15/02/2017 10:39 GMT+7

Lễ hội ngày càng cuồng nhiệt, mê muội đời sống tâm linh

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Một mùa lễ hội nữa đi qua với những hình ảnh phản cảm, nhưng năm nay đã có những tia sáng của trật tự và nhận thức giữa đám đông: lễ phát ấn đền Trần đã bớt xô bồ, lễ chém lợn đã thu hẹp phạm vi, lễ đâm trâu nhiều nơi đã hủy bỏ...

Cũng hàng ngàn người tham gia, năm nào cảnh tranh lộc tại lễ hội Làm chay (Long An) cũng đầy ắp tiếng cười vui vẻ - Ảnh: Sơn Lâm
Cũng hàng ngàn người tham gia, năm nào cảnh tranh lộc tại lễ hội Làm chay (Long An) cũng đầy ắp tiếng cười vui vẻ - Ảnh: Sơn Lâm

Để việc chấn chỉnh nhanh hơn thì phải tiến hành rất đồng bộ từ nhiều hướng, phối kết hợp giữa các nhà quản lý và các nhà chuyên môn, mỗi người nhận một tay chèo đẩy con thuyền đi. Giúp xã hội nhận thức đầy đủ, không chỉ nói trên báo, phải bắt đầu từ việc dựng lại người

TS NGUYỄN NGỌC THƠ

Làm gì để lễ hội trở về với lễ nghi và hội hè đúng nghĩa đã có từ bao đời? Tuổi Trẻ đối thoại với các nhà văn hóa đã nhiều năm “lăn lộn” với các lễ hội tết.

“Cán bộ còn thế, huống chi mình”

* Một điều có thể nhận thấy rất rõ là lễ hội ở miền Bắc và miền Nam đã diễn ra rất khác nhau. Nhiều năm gần đây, những lễ hội để cảnh bát nháo, xô bồ, thậm chí báng bổ nhất, đều tập trung ở phía Bắc. Tham dự và nghiên cứu nhiều lễ hội ở cả hai miền, nguyên nhân được nhận ra là gì?

TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng phòng quản lý khoa học ĐH KHXH&NV TP.HCM) - Ảnh: Tự Trung
TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng phòng quản lý khoa học ĐH KHXH&NV TP.HCM) - Ảnh: Tự Trung

- TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng phòng quản lý khoa học ĐH KHXH&NV TP.HCM): Tôi cho rằng sự khác nhau ấy là tất yếu xuất phát từ yếu tố văn hóa, lịch sử. Các lễ hội ở cả hai miền đều đã được truyền lại từ thời phong kiến. Những điển chế rất chặt chẽ của nhà Nguyễn đã ăn sâu vào văn hóa phong tục miền Nam. Theo đó, cả miền Nam cùng chung nhau một số lễ hội như lễ Bà Chúa Xứ, lễ Bà Đen...

Trong khi đó ở phía Bắc, văn hóa làng xã rất mạnh, “phép vua thua lệ làng”, các làng, vùng miền có lịch sử lâu đời đều có lễ hội riêng và tổ chức riêng. Những năm gần đây, kinh tế phát triển hơn nên làng này muốn làm lớn hơn làng kia, giao thông thuận lợi hơn khiến ngày càng nhiều người đến tham dự, sự bùng nổ truyền thông càng gây ra ấn tượng tần suất lễ hội dày đặc...

Thêm vào đó, do hoàn cảnh kinh tế - xã hội khác nhau nên miền Nam thiên về “lễ” - khi con người có nhu cầu tâm linh, còn miền Bắc thiên về “hội” - như một dịp vui chơi, xả hơi sau một năm lao động. Việc cướp phết, cướp lộc diễn ra như một trò chơi và do vậy không thể không có yếu tố thắng thua. Trong hoàn cảnh như vậy, việc có hiện tượng bát nháo, xô bồ xảy ra là dễ hiểu.

* Và cũng có yếu tố từ những người tham gia lễ hội nữa chứ...

TS Hà Thanh Vân (phó trưởng khoa ngữ văn ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) - Ảnh: NVCC
TS Hà Thanh Vân (phó trưởng khoa ngữ văn ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) - Ảnh: NVCC

- TS Hà Thanh Vân (phó trưởng khoa ngữ văn ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương): Quan sát và trực tiếp tham dự nhiều lễ hội miền Bắc, tôi thấy thành phần tham gia có đủ nam phụ lão ấu, rất nhiều thanh niên, trung niên và đặc biệt là nhiều cán bộ công chức, cả quan chức cũng tham gia tích cực với sự cầu khấn, xin nguyện rất cụ thể chứ không phải hồi hướng tâm linh.

Sau ngày nghỉ tết, người dân còn phải thường xuyên chứng kiến cán bộ đóng cửa cơ quan đi lễ hội... Những việc này gây ra tâm lý mê tín, ảnh hưởng xấu đến xã hội và dân chúng vì họ sẽ nghĩ “cán bộ còn thế, huống chi mình”.

Không khí lễ hội mấy năm gần đây càng cuồng nhiệt, khó kiểm soát vì thu hút quá đông người và nhiều thành phần... Những cảnh tượng phản cảm, kém văn hóa như giành giật, chen lấn đến đổ máu, nhét tiền lẻ cúng ngập chùa diễn ra vì vậy.

Bắt đầu từ dựng lại người

* Không cổ xúy mê tín và cũng không thể phủ nhận vai trò của đức tin, những nhà chuyên môn cần giúp xã hội nhận thức vấn đề này như thế nào?

- TS Nguyễn Ngọc Thơ: Nên hiểu rằng đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng là những diễn ngôn bên ngoài để thể hiện nhận thức bên trong. Cái được khi tham gia lễ hội là ở sự thăng hoa, tinh tấn về tinh thần, nối kết mình vào cái sâu thẳm của bản thân và của cả cộng đồng.

Tôi mong mọi người, cả người tổ chức lễ hội và những người tham gia, nhận thức sâu sắc về chức năng xã hội của tín ngưỡng là xây dựng và giữ gìn văn hóa, chuẩn mực ứng xử, đời sống xã hội...

Mỗi lần đọc tin tức về những lễ hội diễn ra phản cảm, tôi đều rất chú ý đến những ý kiến phản hồi vì nó thể hiện ý thức cộng đồng. Hầu hết ý kiến đều không đồng tình, thậm chí lên án gay gắt và đó là điều rất đáng mừng.

Cộng đồng 90 triệu người Việt Nam lớn hơn mấy chục ngàn người tranh cướp ở lễ hội. Tất nhiên, rất cần các nhà trí thức phân tích nhiều chiều về những được - mất của truyền thống, văn hóa, xã hội, tâm thức con người trên các phương tiện truyền thông để mọi người cùng suy nghĩ, nhận thức đầy đủ và chuyển biến sẽ tự đến.

Tôi không tán thành những biện pháp mạnh như lên án, cấm đoán bằng mệnh lệnh hành chính... vì tính chất xã hội của người Việt là rất duy tình, các biện pháp tức thời sẽ khó có tác dụng lâu dài, sâu sắc.

* Vậy có nghĩa là chúng ta sẽ còn phải chứng kiến những cảnh phản cảm thêm nhiều năm nữa sau khi có những chuyển biến?

- TS Hà Thanh Vân: Tôi đồng ý việc phải hết sức tôn trọng đức tin, tín ngưỡng vì đó là nhu cầu tinh thần của nhân dân, nhưng chúng ta có thể tìm ra những giải pháp định hướng, dẫn dắt, giáo dục các biểu hiện vật chất của tín ngưỡng. Giữ gìn nét đẹp văn hóa thì phải bài trừ những biểu hiện vô văn hóa và vai trò Nhà nước cần được tăng cường chính ở đây.

Cần theo dõi sát để đề ra quy chế chung cho các lễ hội, có biện pháp điều tiết, xử lý với những lễ hội để xảy ra nhiều phản cảm như nhắc nhở, thu hẹp quy mô hay thậm chí có thể không cho phép tổ chức một vài năm... Tất nhiên, việc thực hiện trước hết phải để mọi người đều nhận ra được sự chân thành muốn các lễ hội được văn minh, văn hóa hơn.

- TS Nguyễn Ngọc Thơ: Để việc chấn chỉnh nhanh hơn phải tiến hành rất đồng bộ từ nhiều hướng, phối kết hợp giữa các nhà quản lý và các nhà chuyên môn, mỗi người nhận một tay chèo đẩy con thuyền đi.

Giúp xã hội nhận thức đầy đủ không chỉ nói trên báo, tôi gợi ý một hướng như nghệ thuật hóa tri thức, hấp dẫn hóa tri thức để hướng tiếp cận cộng đồng dễ dàng hơn. Phải bắt đầu từ việc dựng lại người. Đời sống vật chất càng nâng cao, giáo dục tinh thần càng phải được chú trọng, nếu không, nhu cầu không tự tăng bậc lên được.

Sâu xa hơn, chúng ta cần tác động vào giáo dục, thay đổi cách giảng dạy các môn khoa học xã hội, nâng cao nhận thức của con người từ lúc ấu thơ. Năm nay đã có những biểu hiện đáng mừng, vai trò truyền thông cần phát huy hơn nữa để khuyến khích và đẩy mạnh những điểm sáng này, ngày chúng ta có tất cả các lễ hội là văn minh sẽ không còn xa.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN) - Ảnh: V.V.T.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN) - Ảnh: V.V.T.

* PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN):

Quản lý hiện đại, văn minh và chuyên nghiệp

Ở VN hiện nay vào ngày đầu xuân mọi người đi đền, chùa rất nhiều, nhưng chủ yếu cầu mong cái gì đó rất thực dụng, mong muốn cầu sao thì được vậy ngay lập tức, thiếu nền tảng, cơ sở của giáo lý. Việc tranh giành, cướp giật lộc cũng do người ta không hiểu được bản chất của lễ hội hay tâm linh.

Niềm tin tâm linh, tín ngưỡng ở mọi xã hội là câu chuyện rất bình thường, còn những việc chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau là sự mù quáng của một lớp người nhất định trong xã hội tạo ra sự hỗn loạn trong lễ hội mà chúng ta thấy. Những sự lộn xộn của lễ hội hiện nay là do quản trị lễ hội không chuyên nghiệp và bản thân một số người quản lý vẫn đang mê muội.

Chúng ta chưa bỏ công bỏ sức suy nghĩ một cách thật sự sáng tạo, hợp lý để tổ chức các lễ hội, các hoạt động có yếu tố tâm linh thu hút đông đảo người tham dự như thế nào trong điều kiện mới hiện nay. Những hội làng ngày xưa với không gian nhỏ hẹp đã không còn phù hợp với lượng khách quá lớn so với khi hình thành không gian thiêng này.

Nếu các địa phương không thể tổ chức quản trị lễ hội tốt, cứ để tình trạng lộn xộn như hiện nay tiếp diễn làm xấu hình ảnh của đất nước thì nên nghĩ tới việc có thể thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để tư vấn cách quản lý lễ hội một cách hiện đại, văn minh và mang tính chuyên nghiệp. Hi vọng cách làm này sẽ giúp cho việc thay đổi hình ảnh xấu của các hội mùa xuân mà cứ lặp đi lặp lại trong vài chục năm qua.

TS Nguyễn Quốc Tuấn (viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo) - Ảnh: FBNV
TS Nguyễn Quốc Tuấn (viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo) - Ảnh: FBNV

TS Nguyễn Quốc Tuấn (viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo):

Mê muội về đời sống tâm linh

Hàng ngàn năm cho đến thời Nguyễn đã hình thành một hệ thống thần linh cực kỳ chặt chẽ, tương ứng với nó là một chế độ tế tự rất khuôn phép, nhưng sau này không còn nữa. Khi phục hồi thì dựa trên sự truyền miệng, ký ức còn sót lại, nên xảy ra tình trạng mạnh nơi nào nơi ấy làm. Cho đến những năm 1986 bắt đầu đổi mới thì yếu tố thị trường, đồng tiền bắt đầu chen vào, dẫn đến sự rối loạn. Những tiêu chuẩn, tiêu chí, giá trị bây giờ đều lộn xộn.

Cũng vì vậy mà người VN đã không còn duy trì được sự giáo dục về tâm linh, thờ cúng tổ tiên từ môi trường gia đình đến nhà trường. Đó là khoảng trống về mặt giáo dục. Nên nhiều người bây giờ rất mê muội về đời sống tâm linh. Họ có thể có đời sống cao nhưng trong đời sống tâm linh họ vẫn rơi vào trạng thái không được giáo dục.

Vì thế, giải pháp căn bản là Nhà nước phải đứng ra khôi phục hệ thống thần linh và chế độ tế tự đã bị tàn phá, đồng thời tuyệt đối cấm bước ra khỏi các quy định đó. Muốn vậy thì phải học lại các triều đại trước, phải có giáo dục tôn giáo và giáo dục về thực thể tôn giáo trong học đường, gia đình.

V.V.TUÂN ghi

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên