Phóng to |
Một bộ sách Lịch vạn niên. Ảnh: songhuong.com |
Gần đây có những thông tin về việc các số liệu lịch lệch nhau, vậy nguyên nhân thực ở đâu? Theo ông Trần Tiến Bình, Ban lịch Nhà nước, những số liệu sai lệch trên đều trực tiếp hay gián tiếp có xuất xứ từ các sách lịch vạn niên đang có mặt rất nhiều trên thị trường, như Lịch vạn niên thực dụng, Lịch vạn niên dịch học phổ thông, Lịch và lịch vạn niên...
Những cuốn lịch vạn niên trên đều là các sách in số liệu dịch từ lịch Trung Quốc và trong khi quảng bá cho các sách này thì các cơ quan chức năng đã không thông tin đầy đủ để người đọc biết rằng lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc! Không chỉ đến năm 2006 này mới nảy sinh sự khác biệt giữa hai lịch mà điều này luôn xảy ra hầu như ở mọi năm. Do vậy chẳng có gì bất thường trong năm nay cũng như trước đây hay sau này chừng nào mà người tiêu dùng còn sử dụng các cuốn lịch vạn niên.
Lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc
Lịch Âm dương Việt Nam (thường gọi là Âm lịch) được xây dựng trên cơ sở các quyết định của Chính phủ về múi giờ và âm lịch sử dụng ở Việt Nam. Tuy lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc được tính toán dựa trên cùng một quy tắc nhưng sự khác biệt về mùi giờ (giờ chính thức của Trung Quốc là múi giờ 8, trước Việt Nam 1 giờ) đã làm cho lịch hai nước nhiều chỗ khác nhau về ngày tháng, tiết khí, tết Nguyên Đán...
Chẳng hạn lịch hai nước đều lấy ngày Không trăng (ngày Sóc) làm ngày đầu tháng (mồng 1 âm), như ngày Không trăng gần đây xảy ra lúc 23 giờ 05' (giờ Việt Nam) ngày 25-6-2006, do vậy lịch ở Việt Nam ngày 25-6-2006 là ngày 1-6 Bính Tuất. Tuy nhiên theo giờ Bắc Kinh thời điểm này đã là 0 giờ 05' ngày 26-6-2006 và ngày 26-6-2006 mới là ngày 1 tháng 6 Bính Tuất theo lịch Trung Quốc.
Ngày đầu tiên khác nhau sẽ kéo theo sự chênh lệch cả tháng giữa hai lịch. Do tháng nhuận được tính dựa trên sự so sánh giữa các thời điểm Sóc và thời điểm chuyển tiết nên khi hai thời điểm này lệch nhau sẽ dẫn tới có lúc tháng nhuận giữa hai lịch khác nhau, như năm 1984 lịch Việt Nam không có tháng nhuận nhưng lịch Trung Quốc lại nhuận tháng 10.
Muốn tính Âm lịch phải lập trình dựa trên các mô hình thiên văn phức tạp chứ không phải dễ dàng nhẩm ra như Dương lịch hay một vài loại lịch khác. Do vậy các nhà xuất bản đã chọn biện pháp đơn giản là dịch thẳng từ lịch Trung Quốc và điều này là trái với các quyết định, thông tư của Chính phủ, gây nhầm lẫn cho người dân.
Cổ học phương Đông bị ảnh hưởng?
Những môn cổ học dựa trên giờ, ngày, tháng Âm lịch tất nhiên sẽ cho kết quả khác nhau khi sử dụng Âm lịch khác nhau, chẳng hạn lá số tử vi được lập hoàn toàn dựa trên ngày tháng và giờ sinh Âm lịch. Ngay những tham số tính toán dựa trên các dữ liệu can chi vốn trùng với Dương lịch (tức là giống với lịch Trung Quốc) vẫn cần lưu tâm đến các thành phần Âm lịch đi kèm có thể khác nhau, chẳng hạn sao Thiên Đức chiếu vào ngày Tị của tháng Giêng hay giờ Hoàng đạo rơi vào giờ Thìn ngày Dần.... Ngày Tị và ngày Dần trùng nhau giữa hai lịch nhưng tháng Giêng và giờ Thìn có thể khác biệt!
Để tránh sai sót, tốt nhất người Việt Nam hãy dùng lịch Việt Nam. Ông Bình giới thiệu các cuốn sách in lịch Việt Nam sau đây:
Lịch Việt Nam 1901-1910 của Nguyễn Mậu Tùng:
Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỷ 0001-2010 của Lê Thành Lân;
Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI (1901-2010) của Trần Tiến Bình.
Đối với các độc giả đã trót mua lịch vạn niên thì cuốn Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI (1901-2010) cung cấp cho độc giả chi tiết những ngày chuyển tiết, tháng nhuận, tết Nguyên Đán và các khoảng thời gian khác nhau giữa hai lịch. Chẳng hạn trong năm nay, lịch hai nước khác nhau từ ngày 25-6 đến 24-7 Dương lịch, năm 2007 khác nhau từ ngày 17-2 đến 18-3 Dương lịch, năm 2008 từ ngày 27-11 đến 26-12 Dương lịch.
Sách cũng cho biết năm 2007 mồng một Tết Đinh Hợi ở Việt Nam rơi vào 17-2, đến trước Trung Quốc một ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận