CĐV Leeds ăn mừng việc đội nhà lên hạng sau 16 năm chờ đợi - Ảnh: AFP
Đã 16 năm từ ngày Leeds United rớt hạng. Với người hâm mộ Anh ngày đó, sự kiện này gây chấn động còn hơn cả việc Chelsea được tỉ phú Roman Abramovich thâu tóm.
Một thời chơi ngông
Leeds là CLB có bề dày truyền thống, với 3 lần vô địch Anh (lần gần nhất vào năm 1992) và giữ vững vị trí ở top 4 trong một thời gian dài giai đoạn đầu thập niên 2000.
Mùa hè năm 1999, M.U đánh dấu cột mốc đặc biệt trên thị trường chuyển nhượng khi chi hơn 40 triệu bảng để mua cầu thủ. Đó là con số kỷ lục với một mùa chuyển nhượng của bóng đá Anh thời điểm ấy. Nhưng chỉ hai năm sau, Leeds vượt qua M.U khi bỏ ra 48 triệu bảng mua cầu thủ vào mùa hè 2001.
Liên tục 3 năm liền ở giai đoạn 1999-2002, Leeds làm nghiêng ngả thị trường chuyển nhượng bóng đá Anh khi vung ra 123 triệu bảng Anh để mua cầu thủ, và thu về 36 triệu ở chiều ngược lại. Điều này có nghĩa Leeds thực chi cho thị trường chuyển nhượng 87 triệu bảng trong 3 năm, một con số nghẹt thở.
Không phải Chelsea - khi Abramovich thâu tóm đội bóng này vào năm 2003, Leeds mới là "thiếu gia" đầu tiên của bóng đá Anh khi mua về hàng loạt siêu sao như Robbie Fowler, Rio Ferdinand, Jimmy Floyd Hasselbaink, Mark Viduka, Harry Kewell, Lee Bowyer, Olivier Dacourt, Robbie Keane, Alan Smith...
Vấn đề là Leeds không hề có một ông chủ tỉ phú như Chelsea hay Man City sau này. Chủ tịch Leeds khi đó - ông Peter Ridsdale - đã đi một nước cờ cực kỳ mạo hiểm: vay mượn để có tiền mua cầu thủ, với hi vọng việc được tham dự Champions League thường xuyên sẽ nâng tầm và biến Leeds thành một đại gia như M.U, Arsenal hay Liverpool.
Năm 2000, mọi chuyện khá lạc quan khi Leeds giành hạng 3 ở Premier League rồi có cuộc phiêu lưu ấn tượng ở Champions League mùa giải sau đó (vào đến bán kết). Nhưng liên tục từ năm 2001-2002, Leeds cán đích ngoài top 3 Premier League (thời đó Premier League chỉ được UEFA phân 3 suất dự Champions League).
Canh bạc thất bại, "thiếu gia" Leeds phút chốc trở thành kẻ vỡ nợ trên thị trường chuyển nhượng. Những ngôi sao được mang về thế nào giờ đây bị đẩy đi thế nấy. Nhưng sự sụp đổ là không thể ngăn chặn.
Lần lượt HLV Venables rồi chủ tịch Ridsdale phải ra đi trong cái vòng xoáy khủng hoảng nặng nề đó. Đến năm 2004, Leeds rớt hạng.
Sống lay lắt
Sau khi rớt hạng, những khoản nợ khổng lồ đẩy Leeds vào tình cảnh vô cùng lận đận. Leeds trở thành một món hàng sang tay giữa những ông chủ bóng đá Anh.
Có một khoảng thời gian, người ta lo ngại Leeds sẽ nối bước Nottingham Forest - một đội bóng giàu truyền thống và chìm vào quên lãng từ ngày rớt hạng. Nhưng may mắn thay, điều đó đã không xảy ra, Leeds vẫn duy trì sức sống của mình dù có lúc chỉ còn leo lét nhờ vào nguồn lực CĐV hùng hậu.
Những năm còn tung hoành ở Premier League, đội chủ sân Elland Road có lượng CĐV đến sân trung bình vào khoảng 36.000 người/trận. Khi rớt hạng, con số này vẫn được duy trì ngấp nghé 30.000.
Khi bị rớt xuống giải hạng nhì đầy tủi nhục, Leeds vẫn đón trung bình 26.000 khán giả đến sân mỗi trận. Sự sút giảm thậm chí đến từ CĐV đối phương, còn CĐV Leeds vẫn đến sân đều đặn bất chấp hoàn cảnh đội bóng.
Kẻ đáng ghét nhất, cũng là kẻ được mong chờ nhất
Sự cuồng nhiệt đến mức hung hăng và thường chủ động khiêu khích đối thủ của CĐV Leeds cũng là lý do khiến họ... bị ghét nhất nước Anh.
Trong nhiều cuộc khảo sát của truyền thông, Leeds luôn dẫn đầu với tư cách CLB bị căm ghét nhất. Nhưng gần thì ghét, xa lại... nhớ. Ngày Leeds xuống hạng, CĐV các CLB khác không khỏi hụt hẫng.
Và sau nhiều năm trời vật lộn, sự thâu tóm của ông chủ người Ý Andrea Radrizzani vào năm 2017 là một bước ngoặt của Leeds.
Mùa hè năm đó, Leeds bỏ ra 25 triệu bảng Anh trên thị trường chuyển nhượng - con số đáng kể với một CLB hạng nhất. Mùa sau nữa, họ mời được HLV giàu kinh nghiệm Marcelo Bielsa về dẫn dắt CLB.
Sau nhiều nỗ lực, Leeds cũng giành quyền lên hạng nhờ hành trình ấn tượng ở mùa giải năm nay: vô địch sớm 2 vòng đấu ở Giải hạng nhất. Và sự trở lại đó được ví với chức vô địch sau 30 năm chờ đợi của Liverpool.
"Thiếu gia" Leeds đã trở lại, sẽ tiếp tục chơi ngông trên thị trường chuyển nhượng, hay chấp nhận đóng vai chiếu dưới?
Nhưng dù thế nào, sự trở lại của đội bóng bị căm ghét nhất của bóng đá Anh sẽ tạo ra những cảm xúc đặc biệt cho Premier League mùa tới.
Lúc nào cũng bị... ghét nhất
Trang thống kê English Football Statistician cho ra một kết quả thú vị: Leeds là đội bị nhiều CĐV đối phương đặt ra những câu hát chế nhạo nhất với 117 câu. Kế đến là Liverpool (50), Tottenham (42), Man City (39), Sunderland (35), M.U (34)...
Khi rớt hạng, Leeds vẫn "chứng nào tật nấy". Một khảo sát vào năm 2018 ở Giải hạng nhất cho thấy có đến 76% người được khảo sát căm ghét Leeds (nhiều nhất giải), kế đến là Millwall với 67%.
Leeds đặc biệt bị căm ghét từ giai đoạn 1960-1970, thời điểm họ được dẫn dắt bởi HLV Don Revie và áp dụng lối đá cực kỳ thô bạo. Nhưng lạ là sau này, bất kể đá hay đá đẹp gì thì Leeds vẫn bị ghét!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận