Tại Giải vô địch thể hình toàn quốc 2011 vừa kết thúc hồi cuối tháng 10, Hoàng Triều đã đoạt HCB. Năm ngoái, anh cũng đã mang về cho quê hương cao nguyên Lâm Đồng chiếc huy chương vàng (HCV) Đại hội TDTT toàn quốc.
![]() |
Phan Hoàng Triều trên bục hạng nhì giải Vô địch Thể hình toàn quốc 2011 |
Tuy nhiên, ít ai biết rằng chơi thể hình chỉ là niềm đam mê của Triều. Hiện tại, anh là một kỹ sư hóa học.
Tuổi thơ Triều gắn với những rẫy cà phê bạt ngàn nơi đỉnh đèo Phú Hiệp - Di Linh - Lâm Đồng. Nhà có ba anh em trai, thì Triều và anh Hai đặc biệt mê thể thao, riêng Triều ngoài điền kinh anh mê cả thể hình. Con trai, nhất là ở lứa tuổi mới lớn ai chẳng muốn có một thể hình đẹp và lại có sức khỏe. Hồi đó, Triều đã tự đúc tạ, rồi mua sách dạy thể hình về đọc và tập theo.
Cái thời “ngày xưa” ấy, ở miền núi, không được ai định hướng, chú nhóc Hoàng Triều một mực thi đại học thể thao. Cũng như rất nhiều bạn trẻ khác - đăng ký thi mà không rõ chuyên ngành mình học là thế nào, Triều nghĩ rằng chỉ có ở đó người ta mới dạy thể hình.
Gần 2 tháng ôn thi ở đại học thể thao, anh đăng ký tập thể hình ở một phòng tập bên ngoài trường. Triều nhớ mãi lúc đó, không hiểu thế nào mà cơ thể phát triển nhanh khủng khiếp. Đi thi đại học mà anh lên tới 7kg!
Triều không đậu ĐH TDTT như mong ước, nhưng duyên thể hình đã kịp bén khi ngày trở về, anh được HLV Phù Tường Hùng phát hiện. Ngay lập tức anh được chọn đi thi đấu giải trẻ VĐTQ 2002. Người HLV này không những dạy Triều biết cách biểu diễn, cách gồng mà thật sự đã thổi bùng ngọn lửa đam mê thể hình trong anh. Thế là chỉ sau hơn 20 ngày tập huấn, anh giành ngôi vàng.
Từ đó, Triều được cấp 20.000 đồng/ngày giúp anh tăng thêm khẩu phần. Tràn trề nhiệt huyết, năm 2003 Triều tiếp tục giành thêm hai huy chương vàng giải trẻ và được gọi lên tập trung đội tuyển quốc gia.
Lên tuyển, lần đầu tiên nhìn thật gần những cơ thể vạm vỡ của đàn anh, Triều “choáng”. Điều đó như liều kích thích những VĐV trẻ cố gắng “đu đeo” theo. Năm 2004, anh đoạt HCB giải vô địch châu Á. Giai đoạn này, anh được thầy Huỳnh Anh (HLV trưởng đội tuyển thể hình) nhận xét là VĐV triển vọng.
![]() |
Phan Hoàng Triều |
Có tố chất và đầy đam mê, một VĐV như anh có thể chấp nhận gián đoạn học hành để theo đuổi ước mơ khẳng định mình trên con đường thể thao. Nhưng có một điều thẳm sâu luôn giữ Triều không cuốn theo đam mê. Xa nhà, mỗi khi nghĩ về gia đình, Triều càng thương mẹ thương anh. Ba mất sớm, mẹ còn lại một mình với ruộng rẫy lo cho ba anh em ăn học. Triều kể lại: “Anh Hai đã hi sinh rất nhiều cho gia đình. Trước khi ra đi ba em dặn lại anh Hai phải ráng học xong lớp 12 rồi giúp mẹ lo cho các em. Anh nghe lời ba, tốt nghiệp lớp 12 anh không đi thi tiếp mà ở nhà phụ mẹ nuôi hai em ăn học”.
Vậy là trượt đại học thể thao, Triều vào ngay trung cấp. Anh nghĩ rằng anh cần một nghề: “Năm năm hay lâu hơn nữa cũng không quan trọng khi mình sẽ sống bằng nghề ấy trong cả cuộc đời”.
Triều nhớ lại - thế giới lúc đó với anh chỉ còn học và tập, tập mê say.
Triều tiếp tục lên cao đẳng. Thời khóa biểu của anh đều đặn ngày ba buổi: sáng tập, chiều dạy và tối đi học. Triều hoàn thành chương trình liên thông cao đẳng rồi… trượt đại học “cũng vì tội chủ quan” - Triều cười, nhớ lại thời điểm đó quá tập trung vào tập luyện mà xao nhãng việc học. Buồn nhưng không nản, năm sau Triều ôn thi tiếp.
Lần này anh bỏ dạy thêm, tập xong là vùi đầu ôn tập với máy tính trong khách sạn - nơi ở chỉ dành riêng cho VĐV đội tuyển ở tỉnh. Mừng biết bao khi nghe tin mình trúng tuyển đại học, chàng tuyển thủ hăm hở với những kế hoạch tập và học trước mắt.
Đến đây, một sự kiện như gáo nước lạnh đánh thức giấc mê say của chàng trai trẻ. Cuối năm 2005, chuẩn bị đi SEA Games 23, Triều bị loại. Tập trung kỳ này, anh đầu tư biết bao nhiêu công sức, bồi dưỡng cơ thể, lại còn kế hoạch học đại học… Trả về địa phương với vài trăm ngàn tiền bồi dưỡng có nghĩa là anh khó có thể tiếp tục phát triển. Bao quyết tâm, bao dự định bỗng chốc như bị xóa sạch. Triều cảm giác như bị ném ra đường.
“Cú ngã” làm anh tỉnh lại. Anh nhận thức thể thao chuyên nghiệp đúng nghĩa trong điều kiện của anh là không thể có. Một ngày nào đó, anh sẽ trở lại cuộc đời với hai bàn tay trắng như bây giờ.
Triều chia tay thể hình và cũng bỏ luôn cuộc thi vô địch quốc gia năm đó. Nhưng một năm sau, được tỉnh nhà động viên, sẵn học ở thành phố Hồ Chí Minh và trong lòng niềm đam mê vẫn luôn vẫy gọi, anh tập lại và được lên đội tuyển.
Lần này anh trưởng thành hơn, gặp lại thầy Huỳnh Anh, được tận tình chỉ bảo, Triều càng chăm chú học hỏi cách tập luyện. Đặc thù VĐV thể hình bắt đầu tập muộn và “chín” cũng muộn - khi ngoài 30, bởi vậy không cần gấp gáp.
Thế rồi sau 7 năm theo đuổi học hành, năm 2009 Triều tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP.HCM, chuyên ngành công nghệ hóa học. VĐV ở tỉnh xa có một điều bất lợi, mỗi lần đi tuyển là mỗi lần gạt hết công việc nhà sang bên. Gần cuối năm trở về, đầu năm sau lại đi tiếp. Cuộc sống luôn xáo trộn, không liền mạch để làm bất cứ việc gì. Thế nên năm hết năm 2008, Triều xin nghỉ đội tuyển.
![]() |
Một tuần xa tổ ấm và con trai bé nhỏ đi thi đấu, anh chợt nhận ra thời gian qua vì đam mê hay mải kiếm tiền mà xao nhãng chăm chút gia đình |
Triều quyết định lên Đắk Lắk lập nghiệp. Có chuyên môn, Triều không mấy khó khăn khi tìm cho mình công việc phù hợp sở trường. Với sự giúp đỡ của gia đình, anh mở được hai phòng tập thể hình. Vừa giúp xây dựng phong trào cho địa phương, lại có thu nhập cho mình. Nghĩ lại cú “trượt vỏ chuối đầu đời” khi thi Đại học Thể thao, anh cho rằng đó là may mắn.
Từ một học sinh giỏi hóa, mê thể hình, giờ đây Triều đã thực hiện được những điều mình mơ ước: một công việc đúng với sở trường và cuộc sống gắn bó với niềm đam mê. Tuy bận rộn và không tập trung đội tuyển, Triều vẫn một mình tập luyện và được giới chuyên môn công nhận “thật sự tốt” khi đoạt HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc.
Vừa tập, vừa truyền lửa cho thế hệ học trò. Triều quan niệm, anh sẽ giúp học trò của mình vừa có thu nhập, vừa đảm bảo việc học cho tương lai. Và Triều tiếp tục ao ước học trò mình sẽ được vào đội tuyển quốc gia.
Triều thông báo anh vừa xin nghỉ đội tuyển Lâm Đồng hai năm. Anh khẳng định, “đam mê không bao giờ tắt, nhưng mỗi giai đoạn cần có sự đầu tư khác nhau”. Với anh, gia đình luôn phải là cội nguồn, là chỗ dựa cho mỗi con người. Một tuần xa tổ ấm và con trai bé nhỏ đi thi đấu, anh chợt nhận ra thời gian qua vì đam mê hay mải kiếm tiền mà xao nhãng chăm chút gia đình.
Đứng vững trong cuộc đời, Phan Hoàng Triều đã hoàn thành nghĩa vụ phấn đấu với mẹ và anh Hai, có gia đình, có sự nghiệp gắn với niềm đam mê, anh là người hạnh phúc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận