![]() |
Săn lùng khai thác gỗ trắc thối tại khu vực rừng Mà Cooi - Ảnh: Hoài Nhân |
Hỗn loạn đại ngàn
N.., một “đại ca” trong giới săn trầm vàng ở Đại Lộc chuyển sang săn tìm trắc thối, đồng ý cho tôi theo với điều kiện không được mang theo máy ảnh.
“Đi săn gỗ trắc thối cũng như săn trầm, nếu muốn bảo toàn tính mạng thì ông phải trở thành người của tôi. Nếu có điều chi xảy ra, tôi còn tìm cách lo...” - N. tuyên bố. Từ Đại Lãnh, Đại Lộc, chúng tôi cắt rừng vào ban đêm lên Đông Giang. Trên đường, N. kể: hàng chục cuộc thanh toán nhau giữa các băng nhóm để tranh giành gỗ khai thác diễn ra hằng ngày giữa rừng sâu.
Tất cả đều theo luật rừng, mạnh thắng, yếu phải nhường phần. “Làm nghề săn tìm trắc thối ni phải có gan, nếu yếu bóng vía là thua...” - cắm phập chiếc mã tấu xuống đất, N. nói. Cách đây hơn một tuần, khi cả nhóm của N. tìm được cây trắc thối tại khu rừng Mà Cooi, khai thác xong, bất ngờ một nhóm người hùng hổ kéo đến.
Trận huyết chiến đó, quân của N. có hai người bị trọng thương, còn những kẻ đến đòi chia phần phải ôm đầu máu chạy thoát thân vào rừng sâu. Sau trận ấy, tiếng tăm của N. nổi như cồn, đến công an, kiểm lâm địa bàn cũng biết. “Chẳng qua là miếng cơm manh áo thôi, chứ anh em tụi tôi đâu có muốn...” - N. tâm sự.
Gần một ngày lang thang trong rừng, cuối cùng nhóm của N. cũng săn tìm được cây trắc thối có đường kính chừng 60cm đứng cheo leo bên vách núi đá vôi. Phân công lực lượng canh phòng, N. quyết định hạ trại chờ đêm xuống là khai thác.
Khi màn đêm vừa buông xuống, hai đệ tử của N. thoăn thoắt trèo lên cây trắc thối thận trọng dùng cưa hạ những nhánh nhỏ. Chưa đầy hai hai giờ sau, cây trắc thối chỉ còn trơ lại thân. Những dây mây dài hàng chục mét được nối lại cột chằng chịt cây trắc thối với các cây bên cạnh. “Cột chặt, khi hạ, cây ngã không gây ra tiếng động...” - N. giải thích.
Khoảng ba giờ sau, cây trắc thối bị hạ không hề gây tiếng động và lập tức bị xẻ thành từng phách nhỏ. Trời cũng vừa sáng. Ngồi bên đống gỗ vừa xẻ, N. nhẩm tính: “Nếu vận chuyển trót lọt số gỗ này về đến Đà Nẵng hoặc ra Huế cũng kiếm được 150 triệu...”.
Trên đường xuống núi, chúng tôi gặp nhóm do Hùng “điên” quê Thanh Hóa cầm đầu trong bộ dạng tả tơi. Hùng “điên” bảo: “Mới khai thác được khoảng hơn nửa khối ở rừng Kà Dâu (xã Kà Dăng) chuẩn bị chuyển về thì bị bọn Toàn “đen” cướp sạch...”. Hùng “điên” tức giận nhờ chúng tôi báo với chính quyền địa phương để truy bắt số gỗ bị cướp...
Anh Lê Xuân Nhật, cư dân của làng thanh niên lập nghiệp A Sờ, cho biết hàng chục nhóm lâm tặc từ các nơi đổ về khu vực rừng được giao cho thanh niên quản lý rộng hơn 1.200ha tại Mà Cooi để săn tìm khai thác gỗ trắc thối.
Cách đây hai tuần, khi tuần tra trên tuyến đường Hồ Chí Minh, một ôtô chở hơn bảy phách gỗ trắc thối đâm thẳng vào môtô của kiểm lâm rồi bỏ chạy. Kiểm lâm truy đuổi đến Azích, huyện Tây Giang mới chặn được chiếc ôtô, hai tên lâm tặc bỏ chạy vào rừng.
Trên xe có năm biển số giả cùng 0,7m3 gỗ trắc thối. Lực lượng kiểm lâm Quảng Nam tổ chức truy tìm chủ của chiếc xe tận Nghệ An mới phát hiện đây là xe của ông H. tại TP Vinh, Nghệ An, cho thuê với giá 100 triệu đồng trong 10 ngày.
![]() |
Cây gỗ trắc thối đang được khai thác và chuẩn bị xẻ thịt để vận chuyển ra khỏi rừng. Toàn bộ cây gỗ này, theo đánh giá của một nhóm khai thác, nếu vận chuyển trót lọt về Đà Nẵng có giá khoảng 250 triệu đồng Ảnh: Hoài Nhân |
Cuộc săn tìm gỗ trắc thối không chỉ dừng lại ở các cánh rừng, giờ đây các đầu nậu buôn gỗ tìm đến từng nhà dân để mua lại các vật dụng được đóng bằng gỗ trắc thối.
Nhiều người dân sẵn sàng dỡ cả cột nhà, bàn tủ... đem cân ký bán. Một lãnh đạo huyện Đông Giang cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ các cột nhà, trụ chuồng heo, bò, bờ rào đều được bà con đào lên bán.
Giá lúc đầu được thu mua tại Mà Cooi trên 25.000 đồng/kg, sau đó lên 100.000 đồng và đến thời điểm này giá 1kg gỗ tại Đà Nẵng đã lên 150.000 đồng. Ngay chiếc giường mộc được đóng bằng gỗ trắc thối của gia đình anh N. ở Cà Dăng còn sót lại đã có người từ Đà Nẵng lên trả giá 70 triệu đồng.
Lượng gỗ trắc thối trong dân cạn kiệt, các đầu nậu đặt hàng cho bà con vào rừng khai thác: chỉ trong thời gian ngắn, cả khu vực rừng núi Đông Giang khoảng 4.000ha có loài trắc thối được hàng nghìn người đổ đến săn lùng.
Hết cây đến cành, nhánh, thậm chí cả gốc cũng bị đào tung lên đem cân ký. Cuộc săn lùng tận diệt loài trắc thối này hiện mở rộng sang vùng rừng núi Nam Giang, Tây Giang. Cách đây hơn một tuần, một nhóm lâm tặc đã đánh một xe tải, phía sau chở một quan tài khói hương nghi ngút với một người phụ nữ chít khăn tang khóc lóc ngồi sau. Khi “xe tang” về đến Đà Nẵng thì từ trong chiếc quan tài người ta khiêng ra 2m3 gỗ trắc thối thành phẩm (giá hơn 1 tỉ đồng)...
Cuộc săn lùng tận diệt loài gỗ quí hiếm này vẫn đang diễn ra hằng ngày ở vùng rừng phía tây Quảng Nam. Cơn sốt chưa hạ nhiệt, chính quyền địa phương bó tay vì không kiểm soát nổi...
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Giang, loại gỗ quí hiếm này có tên gọi tại địa phương là trắc thối, lõi màu đỏ, cứng, mùi thơm. Đây là loại gỗ quí hiếm, kỵ muỗi và côn trùng gây hại. Theo kết quả giám định sơ bộ của cơ quan chức năng Quảng Nam, loại gỗ này là loại giáng hương, thuộc nhóm I. Tuy nhiên, đến nay việc phân loại và xác định tên khoa học, nhóm loài của gỗ trắc thối vẫn chưa được minh định và vẫn còn nhiều bàn cãi. Trong khi đó, theo một chuyên gia về lâm sinh, gỗ trắc thối không phải là giáng hương. Đây có thể là loài gỗ quí hiếm mới được phát hiện tại vùng rừng núi đá vôi Quảng Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận