Từ trái qua: cựu chủ tịch Kim Dong Ho và tân chủ tịch Park Kwang Su - Ảnh: ANH VŨ
Tại bàn tròn Chia sẻ kinh nghiệm kết nối các liên hoan phim bờ biển, cơ hội cho TP Đà Nẵng và Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF), các khách mời đến từ các liên hoan phim quốc tế uy tín - qua thực tiễn tổ chức và hoạt động - đã có những "hiến kế" cho TP Đà Nẵng và DANAFF thành một liên hoan phim quốc tế quan trọng của khu vực.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ DANAFF II, kéo dài tới hết ngày 6-7 tại TP Đà Nẵng.
Phan Đăng Di: "Nên có tham vọng đó"
Trước đó, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Phan Đăng Di nói 30 năm trước, Busan là một thành phố công nghiệp. Không có dấu ấn nào về văn hóa - nghệ thuật.
Khi họ quyết tâm tổ chức ở đây một liên hoan phim quốc tế, mọi chuyện khác. Giờ đây Liên hoan phim Busan trở thành một liên hoan phim toàn cầu được thế giới biết đến và là một liên hoan lớn nhất của khu vực châu Á.
"Busan cũng trở thành một trong hai đầu não về phát triển công nghiệp điện ảnh ở Hàn Quốc. Hiện các hoạt động sản xuất phim, đào tạo về điện ảnh… đã chuyển dần tới Busan", anh nói.
Phan Đăng Di cho "Đà Nẵng có nhiều nét giống Busan thời điểm đó.
Đà Nẵng có thể nghĩ đến, tham khảo câu chuyện của Busan để phát triển và nên có tham vọng đó để cố gắng".
Liệu có ảo tưởng không?
Theo đạo diễn của Bi, đừng sợ, so với Hà Nội và TP.HCM, đúng là Đà Nẵng có những điểm bất lợi.
"Song nếu nhìn vào sự hồ hởi của công chúng, biết cách đi đến khán giả thông qua các hoạt động được tổ chức chuyên nghiệp thì có thể nghĩ đến một cái gì đó như là Busan của Hàn Quốc", anh nói.
Phan Đăng Di chỉ ra lợi thế của Đà Nẵng, đó là một thành phố du lịch, trung tâm của nhiều di sản, phong cảnh đẹp.
Đà Nẵng cũng có những không gian rộng để xây các phim trường - vừa làm nơi quay phim vừa thu hút khách du lịch. Ở Việt Nam, không có nhiều thành phố có ưu điểm đó.
Hàn Quốc đi lên sáng lòa ra sao?
Có mặt tại bàn tròn, ông Kim Dong Ho - cựu chủ tịch, người sáng lập Liên hoan phim Busan - kể, những năm 90 của thế kỷ trước, để tổ chức một liên hoan phim quốc tế, không chỉ cần các tài năng điện ảnh mà cần cả tài chính.
Tổng chi phí để tổ chức Liên hoan phim Busan lúc đó khoảng 2,2 triệu USD nhưng ban tổ chức chỉ được chính quyền địa phương hỗ trợ 300.000 USD. Bây giờ, tổng chi phí là 22 triệu USD, chính quyền hỗ trợ 6 triệu USD.
Tuy nhiên ông Kim Dong Ho cũng nhấn mạnh, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và trung ương rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là việc ban tổ chức phải xác định được mục đích chính của liên hoan phim.
Ông cho biết ngay từ đầu, Liên hoan phim Busan đã hướng đến việc "tìm kiếm những phim quốc tế hay và hỗ trợ các nhà làm phim trẻ của Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung".
Ông Kim nói "đó là một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự thành công của chúng tôi".
Để làm được, liên hoan phim này đã tạo ra một thị trường sản phẩm, lập quỹ điện ảnh hỗ trợ các tài năng trẻ, mới.
Đường đi cho một liên hoan phim nhỏ và trẻ như DANAFF?
Đó là câu hỏi của Phan Đăng Di trong vị trí điều hành bàn tròn. Ông Park Kwang Su - chủ tịch Liên hoan phim Busan - thông tin, thời gian đầu liên hoan phim cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải tích lũy kinh nghiệm dần.
Khi Liên hoan phim Busan ra đời năm 1996 thì trong nước, cơ chế pháp lý hỗ trợ cho phát triển điện ảnh chưa có. Nếu muốn tổ chức liên hoan phim, phải duy trì mối quan hệ tốt với các nhà sản xuất phim trong nước.
Đồng thời phải kết hợp nhiều yếu khác như có cơ sở vật chất để liên hoan phim có thể phát triển, có hệ thống đào tạo (về điện ảnh, truyền thông đa phương tiện…) để phát triển lớp khán giả cho liên hoan phim…
Ông cho biết hiện ở Busan có khoảng 15.000 sinh viên học các khoa liên quan đến điện ảnh.
Ông Park lưu ý ban tổ chức các liên hoan phim mới cũng phải có tầm nhìn rõ ràng, có quan hệ tốt với chính quyền địa phương lẫn trung ương để đàm phán các vấn đề về kiểm duyệt, không gây ảnh hưởng tới nội dung phim.
Theo ông, trong quá trình hoạt động "có nhiều vấn đề phát sinh, phải nương theo tình hình mà điều chỉnh cho hợp lý".
Bà Lorna Tee - tổng thư ký mạng lưới điện ảnh châu Á - AFAN, đồng sáng lập và điều hành Liên hoan phim Macau - đánh giá ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Và "sự phát triển của liên hoan phim phải phát triển song hành với sự phát triển của ngành công nghiệp phim".
Bà Lorna cho Đà Nẵng và Macau có những nét tương đồng. Bà chia sẻ kinh nghiệm từ Macau mà Đà Nẵng có thể tham khảo:
Nên hướng tới những tiếng nói điện ảnh đa dạng, tránh một kiểu rập khuôn; tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhà làm phim thuận lợi; hợp tác với các đại học, khách sạn, ngân hàng… để phát triển; mời 300 nhà báo trên thế giới đến Macau và thông qua họ quảng bá liên hoan phim.
Bà Mariette Rissenbeek - nguyên giám đốc Liên hoan phim Berlin (2019 - 2024) - nói liên hoan phim ở Đức luôn muốn "mang thế giới đến Berlin". Bà đề cao việc tuyển phim cẩn trọng và tôn trọng tính đa dạng.
Đồng thời "chúng tôi cũng mời 200 nhà làm phim vào mạng lưới, có chương trình hỗ trợ mạng lưới trong năm tiếp theo, tạo ra một cộng đồng nhà làm phim trẻ", bà nói.
Bà Lorna Tee nhận xét ở Đông Nam Á, "người ta xây dựng nhiều studio, cơ sở vật chất nhưng điều đó không có nghĩa lý nếu không có người biết tận dụng". Vì thế đào tạo nguồn nhân lực cũng hết sức quan trọng.
Đại diện Liên hoan phim Macau cho rằng Việt Nam có nhiều người trẻ, sẵn sàng tiếp cận những tư duy mới.
"Đầu tư cho thế hệ tiếp theo, tạo ra mạng lưới kết nối là những điều mà Đà Nẵng có thể tham khảo", bà nói.
Địa phương chính là "cứu cánh"
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho hướng đi của Liên hoan phim Busan là một "hướng đi khôn ngoan, Đà Nẵng có thể học tập".
Cụ thể, họ vừa có sự mềm dẻo trong việc làm sao nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và cả nhà nước, vừa kiên quyết và khéo léo để bảo vệ những đứa con tinh thần khỏi việc kiểm duyệt.
Theo bà Phương, chúng ta cũng cần một lớp khán giả thông minh, bảo trợ và bảo vệ cho phim.
Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhưng nút thắt cơ bản, Luật Đầu tư lại không có đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa.
Ta xây dựng quan điểm đưa văn hóa lên ngang hàng kinh tế - xã hội, trên thực tế hệ thống chính sách bao trùm chưa có cơ chế đó.
"Rất mong các tiếng nói của những nhà làm phim đi thẳng vào điểm nghẽn đó để điều chỉnh những chính sách liên quan đến Luật Đầu tư để mở ra cơ hội hợp tác công - tư trong lĩnh vực này".
Trong lúc đợi luật thay đổi, "cứu cánh" nằm ở các địa phương.
Đà Nẵng đang xây dựng đề án xây dựng các thành phố sáng tạo của UNSECO và Đà Nẵng có khá nhiều lựa chọn.
"Nếu có tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng có thể thành một phiên bản của Busan nhưng mang bản sắc của Đà Nẵng", bà Phương nói. Theo bà, cái thiếu nhất ở Đà Nẵng lúc này là thiếu văn hóa điện ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận