi không biết sẽ học chuyên ngành gì nhưng tôi rất muốn giúp ích cho cộng đồng của mình”. (18 tuổi, gia nhập LLVT lúc 11 tuổi)
“Khi còn cầm súng tôi không hề nghĩ gì đến chuyện đi học. Bây giờ tôi đang được đi học và ước mơ trở thành người thành đạt. Tôi muốn trở thành một bác sĩ”. (22 tuổi, gia nhập LLVT lúc 11 tuổi)
“Tôi đang học lớp 9 và sẽ trở thành mục sư. Tôi quyết định trở thành một mục sư bởi vì Thượng Đế đã cứu tôi nhiều lần. Trong khi còn cầm súng tôi đã luôn cầu nguyện và đã được chứng kiến những phép lạ”. (23 tuổi, gia nhập LLVT lúc 15 tuổi)
Đây là kết quả phỏng vấn những trẻ em đã từng cầm súng tại khu vực châu Phi và Đông Nam Á - Thái Bình Dương do Liên Hiệp Quốc và UNICEF (tổ chức nhi đồng của Liên Hiệp Quốc) thực hiện. Trong số những trẻ được phỏng vấn, chỉ có một số rất ít là bé gái do đó chúng ta vẫn chưa có cái nhìn khái quát và chính xác về số phận của rất nhiều bé gái buộc phải cầm súng.
Vào năm 2002, LHQ đã chính thức thông qua nghị định thư cấm sử dụng trẻ vị thành niên trong quân đội, dưới bất kỳ hình thức nào. Cho đến nay đã có hơn 100 quốc gia ký hoặc phê chuẩn nghị định thư này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận