01/03/2016 09:41 GMT+7

Lấy ráy tai dễ gây bệnh

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Trên thị trường có bán nhiều loại máy, dung dịch vệ sinh tai được giới thiệu có tính năng làm sạch bụi bẩn và ráy tai, tiện dụng, an toàn tuyệt đối. Thật sự thế nào?

Khám tai cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.
Khám tai cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Theo giới thiệu của một số đơn vị bán máy, dụng cụ vệ sinh tai trên mạng đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Giá máy vệ sinh tai từ 140.000-250.000 đồng/cái tùy theo loại. Khi khuyến mãi, giá bán còn 72.000-99.000 đồng/cái. Riêng dung dịch vệ sinh tai có giá khoảng 40.000-50.000 đồng/chai.

An toàn không?

Lý do khuyên dùng máy vệ sinh tai là “máy có công dụng an toàn tuyệt đối, giúp chăm sóc lỗ tai sạch sẽ, tránh viêm nhiễm hay ngứa ngáy trong lỗ tai”.

Cụ thể, máy làm sạch tai E.C được giới thiệu là máy hút có công tắc, có ba đầu hút và một chổi vệ sinh, chất liệu nhựa cứng cao cấp, không gây hại, dùng được cho người lớn và trẻ em, cơ chế hoạt động cực kỳ an toàn cho người sử dụng, không gây đau rát, làm giảm sự tổn thương phía trong tai...

Dụng cụ vệ sinh lỗ tai A.A cũng được giới thiệu an toàn tuyệt đối khi sử dụng, có công dụng làm sạch lông tơ mọc trong tai, có thể sử dụng cho phía xung quanh và phía bên trong lỗ tai, chăm sóc lỗ tai, tránh viêm nhiễm hay ngứa trong lỗ tai.

Máy hút ráy tai W.V được giới thiệu có bốn đầu hút, hút ráy tai tiện lợi, dễ mang theo người để hút ráy tai và làm sạch bụi bẩn phía sâu trong lỗ tai, hút mũi cho trẻ em, dùng làm khô tai sau khi tắm, bơi... An toàn khi sử dụng, không gây đau rát.

Ngoài ra, trên thị trường cũng có bán dung dịch xịt làm sạch ráy tai được giới thiệu “giúp loại bỏ an toàn và hiệu quả ráy tai dư thừa, tích tụ ở người lớn, giúp tai hết ngứa, thông thoáng, thính giác ổn định, chống tích tụ ráy, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, nấm do bụi, nước bẩn xâm nhập...”.

Cẩn thận khi sử dụng

ThS.BS Lê Trần Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - cho biết bất kỳ sự can thiệp nào cũng có thể gây rối loạn quá trình tự làm sạch của ống tai ngoài và gây nên bệnh lý. Chưa kể làm vệ sinh, lau chùi sạch sẽ quá cũng không tốt vì có thể khiến những tế bào lông bị tổn thương.

Do đó khi chưa biết tình trạng tai của mình thế nào, có bệnh lý gì không, tốt nhất không nên dùng dụng cụ vệ sinh tai, máy hút ráy tai hay bơm xịt dung dịch để vệ sinh tai.

Nếu dùng dung dịch bơm xịt vệ sinh tai mà người sử dụng đang bị thủng màng nhĩ sẽ vô tình đẩy vi khuẩn từ ngoài ống tai thâm nhập vào trong tai giữa dễ dàng, rồi từ đó theo đường thông đi lên não gây nhiễm trùng não rất nguy hiểm.

Trường hợp bệnh nhân có sẵn nút ráy tai (ráy tai bị đóng cục) bít gần hết ống tai trong nhưng còn nghe được thì việc bơm dung dịch rửa tai sẽ làm bệnh nhân khó nghe hơn hoặc bị điếc do ráy tai ngấm nước dung dịch nở ra, bít hoàn toàn ống tai. Khi ráy tai bị ngấm nước cũng rất dễ gây nhiễm trùng tai.

Việc dùng dụng cụ vệ sinh tai hay thiết bị hút ráy tai cũng không cần thiết vì theo cơ chế tự nhiên của cơ thể, ráy tai sẽ tự động bị đẩy và rớt ra ngoài qua ống tai ngoài nhờ các tế bào lông làm nhiệm vụ này.

Nếu đã bị tình trạng nút lỗ tai thì dùng máy hút cũng không hút ra được. Trường hợp đang bị thủng màng nhĩ mà dùng máy hút này sẽ tạo áp lực lên hệ thống tiền đình khiến người đó bị chóng mặt, nôn ói do tiền đình bị kích thích.

Còn với trẻ em càng không nên sử dụng, nhất là trẻ em dưới sáu tháng tuổi.

Vệ sinh đúng cách

Theo bác sĩ Quang Minh, với người có ống tai bình thường không cần phải làm vệ sinh tai đặc biệt gì vì cơ chế làm sạch của cơ thể sẽ tự đẩy ráy tai ra ngoài. Chỉ cần đi khám tai định kỳ mỗi năm một lần xem có bị nút lỗ tai không (biểu hiện nghe kém, hơi nghễnh ngãng).

Nếu có, bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy ra vừa an toàn, vừa đảm bảo không nhiễm trùng. Với người bị giảm chức năng lông chuyển, giảm tiết hoặc ống tai có viêm nhiễm thì phải tới khám bác sĩ chuyên khoa.

Không nên lấy ráy tai bằng que móc kim loại, ngay cả dùng tăm bông ngoáy ráy tai cũng rất có hại vì tăm bông có thể dồn ráy tai vào sâu sát màng nhĩ, nếu ngoáy thường xuyên lâu ngày sẽ tích tụ tạo thành nút ráy tai gây tắc nghẽn.

Ngoài ra, tăm bông nhìn tưởng mềm nhưng vẫn có thể gây trầy xước da ống tai, vô tình tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập dẫn đến viêm ống tai ngoài cấp.

Tại Bệnh viện Tai mũi họng TP, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị viêm ống tai ngoài, trong đó có khoảng 20-30 bệnh nhân cho biết đi khám bệnh vì tai bị sưng, đau sau ngoáy ráy tai.

Thỉnh thoảng lại có bệnh nhân bị thủng màng nhĩ vì ngoáy lỗ tai sâu quá hoặc đang lấy ráy tai bằng que móc kim loại bị người khác đi qua vô tình đụng phải gây thủng màng nhĩ, rách da ống tai, chảy máu.

Có trường hợp chấn thương thủng màng nhĩ gây tổn thương tai trong, khiến bệnh nhân bị giảm hoặc mất thính lực, chóng mặt, ói, ù tai phải nhập viện theo dõi.

“Vệ sinh tai đúng cách là không dùng các vật cứng, que móc kim loại, tăm bông để ngoáy ráy tai. Trường hợp sau khi tắm, đi bơi bị nước vào lỗ tai chỉ cần nghiêng đầu, day nhẹ vùng nắp tai cho nước tự chảy ra. Một ít nước còn sót lại sẽ tự khô từ từ không cần phải ngoáy tai. Nếu cảm thấy ướt tai khó chịu, chỉ dùng tăm bông, khăn mềm lau nhẹ ngoài cửa tai, không đưa sâu vào trong tai” - bác sĩ Quang Minh hướng dẫn.

Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ tai

Ráy tai có hai loại là ráy tai khô và ráy tai ướt. Đa số người VN có ráy tai khô.

Ráy tai là các chất tiết ra từ những tuyến bã trong ống tai ngoài tạo nên. Do đó ráy tai hình thành trong ống tai là bình thường.

Trong ráy tai có chứa trên mười polypeptide - những chất có khả năng diệt khuẩn và các bào tử nấm, nên có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn, tiêu diệt các vi khuẩn và bào tử nấm từ bên ngoài lọt vào tai gây ra viêm, nhiễm trùng.

Dùng dụng cụ ngoáy tai chung tại tiệm cắt tóc rất nguy hiểm

GS.TS Phạm Kiên Hữu - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết ráy tai là chất tự nhiên do tuyến ráy tai của lớp da phủ trên phần sụn của ống tai tiết ra.

Ráy tai có chức năng duy trì môi trường axit ngăn cản sự phát sinh và phát triển của vi khuẩn. Không để bụi bẩn, côn trùng nhỏ, vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào tai.

Nếu lấy ráy tai sẽ giảm bớt cơ chế bảo vệ của da ống tai. Mặt khác lớp da ống tai rất mỏng, việc ngoáy tai thường xuyên dễ làm trầy xước da, tạo điều kiện cho vi trùng sống cộng sinh trên da có thể xâm lấn xuống dưới gây nên bệnh viêm tai ngoài.

Việc sử dụng bộ dụng cụ ngoáy tai chung tại nhiều tiệm cắt tóc hiện nay rất nguy hiểm. Nếu không được vô trùng cẩn thận, khách hàng sẽ dễ bị nhiễm trùng tai. Dùng chung một bộ dụng cụ sẽ dễ bị lây lan từ người này sang người khác làm cho tai bị viêm.

Ngay cả những bộ dụng cụ tự mỗi cá nhân đưa tới tiệm cắt tóc cũng chưa chắc chắn về việc vô trùng khi dùng xong. Trong số các dụng cụ đó, dụng cụ chùm lông là nguy hiểm nhất, rất dễ có vi trùng dính vào và khi sử dụng lần tiếp theo sẽ bám vào da ống tai gây bệnh.

“Theo tôi, tốt nhất là không nên lấy ráy tai”, GS.TS Phạm Kiên Hữu nói.

TIẾN LONG

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên