01/04/2013 13:07 GMT+7

Lễ hội đèn lồng Hội An

VÕ THỊ NHƯ TRANG (Quảng Nam)  
VÕ THỊ NHƯ TRANG (Quảng Nam)  

AT - Hằng năm, mỗi khi Tết đến là phố cổ Hội An trở nên đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người rủ nhau đi xem pháo hoa đón giao thừa bên những gian nhà cổ và tham gia lễ hội đèn lồng trước thềm xuân mới.

KDkucD79.jpgPhóng to
Đèn lồng Hội An Xuân Quý Tỵ

Lễ hội đèn lồng là sự kiện thường niên do UBND TP Hội An tổ chức vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Mỗi tác phẩm đèn lồng tham gia vào hội là một sáng tạo đầy ý nghĩa của nghệ nhân chế tác đèn lồng và cả doanh nghiệp sản xuất đèn lồng, các trường học, các tổ chức đoàn thể… trên địa bàn thành phố.

Ông Trương Văn Bay, phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết: “Hội thi đèn lồng nhân dịp Tết Nguyên đán đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Hội An. Hội thi được tổ chức không ngoài mục đích tôn vinh nghề làm đèn lồng và khuyến khích sự nghiên cứu, sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công”.

Thưởng thức Hội đèn lồng xuân Quý Tỵ ngay bên bờ sông Hoài, người dân và các du khách nước ngoài không chỉ say sưa với sắc màu mà còn bày tỏ sự đồng cảm với từng tác phẩm đèn lồng. Anh Tony, du khách đến từ Pháp, chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi đến Hội An. Đặc biệt hơn, cả hai lần tôi đến quê hương các bạn đều vào dịp mùa xuân về. Các trải nghiệm đã cho tôi thấy rằng ở đây, hương sắc của tết Á Đông được biểu hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Mùa xuân thật dịu dàng. Mọi góc phố ở đây đều được trang hoàng rạng rỡ. Cái đẹp yên lành ở đây luôn nhắc nhớ, gọi mời chúng tôi”.

Năm nay là năm Quý Tỵ, vì thế mà các tác phẩm tham gia lễ hội đèn lồng phần lớn đều mang hình con rắn. Bên cạnh việc lồng ghép các biểu tượng, không gian mở của Hội An vào chiếc đèn lồng xinh xắn, những hình vẽ, họa tiết về biển cũng được cắt dán, tôn vinh.

Được biết các tác phẩm tham gia lễ hội được các nghệ nhân chế tác trong khoảng thời gian đầu tháng chạp âm lịch. Từ những cây tre nhiều năm tuổi, nghệ nhân chẻ ra thành từng nan mỏng rồi ngâm nước, tiếp theo là uốn cong theo những hình thù đã được phác thảo sẵn rồi dùng vải dán lại, trang trí họa tiết cho đèn lồng. Tết này, rắn đã trở thành con vật tượng trưng, cho nên việc lồng ghép, tạo hình cho chiếc đèn trở nên dễ dàng hơn.

Có những tác phẩm không quá cầu kỳ, chỉ cần sử dụng thật nhiều đèn lồng tròn nhỏ là có thể nối lại thành thân hình rắn, đầu tư một chút ở phần đầu con rắn nữa là xong một mô hình ngộ nghĩnh trong bao ánh nhìn của du khách. Hoặc các tác phẩm quen thuộc thường xuất hiện mỗi năm trong lễ hội đèn lồng như mâm quả, bánh chưng, bánh tét hay thậm chí là những chiếc đèn lồng mang mô hình chùa Cầu, nếp nhà nơi phố cổ… Tất cả đều để lại dấu ấn trong lòng mỗi người tham gia lễ hội.

Trong không khí vui xuân, lễ hội đèn lồng với gần 100 tác phẩm tham dự đã góp phần tạo điểm nhấn cho khu vườn tượng sông Hoài trở nên nhộn nhịp và lung linh hơn bao giờ hết. Xa xa, những ngọn đèn hoa đăng bồng bềnh trôi trên sông Hoài mang theo những lời chúc phúc cho mọi người trong năm mới.

lCQIqNZK.jpg

Áo Trắng số 5 ra ngày 15/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

VÕ THỊ NHƯ TRANG (Quảng Nam)  
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hội An đèn lồng