99 đại biểu sinh viên từ 11 nước, bảy đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại các nước và 26 đại biểu sinh viên Việt Nam đang học tập tại các tỉnh thành cả nước cùng có mặt trong các hoạt động thuộc khuôn khổ liên hoan này.
Thay đổi lớn bắt đầu từ việc nhỏ
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy gửi lời chào mừng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, đại diện sinh viên quốc tế hội tụ tại TP.HCM cùng nhau thảo luận những chủ đề rất quan trọng, thời sự. Dù với vai trò khác nhau song sứ mệnh của thanh niên, sinh viên, theo bà Thúy, đều mong mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng liên hoan tăng cường hơn nữa sự giao lưu, kết nối, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên, thanh niên từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Sao cho cùng phối hợp, hỗ trợ nhau, hình thành cộng đồng người trẻ có trách nhiệm, có hiểu biết và cống hiến cho sự phát triển của xã hội.
Phó bí thư Thành Đoàn - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM Trần Thu Hà chia sẻ mỗi địa phương, mỗi quốc gia và rộng lớn hơn là toàn cầu đã và đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, khủng hoảng kinh tế, y tế. Sẽ rất cần cách thức mới, sáng kiến giải quyết các thách thức ấy một cách hiệu quả.
"Đây là cơ hội quý để thanh niên, sinh viên được chia sẻ ý tưởng, sáng kiến, kiến thức học thuật, kinh nghiệm và cả những nghiên cứu của bản thân. Đồng thời kết nối với nhau để "tôi" sẽ trở thành "chúng ta", và "chúng ta" sẽ cùng nhau tạo nên những thay đổi tích cực hơn" - chị Hà nói.
Nhiều trăn trở và giải pháp
Diễn đàn đối thoại với các nhà lãnh đạo, các chuyên gia ngay phiên khai mạc xoay quanh các chủ đề cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc, khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững số 3 và 13 của Liên Hiệp Quốc.
Tại diễn đàn "Sinh viên hành động vì cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc", đại biểu Lý Tuấn Anh (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ biện pháp được trường áp dụng góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người trẻ.
Tuấn Anh nói thời gian gần đây có một số trường hợp sinh viên tự tử và đặt vấn đề: "Chúng ta cần làm gì, nhất là với các bạn cùng ở ký túc xá, họ rất cần được quan tâm đến sức khỏe tinh thần".
Tuấn Anh cho biết đã ghi chép khá nhiều thông tin các góc nhìn, quan điểm của bạn bè quốc tế về chăm sóc sức khỏe tinh thần dựa trên sự khác biệt về lịch sử, văn hóa. Qua đó có thể học hỏi, áp dụng tại Việt Nam, nhất là các trường tại TP.HCM một cách phù hợp.
Trong khi đó, đại biểu Aina Farhana Binti Ramlee (Malaysia) kỳ vọng có thêm nhiều kết nối với bạn bè quốc tế và bổ sung kiến thức về các chủ đề quan tâm, đặc biệt về sức khỏe và công nghệ.
"Đây cũng là nội dung chúng tôi thuyết trình, trong đó có quản lý rác thải, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Các vấn đề đang được quan tâm tại Malaysia nhưng mọi thứ còn khá mới mẻ nên chúng tôi mong học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác" - Aina nói.
Tại liên hoan, nhà sáng lập Cộng đồng Xanh Việt Nam Nguyễn Ngọc Ánh kể về trải nghiệm khó quên trong chuyến du lịch một mình tại Vũng Tàu năm 2019. Đó là lúc chạy bộ và cùng ngư dân kéo lưới, chị bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên xây lâu đài rác trên bờ biển. Câu hỏi bật lên:
"Tại sao thế hệ trẻ lại không được tận hưởng những bãi biển xanh và sạch, khi nào tình trạng này chấm dứt và nếu bây giờ chúng ta không làm gì thì đợi đến bao giờ?".
Chính câu hỏi ấy thôi thúc Ngọc Ánh phải hành động, bắt đầu từ việc nhặt rác và dọn sạch những nơi chị đi qua. Chị đã khởi động chiến dịch nhặt rác và ra đời Cộng đồng Xanh Việt Nam từ đó.
"Ban đầu chỉ vài người tham gia rồi cứ tăng dần, có khi hơn 120.000 người cùng nhau nhặt rác trong một ngày. Hành động dù nhỏ vẫn mang lại hiệu quả lớn hơn lời nói" - chị Ánh chia sẻ.
Vai trò tiên phong của thanh niên
Liên hoan Sinh viên thế giới TP.HCM lần 1 do Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ tổ chức, chia sẻ thông điệp "Thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện vì cộng đồng: Từ địa phương đến toàn cầu".
Đây là cơ hội khẳng định vai trò tiên phong của thanh niên, sinh viên cùng thúc đẩy những thay đổi tích cực vì sự phát triển cộng đồng. Qua đó khơi dậy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, đóng góp tiếng nói và hành động vì những vấn đề chung toàn cầu, đặc biệt là 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Kết hợp cùng Diễn đàn khoa học quốc tế sinh viên, liên hoan công bố báo cáo quốc tế "Vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong việc góp phần giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững trong cộng đồng ASEAN" do sinh viên TP.HCM nghiên cứu, thực hiện, giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học, tham luận xuất sắc của sinh viên.
Gen Zero hành động về khí hậu
Tại diễn đàn "Sinh viên hành động về khí hậu", đại biểu cùng lắng nghe dự án Gen Zero do Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc (sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) và Á vương 1 Nam vương thế giới Việt Nam Võ Minh Toại chia sẻ.
Đây là dự án phi lợi nhuận thúc đẩy thanh niên tham gia vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, trong đó tập trung vào hành động về khí hậu, hướng đến phát triển bền vững.
Hai đại diện dự án dẫn ra sự khủng hoảng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà Jakarta (Indonesia) là một trong những TP bị chìm nhanh nhất, trong khi Philippines hứng chịu hơn 20 cơn bão mỗi năm, còn Thái Lan mất 30km² bờ biển mỗi năm.
Những con số khác cũng rất đáng suy nghĩ như 60.000 người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí tại Việt Nam, 1 triệu loài có nguy cơ bị tuyệt chủng hay mực nước biển đang tăng lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận